Ngày 8/6/2019, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay”, thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên ở khu vực phía Nam.
Một giáo viên mầm non phải làm 12 loại sổ sách
Phát biểu tại hội thảo này, cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Trường Đại học Đồng Tháp nói rằng, áp lực càng nhiều đối với giáo viên thì sẽ kéo theo những biểu hiện không tích cực. Với nghề giáo hiện nay đang có rất nhiều áp lực cần phải được giải tỏa.
Cô Hồng Vân đưa ra ví dụ, nếu giáo viên phổ thông phải đối mặt với các áp lực thành tích thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, bao nhiêu học sinh giỏi, học sinh lên lớp, tỷ lệ học sinh yếu kém, phong trào thi đua…
Hoặc với giáo viên mầm non, một lớp học có khi chỉ 30 em học sinh, mà có đến 12 loại sổ sách khác nhau cần phải làm.
Hội thảo khoa học “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay” ngày 8/6 (ảnh: P.L) |
Cần phải giảm bớt những áp lực cho giáo viên, để hạn chế nhiều hơn những tiêu cực đến từ thầy cô. Ngoài ra, còn cần phải tăng cường các chính sách đãi ngộ thích hợp để cho họ yên tâm làm việc.
Chuẩn đạo đức nhà giáo còn chung chung
Trình bày quan điểm của mình tại hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – ông Nguyễn Thanh Giang nói rằng, mình rất băn khoăn về chuẩn mực đạo đức của nhà giáo trong thời buổi hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Giang cho rằng, không thể lấy chuẩn mực đạo đức ngày xưa, lấy chuẩn mực đạo đức của thời 3.0 về trước để đánh giá nhà giáo trong thời đại 4.0.
Hiện tại, chưa có một chuẩn nào thật sự để đánh giá đạo đức của nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đưa ra các tiêu chuẩn chung chung, chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bạc Liêu – ông Hồ Quang Huy nói, Bộ cũng chỉ kêu gọi các chuẩn mực đạo đức một cách chung chung, khác xa với thực tiễn.
Còn Tiến sĩ Ngô Phan Anh Tuấn – Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, trong từng thời kỳ khác nhau thì cần có chuẩn mực đạo đức phù hợp. Ranh giới chuẩn mực là mong manh, nên địa phương khác nhau cũng có thể có chuẩn mực khác nhau.
Những thách thức đối với các vấn đề đạo đức của người thầy hiện nay, cũng có thể có các chuẩn mực khác nhau.
Cụ thể: Trước đây, người thầy lên lớp la, mắng, đòn roi học sinh…được coi là người thầy có đạo đức, gọi là yêu thương…Tuy nhiên, như thời buổi hiện nay thì lại khác. Cứ đánh học sinh thì bị cho là vi phạm pháp luật đã.
Trong từng gia đình, quan niệm về lòng yêu thương của người thầy cũng khác.
Có bố mẹ gửi gắm thầy cô, nói con hư thì thầy cô cứ đánh, nhưng có bố mẹ lại không chấp nhận chuyện này, phản ứng ngay, bao bọc con nhiều hơn.