Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%. Tỷ lệ này vào quý IV năm 2021 là 26,1%, vào quý II năm 2022 là 26,2%.
Những con số trên đã cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói rằng, cả nhân lực lao động qua đào tạo dạy nghề và nhân lực lao động qua đào tạo đại học đều đang thiếu. Chúng ta phải phát triển mạnh cả hai nguồn nhân lực này.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. |
Thưa ông, theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%. Tỷ lệ này vào quý IV năm 2021 là 26,1%, vào quý II năm 2022 là 26,2%. Ông có nhận xét gì về hoạt động đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Số liệu này đã phản ánh thực tế giáo dục của Việt Nam hiện nay, Việt Nam đang chú trọng hơn việc phát triển giáo dục phổ thông mà chưa chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, chất lượng cao sau phổ thông.
Chúng ta định hướng phân luồng mạnh từ sau trung học cơ sở, điều này đã được thể hiện qua các văn bản pháp quy như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Nghị quyết 29-NQ/TW, …
Tuy nhiên thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong nhiều năm qua lại diễn ra hoàn toàn theo chiều hướng trái ngược.
Các báo cáo về giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp của năm học 2019-2020 cũng cho thấy có 78% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào trung học phổ thông và chỉ có 15,6 % học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào hệ trung cấp nghề.
Chúng ta được đánh giá là cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng cho người dân, nhưng chưa đạt được nhiều thành công trong giáo dục sau phổ thông. Lý do vì sau trung học phổ thông có nhiều hướng rẽ: Một bộ phận học sinh theo học giáo dục đại học, một bộ phận theo hướng học nghề, một bộ phận học trung cấp, sơ cấp (dạy nghề ngắn hạn), còn lại gia nhập thị trường lao động dù không qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2019 của Tổng cục Thống kê, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu từ 15 tuổi trở lên) 77,2% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học.
Đến năm nay, số liệu mà Tổng cục thống kê đưa ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ cũng mới đạt 26,2%.
Nhìn vào tỷ lệ lực lượng lao động như thế thì làm sao chúng ta có thể hoàn thành được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiến vào nền kinh tế tri thức, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Thứ nhất, hiện nay chúng ta chưa nhận thức đúng việc đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý để phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy nên hoạt động đào tạo cũng chưa thể đảm bảo.
Chúng ta vẫn định hướng dư luận rằng tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra, để hạn chế số lượng học sinh theo học đại học, mở đường cho học sinh theo học nghề.
Nhưng thực tế không phải nhân lực lao động có trình độ đại học thừa. Cả nhân lực lao động qua đào tạo dạy nghề và nhân lực lao động qua đào tạo đại học đều đang thiếu. Chúng ta phải phát triển mạnh cả hai nguồn nhân lực này.
Còn thừa ở đây chính là nguồn nhân lực dù tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Thứ hai, giáo dục đại học đang bị kéo lùi lại vì chịu tác động bởi các chính sách.
Hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP quốc dân (Theo tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính năm 2020) – một con số quá khiêm tốn. Hơn nữa, ngân sách lại phân bố không đồng đều.
Chúng ta có xu hướng để các trường đại học tự chủ tiến tới tự túc về tài chính, các trường chỉ còn cách tăng nguồn thu từ học phí người học, học phí tăng cao thì số người tiếp cận giáo dục đại học có thể sẽ khó khăn hơn, dẫn tới số lượng lao động qua đào tạo trình độ đại học càng thấp.
Có thể thấy, vấn đề đào tạo nhân lực có mối quan hệ chặt chẽ với việc chuyển đổi và phát triển nền kinh tế. Vậy đâu là giải pháp để Việt Nam thực hiện tốt vấn đề đào tạo gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Rõ ràng, việc mở rộng quy mô của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là điều quan trọng và cần thiết phải làm.
Theo phân loại được thừa nhận hiện nay, tỷ lệ nhập học đại học - đạt dưới 15 % thì nền giáo dục của quốc gia đó được xem đang ở giai đoạn tinh hoa –chủ yếu đào tạo các học giả và một số chuyên gia.
Còn khi tỷ lệ này nằm trong khoảng 15-50% thì giáo dục đại học chuyển qua giai đoạn đại chúng; vượt quá 50 % là giai đoạn phổ cập –đào tạo không chỉ có các học giả mà còn có cả một đội ngũ rất hùng hậu gồm các chuyên gia, chuyên gia công nghệ, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật cao.
Giáo dục đại học tinh hoa chỉ thích hợp với nền kinh tế nông nghiệp, giáo dục đại học đại chúng mới đáp ứng được nền kinh tế công nghiệp, và giáo dục đại học phổ cập là đòi hỏi tất yếu nếu muốn bước vào nền kinh tế tri thức.
Vậy để phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sẵn sàng hoà nhịp vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải chú trọng tăng tỷ lệ nhập học đại học.
Bên cạnh phát triển giáo dục đại học thì cũng cần đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp.
Các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí của từng vùng miền, từng địa phương và cần được phân cấp xây dựng tới tận từng địa phương.
Chúng ta cần học hỏi các quốc gia vốn được xem là “con rồng Châu Á”, bên cạnh phân hệ giáo dục học thuật còn có phân hệ giáo dục chuyên nghiệp/giáo dục công nghệ, cho phép các trường công nghệ nhấn mạnh kỹ năng thực hành và khía cạnh huấn luyện của giáo dục công nghệ, cho phép các trường uyển chuyển hơn trong vấn đề thiết kế nội dung chương trình đào tạo để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhân lực một cách mềm dẻo và nhanh chóng hơn. Nhờ có được cả 2 loại nhân lực ở trình độ đại học như vậy nên các nước này đã rút ngắn được tiến trình công nghiệp hóa của mình.
Muốn đất nước phát triển, đi tắt đón đầu, cần đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp đa dạng về thể loại và trình độ, có cơ cấu hợp lý, đồng thời phải phù hợp với thực trạng của đất nước, ở từng vùng lãnh thổ.
Cụ thể, tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau.
Thứ nhất, chiến lược giáo dục của Việt Nam cần thực hiện theo nguyên tắc: Giáo dục đi trước một bước để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Có như vậy ngân sách Nhà nước mới tăng kéo theo tăng ngân sách cho giáo dục.
Thứ hai, cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu: phổ cập giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm các trình độ đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng thực hành và trung học nghề/trung học kỹ thuật).
Phải triển khai phân luồng triệt để học sinh từ sau bậc trung học cơ sở và cần xem đây là giải pháp cơ bản để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên.
Thứ ba, phải tạo ra được sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu lao động, theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ở các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Trên cả nước cũng như ở từng vùng miền cũng cần cơ cấu nhân lực (về trình độ, nghề nghiệp) và chính sách đầu tư vào công nghệ phù hợp trong cả ba khu vực kinh tế đó.
Thứ tư, Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp, thông qua phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp và hiệu quả của toàn hệ thống trên cả 2 phương diện: mạng lưới trường và quy trình đào tạo. Để làm được điều đó quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo phải được tập trung về cùng một đầu mối.
Thứ năm, trong lĩnh vực quản lý giáo dục, cần xóa bỏ ngay cơ chế “xin – cho”, thực hiện quyền tự chủ - trách nhiệm giải trình thực sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế hội đồng trường đích thực.
Cuối cùng, thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cơ chế chính sách phù hợp…
Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận, hoàn thiện quy chế trường đại học tư hoạt động không vì lợi nhuận và các chế độ chính sách ưu đãi cụ thể cho các cơ sở này.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến!