Mở cửa dạy học trực tiếp trở lại, các trường nên giảm tải những gì?

11/02/2022 08:53
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc trở lại trường học trực tiếp là cần thiết, phù hợp nhưng các địa phương cần chủ động giảm tải những hoạt động, đầu việc không cần thiết cho thầy và trò.

Kể từ khi bước vào năm học 2021-2022 cho đến nay dù hơn 1 học kỳ đã trôi qua nhưng học sinh ở nhiều địa phương phía Nam vẫn đang phải học trực tuyến nên khi có kế hoạch trở lại lại học trực tiếp đã nhận được sự đồng thuận của nhiều phụ huynh cũng như thầy và trò ở các nhà trường.

Ngay tuần đầu tiên của năm mới đã có địa phương cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp và nhiều địa phương thì có kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp từ ngày 14/2 tới đây.

Vì dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn phức tạp nên những ngày đầu đến trường thì một số trường học đã phát hiện có ca nhiễm là học sinh và giáo viên trong nhà trường.

Việc trở lại trường học trực tiếp là cần thiết, phù hợp nhưng các địa phương cũng cần chủ động giảm tải những hoạt động, những đầu việc không cần thiết nhằm hạn chế tối đa sự lây nhiễm dịch bệnh.

Đó cũng là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng dạy và học trong bối cảnh hiện nay.

Nên giảm tải những áp lực không cần thiết cho thầy và trò để nâng cao hiệu quả dạy và học (Ảnh minh họa: P.L.)

Nên giảm tải những áp lực không cần thiết cho thầy và trò để nâng cao hiệu quả dạy và học

(Ảnh minh họa: P.L.)

Một học kỳ trôi qua với rất nhiều thử thách cho thầy và trò

Năm học 2021-2022 đã đi hết học kỳ I, có những địa phương đã bước sang học kỳ II được vài tuần rồi nhưng vì dịch bệnh nên thầy và trò ở nhiều nơi đang phải dạy và học trực tuyến.

Rất nhiều áp lực mà thầy và trò ở các nhà trường đang triển khai dạy và học trực tuyến phải đối mặt, phải trải qua hàng ngày. Nhiều phụ huynh phàn nàn về chất lượng dạy học, về sự vất vả khi con em mình phải ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại nhiều tiếng đồng hồ để học tập…

Nhiều thầy cô giáo cũng áp lực khi dạy học trực tuyến. Học sinh càng nhỏ, giáo viên càng áp lực, những môn học càng nhiều tiết thì giáo viên càng vất vả khi thực hiện việc chuẩn bị giáo án cho các buổi dạy.

Nhìn lại học kỳ I vừa qua, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu đáng kể trong dạy và học ở các nhà trường, nhất là từ cấp Trung học cơ sở trở lên thì các môn học đều đã được giảng dạy đầy đủ.

Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy chất lượng giáo dục khi phải dạy và học trực tuyến nên vẫn chưa được như kỳ vọng. Một số môn học ở cấp Tiểu học chưa dạy được ở học kỳ I. Những môn học còn lại dù giảng dạy đầy đủ số tiết nhưng phải giảm tải rất nhiều các đơn vị kiến thức.

Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh còn chểnh mảng, thờ ơ với việc học trực tuyến nên cho dù hàng ngày các em vẫn đăng nhập vào học nhưng chưa chú tâm vào những bài giảng của thầy cô.

Chính vì thế, khi trở lại trường học trực tiếp, việc đầu tiên các nhà trường phải làm là ôn tập, hệ thống lại kiến thức cho học trò - đây là nhiệm vụ rất nặng nề và các trường phải có kế hoạch bài bản nếu không nó sẽ phát sinh thêm rất nhiều khó khăn cho đơn vị và đội ngũ nhà giáo.

Cần giảm tải áp lực cho thầy và trò khi trở lại học trực tiếp

Chúng tôi cho rằng, khi học sinh trở lại học trực tiếp, các nhà trường cần linh hoạt triển khai các kế hoạch, không nên cứng nhắc, máy móc thực hiện những việc làm không cần thiết để vừa đảm bảo được chất lượng giáo dục nhưng đồng thời không phát sinh thêm những khó khăn cho nhà trường.

Thứ nhất: các nhà trường cần vận động, tuyên truyền phụ huynh đồng ý cho con em đến trường học tập đầy đủ, tránh trường hợp 1 lớp học mà vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến sẽ khiến cho giáo viên rất mệt mỏi.

Đồng thời, nhà trường và các tổ chuyên môn cần có những kế hoạch hỗ trợ, phụ đạo những học sinh đang bị hổng kiến thức các môn học để các em có thể nắm được những kiến thức cơ bản. Nếu không, khi các em lên những lớp cao hơn sẽ khó tiếp thu được những kiến thức bài học.

Thứ hai: nhà trường cần linh hoạt giảm tải cho giáo viên những hoạt động không thật sự cần thiết như dự giờ theo số tiết quy định; tổ chức thao giảng cấp tổ, cấp trường và những cuộc họp mang tính “họp lệ” hình thức đang được duy trì lâu nay.

Các loại kế hoạch, hồ sơ sổ sách không thật sự cần cũng nên giảm tải cho giáo viên để họ chuyên tâm vào công tác giảng dạy hàng ngày trên lớp.

Các hoạt động ngoại khóa của học sinh cũng nên tạm dừng trong thời gian còn lại của năm học này vì khi sinh hoạt ngoại khóa thường phải tập trung đông người nên sẽ không tốt cho việc phòng chống dịch bệnh ở các nhà trường.

Thứ ba: các cấp Phòng, Sở cũng hạn chế tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội thi như tổ chức thao giảng chuyên đề Hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh vì việc tổ chức thao giảng hiện nay mang tính “diễn” là nhiều.

Nhưng nó khiến cho các trường, giáo viên thực hiện tiết thao giảng rất vất vả trong các khâu chuẩn bị, thực hiện. Những giáo viên ở các đơn vị khác đến dự giờ cũng mất thời gian đi lại nhưng hiệu quả thu được từ những tiết dự thao giảng không đáng bao nhiêu.

Những hội thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng nên dừng lại không cần phải tổ chức trong học kỳ II này vì tổ chức trong điều kiện dịch bệnh hiện nay không thực sự phù hợp.

Thứ tư: đối với kỳ thi tuyển sinh 10 thì các địa phương cần cân nhắc kĩ lưỡng. Chỉ nên tổ chức đối với những trường chuyên biệt, những trường có tỉ lệ thí sinh đăng ký cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh.

Những trường, những khu vực khó khăn mà tỉ lệ chọi thấp, thậm chí là số đăng ký thấp hơn chỉ tiêu tuyển đầu vào lớp 10 thì không nên tổ chức kỳ thi làm gì.

Đối với học sinh lớp 12 chỉ nên tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với những em có nguyện vọng xét tuyển đại học hoặc có nguyện vọng thi. Những thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển đại học thì Bộ, Sở cũng nên công nhận kết quả tốt nghiệp trong năm nay.

Bởi, khi tổ chức những kỳ thi lớn thì đương nhiên sẽ tốn kém thời gian, công sức của giáo viên, học sinh và lãng phí tiền bạc đối với ngân sách nhà nước và phụ huynh nhưng cuối cùng thì cũng không loại được bao nhiêu thí sinh.

Nghĩ về những tháng còn lại của năm học 2021-2022 dù chúng ta đều phấn khởi khi các địa phương đã cho phần lớn học sinh các cấp trở lại trường học tập trực tiếp nhưng rõ ràng những khó khăn sẽ còn rất nhiều và thầy và trò ở các nhà trường phải vượt qua.

Vì thế, chúng tôi hy vọng lãnh đạo các cấp của ngành giáo dục cần giảm bớt áp lực, hoặc thay đổi hình thức thực hiện những đầu việc không thực sự cần thiết để giáo viên và học sinh tập trung cho việc dạy và học trên lớp là điều phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH