Muốn được xét danh hiệu NGND-NGƯT, CBQL cần đảm bảo thời gian đứng lớp ra sao?

07/07/2023 06:45
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo Nghị định này được xây dựng dựa trên tính kế thừa Nghị định 27/2015/NĐ-CP và có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, đảm bảo tính khoa học.

Ngày 23/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú để lấy ý kiến trong nhân dân.

Dự thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cả nước.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Quy định hiện hành về thời gian công tác xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân đối với cán bộ quản lý giáo dục

Cán bộ quản lý giáo dục được tính gồm Hiệu trưởng/ phó hiệu trưởng, Trưởng/phó phòng giáo dục, Giám đốc/ phó giám đốc sở.

Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được thực hiện theo quy định tại Nghị định Số: 27/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.

Đối với Nhà giáo ưu tú: Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Đối với Nhà giáo nhân dân: Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Cán bộ quản lý giáo dục phải đảm bảo đủ thời gian giảng dạy trực tiếp mới đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân.

Công văn số 4732 /BGDĐT-TĐKT về việc triển khai xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 năm 2023 nêu rõ “Cán bộ quản lý giáo dục có đủ số năm trực tiếp giảng dạy mới đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Thời gian làm cán bộ quản lý giáo dục nhưng vẫn tham gia giảng dạy được tính là thời gian công tác trong ngành giáo dục nhưng không được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.”

Do đó quy định về thời gian công tác của cán bộ quản lý gặp một số tồn tại như:

Một số giáo viên giỏi, tâm huyết, nhiều thành tích nhưng khi được bổ nhiệm sớm để làm cán bộ quản lý lại không đủ thời gian công tác trực tiếp để xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân.

Chưa phân định rõ giữa cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cho nên cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có tham gia giảng dạy đủ số giờ theo quy định hiện hành nhưng chưa được xem xét tính là thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục. Thực tế hiện nay, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục trong nhà trường; giảng dạy đủ định mức giờ dạy theo danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục; có mã số V.07 hoặc V.09, được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp, cùng được hưởng các phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp như giáo viên, giảng viên.

Nhiều nhà giáo có năng lực, uy tín được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sớm sẽ không đủ thời gian trực tiếp giảng dạy theo tiêu chuẩn, ví dụ nhà giáo trực tiếp giảng dạy dưới 10 năm thì được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, hiệu trưởng (theo quy định cán bộ quản lý phải có 10 năm trực tiếp giảng dạy và 20 năm công tác trong ngành giáo dục thì đủ thời gian đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú).

Điểm mới của dự thảo về thời gian làm việc của cán bộ quản lý để xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân

Tại Điều 2 của dự thảo quy định cụ thể đối tượng áp dụng gồm:

“1. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục bao gồm:

a) Nhà giáo làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, giảng dạy, quản lý và điều hành các hoạt động giáo dục (sau đây viết tắt là giảng dạy) trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, trường chuyên biệt, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục); đảm bảo đủ định mức giờ dạy theo danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục; có mã số V.07 hoặc V.09, được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp;

b) Cán bộ quản lý giáo dục

Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục: Viên chức công tác tại các cơ sở giáo dục trước đây đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên nhưng hiện nay không tham gia giảng dạy.

Cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công chức, viên chức công tác tại phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên chuyên trách công tác quản lý giáo dục tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ban, ngành và cơ quan, tổ chức ở trung ương (sau đây gọi chung là các bộ, ban, ngành); công chức, viên chức chuyên trách công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp tại các phòng lao động - thương binh và xã hội, sở lao động - thương binh và xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; cán bộ chuyên trách công đoàn giáo dục;

c) Cán bộ nghiên cứu giáo dục: Viên chức chuyên môn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giáo dục;

d) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng;

đ) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục giảng dạy, quản lý cơ hữu tại các trường dân lập và tư thục.

Thời gian cán bộ, công chức, viên chức công tác tại cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục được tính là thời gian công tác trong ngành Giáo dục. Thời gian đi học tập trung sau khi được tuyển dụng vào ngành Giáo dục được tính là thời gian công tác trong ngành Giáo dục nhưng không được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.

Đối với Điều 9, Điều 10 Tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, "Nhà giáo ưu tú" trong dự thảo quy định:

Danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” được xét tặng cho các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 20 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp giảng dạy đã được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”…

Đối với Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” được xét tặng cho các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 15 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp giảng dạy…

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định này đề xuất bổ sung một số điểm mới quan trọng như sau:

Đối tượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giữ ngạch giáo viên, giảng viên dạy đủ định mức được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy (ước định có thể đáp ứng các điều kiện khác của tiêu chuẩn Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú);

Giảm 50% thời gian công tác đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn;

Giảm tiêu chuẩn với nhà giáo dạy trẻ khuyết tật;

Giảm tỷ lệ phiếu bầu đạt được ở Hội đồng cấp tỉnh, bộ và cấp nhà nước từ 90% trên tổng số thành viên hội đồng xuống 80% trên tổng số thành viên Hội đồng để đảm bảo quyền lợi của các nhà giáo được đồng nghiệp, học trò suy tôn tại đơn cơ sở.

Với mức lương cơ sở 1.800.000 đồng, Khoản khen thưởng trực tiếp đối với danh hiệu Nhà giáo nhân dân bằng 12,5 lần mức lương cơ sở đối với cá nhân tức là:12,5 x 1.800.000 = 22.500.000 đồng; khoản khen thưởng trực tiếp đối với danh hiệu Nhà giáo ưu tú bằng 9,0 lần mức lương cơ sở đối với cá nhân tức là: 9,0 x 1.490.000 = 16.200.000 đồng

Trong Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến Chính phủ về 03 nội dung như sau:

“1. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có tham gia giảng dạy đủ định mức giờ dạy theo danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục; có mã số V.07 hoặc V.09, được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp thì xét theo tiêu chuẩn của nhà giáo. Hiện nay, với việc đổi mới công tác cán bộ nhiều giáo viên, giảng viên có trình độ chuyên môn xuất sắc đã sớm được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý, trong thời gian làm quản lý cơ sở giáo dục nhà giáo vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy đủ số giờ theo quy định và quản lý, điều hành các hoạt động trong trường học.

2. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hiện đang công tác ở trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tiêu chuẩn xét tặng như nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại Nghị định số 27 chỉ quy định tiêu chuẩn xét đặc thù đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên tại dự thảo Nghị định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thêm việc xét theo tiêu chuẩn ưu tiên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các trường, lớp dành cho người khuyết tật.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện, cả nước có 32 trung tâm và 34 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật với hơn 2000 cán bộ giáo viên. Trong 03 lần xét tặng gần đây mới chỉ có 02 cán bộ quản lý được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, chưa có giáo viên trực tiếp giảng dạy được phong tặng. Học sinh khuyết tật có nhiều hạn chế về khả năng nghe, nhìn và vận động; vì vậy công tác chăm sóc, giáo dục các em đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức và sự kiên trì hơn so với đối tượng học sinh bình thường. Tại các hội thảo lấy ý kiến của khối giáo dục mầm non, phổ thông, các đại biểu đã đề xuất việc ưu tiên này nhằm ghi nhận thành tích và tạo điều kiện cho các nhà giáo giảng dạy ở lĩnh vực đặc thù có cơ hội được xét phong tặng.

Qua 15 lần xét tặng, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giảng dạy học sinh khuyết tật, công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được phong tặng còn rất ít, chưa phản ánh hết những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo công tác tại môi trường đặc thù. Việc điều chỉnh về tiêu chuẩn, thời gian trực tiếp giảng dạy thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục vùng khó khăn; đồng thời tạo động lực để các nhà giáo tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao hơn trong giảng dạy, giáo dục, góp phần đưa giáo dục vùng khó khăn chuyển biến tích cực.

3. Về số phiếu của Hội đồng giảm xuống 80% theo đề nghị của các cơ sở giáo dục và các sở giáo dục và đào tạo. Cá nhân được đề nghị Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú phải đạt từ 80% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên hội đồng.

Vì số thành viên hội đồng cơ sở ít (có thể từ 07 đến 09 thành viên), nếu để 90% thì 01 thành viên không đồng ý thì ứng viên không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp trên.”

Như vậy có thể thấy, dự thảo Nghị định này được xây dựng dựa trên tính kế thừa Nghị định 27/2015/NĐ-CP và có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn, đảm bảo tính khoa học.

Được biết, dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đang lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 10/08/2023.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi