Môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học được tách thành 2 môn riêng, đánh giá riêng

17/10/2022 06:42
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất cầu thị, có đính chính về môn Tin học, Công nghệ ở tiểu học, rất mong Bộ xem xét thấu đáo các môn tích hợp ở THCS.

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 xuất hiện môn tích hợp ở cấp tiểu học (Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật); ở cấp trung học cơ sở (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật,…) nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ giáo viên cả nước.

Việc thay đổi từ đơn môn thành môn tích hợp không chỉ đơn thuần là ghép môn mà còn liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng để trở thành giáo viên giảng dạy được 2-3 phân môn và quan trọng là nhiều dấu hỏi về chất lượng bồi dưỡng khi giáo viên vài chục năm học đơn môn nhưng chỉ bồi dưỡng vài tháng sẽ có chứng chỉ tích hợp dạy được 2-3 phân môn.

Môn Tin học và Công nghệ sẽ thành 2 môn Tin học, Công nghệ riêng, kiểm tra đánh giá riêng

Môn Tin học và Công nghệ sẽ thành 2 môn Tin học, Công nghệ riêng, kiểm tra đánh giá riêng

Ở cấp tiểu học, môn tích hợp Tin học và Công nghệ đã được tách thành 2 môn Tin học, Công nghệ

Quyết định 2904/QĐ-BGDĐT ngày 07/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đính chính Phụ lục 1, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Nội dung điều chỉnh như sau:

“1. Tại dòng thứ 7, mục 1. Các môn học và hoạt động giáo dục (trang 4), Phụ lục 1 Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT đã in là: “Tin học và Công nghệ”. Nay bỏ cụm từ “Tin học và Công nghệ” và sửa lại như sau: Chia dòng thứ 7 này thành 02 dòng, tại mỗi dòng tương ứng với cột “Môn học và hoạt động giáo dục” ghi lần lượt như sau: “Tin học và Công nghệ (Tin học)” và “Tin học và Công nghệ (Công nghệ)”.

2. Tại cột “Môn học và hoạt động giáo dục”, mẫu 4 và mẫu 7, Phụ lục 2 Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT đã in cột “Tin học và Công nghệ”. Nay sửa lại tên cột này là “Tin học và Công nghệ (Tin học)” và bổ sung cột “Tin học và Công nghệ (Công nghệ)”.

3. Tại cột “Môn học và hoạt động giáo dục”, mẫu 5 và mẫu 8, Phụ lục 2 Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT đã in cột “Tin học-Công nghệ”. Nay sửa lại tên cột này là “Tin học và Công nghệ (Tin học)” và bổ sung cột “Tin học và Công nghệ (Công nghệ)” gồm 02 cột thành phần là “Mức đạt được” và “Điểm KTĐK”.

4. Tại cột “Môn học và hoạt động giáo dục”, mẫu 6 và mẫu 9, Phụ lục 2 Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT đã in cột “TH-CN”. Nay sửa lại tên cột này là “Tin học và Công nghệ (Tin học)” và bổ sung cột “Tin học và Công nghệ (Công nghệ)” gồm 02 cột thành phần là “Mức đạt được” và “Điểm KTĐK”

Theo đó, đính chính trong học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục giữa kỳ, cuối học kỳ I, cuối năm học: môn Tin học và Công nghệ sẽ được tách thành 2 phần riêng biệt như 2 môn độc lập: Tin học và Công nghệ (Tin học); Tin học và Công nghệ (Công nghệ). Môn TIn học, Công nghệ sẽ có bài kiểm tra định kỳ riêng (Mức đạt được; Điểm kiểm tra định kỳ).

Thực tế, môn Tin học và Công nghệ ở lớp 3 năm học này được viết ở 2 quyển sách riêng, nhưng trước đây chung một môn nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá, nhận xét, khi 2 giáo viên cùng dạy 1 môn, cùng nhận xét,...nên việc tách nó thành 2 môn Tin học, Công nghệ theo Quyết định 2904 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là kịp thời, hợp lý.

Như vậy, với đính chính và điều chỉnh trên, môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học xem như trở thành 2 môn riêng, kiểm tra, đánh giá riêng.

Đây cũng là niềm vui với giáo viên đơn môn, không còn tình trạng 2 thầy cùng cho điểm, đánh giá một học sinh, có thể họ sẽ không phải đi học chứng chỉ Tin học và Công nghệ để được giảng dạy môn trên theo Quyết định 2453/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học từ 20-28 tín chỉ (tùy theo đối tượng).

Rất cảm ơn Bộ Giáo dục có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp, giảm áp lực lớn cho giáo viên tiểu học.

Ở lớp 3 Chương trình mới, môn Tin học, Công nghệ thiết kế trên 2 sách khác nhau. Ảnh chụp bìa Bộ sách Cánh Diều

Ở lớp 3 Chương trình mới, môn Tin học, Công nghệ thiết kế trên 2 sách khác nhau. Ảnh chụp bìa Bộ sách Cánh Diều

Để gỡ khó, môn tích hợp ở trung học cơ sở nên được điều chỉnh thế nào?

Đối với cấp trung học cơ sở, bản thân người viết cũng rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, xem xét trả về tên môn học Âm nhạc, Mĩ thuật (hiện nay là môn Nghệ thuật); môn Lịch sử, Địa lý (hiện nay là môn Lịch sử và Địa lý gồm 2 phần tách biệt); môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (hiện nay là môn Khoa học tự nhiên) trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sách giáo khoa thiết kế kiểu ghép môn, các môn trên khi thực hiện gồm các phần riêng biệt, tách rời nhau, nếu gom thành 1 môn sẽ rất khó có giáo viên đảm nhận theo nguyên tắc biết 10 dạy 01 và quan trọng là sẽ tốn lượng kinh phí vô cùng lớn để bồi dưỡng giáo viên tích hợp (có thể từ ngân sách hoặc do cá nhân tự đóng góp).

Do việc đào tạo giáo viên đơn môn để giảng dạy các môn tích hợp theo các Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp nhiều vướng mắc về thời gian đào tạo, kinh phí bồi dưỡng, giáo viên sau khi có chứng chỉ liệu có đủ khả năng để đảm nhận cả 2-3 phân môn,...nên hiện nay con số giáo viên có chứng chỉ tích hợp rất ít.

Đa số, tại nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng 2-3 thầy một sách, không ai chịu trách nhiệm, "cha chung không ai khóc",...

Một bất cập rất lớn khi 2-3 thầy cùng dạy chung một môn đó là bất cập, rối rắm khi 2-3 thầy phải vào chung một cột điểm, 2-3 thầy cùng ra 1 đề kiểm tra chung gồm 2-3 phần, đến khi chấm kiểm tra lại phải 2-3 người chấm và phải có thêm 1 người tổng hợp điểm, việc vào điểm phần mềm, nhận xét, cách sử dụng sổ điểm cá nhân,... vô cùng phức tạp, bất hợp lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất cầu thị, có đính chính và điều chỉnh về môn Tin học, Công nghệ ở tiểu học thành 2 môn riêng, kiểm tra đánh giá riêng nên rất mong Bộ xem xét thấu đáo các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở, các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý được gọi là các môn hay phân môn riêng biệt, có phần kiểm tra, đánh giá riêng.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2453-qd-bgddt-206144-d1.html

https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2904-qd-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-231382-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi