LTS: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Khánh Văn chia sẻ những kỷ niệm về người thầy mà mình rất kính yêu.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm tôi học lớp 10, thầy là giáo viên chủ nhiệm lớp của chúng tôi.
Vì là người đã qua những tháng năm quân ngũ trở về nên khi mới vào năm học mới thì thầy đã phân công tôi làm lớp trưởng.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu của năm học thì giữa tôi và thầy đã có những tình cảm và mối quan hệ đặc biệt với nhau.
Tôi yêu môn Văn từ chính những lời thầy giảng. Cuộc đời thầy phải chăng đã có quá nhiều đau khổ, quá nhiều mất mát, đau thương nên những trang văn của thầy bao giờ cũng cảm động, bao giờ cũng đi vào lòng học sinh một cách mê hoặc.
Thấy tôi là người đã bỏ học nhiều năm nên thầy luôn quan tâm, giúp đỡ.
Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại |
Thầy đã từng nói trước lớp rằng: các em cần giúp đỡ lớp trưởng thêm trong học tập vì anh ấy đã bỏ học nhiều năm, bây giờ đi học lại chắc sẽ gặp khó khăn.
Tôi đã vô cùng cảm động vì sự quan tâm của thầy luôn dành cho tôi.
Ngày đầu tiên trả bài tập làm văn của lớp 10, thầy nhắc đến tên tôi bởi bài văn của tôi là bài được điểm 8 duy nhất của cả lớp (ngày đó không có điểm 9, 10 nhiều giống bây giờ).
Tôi ngạc nhiên vì không nghĩ mình lại có điểm Văn cao nhất lớp, cả lớp nhìn tôi và niềm vui của thầy cũng rạng rỡ.
Từ đó, tôi và thầy thường nói chuyện văn chương với nhau trong những giờ ra chơi hay những hoạt động ngoài giờ của trường.
Thầy kể về những nhân cách lớn trong nền văn học thế giới và nước nhà.
Thầy hay kể tại sao những người như Lý Bạch, Đỗ Phủ, rồi Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du... lại gặp nhiều trắc ẩn, bất hạnh trên đường đời.
Hai thầy trò cũng thường hay tranh luận và bình những áng văn chương hay, bởi tôi là cũng đã từng đọc rất nhiều và ham đọc.
Rồi thầy trò bình thơ, những bài thơ trong phong trào Thơ mới của các tác giả Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ...
Tôi hỏi thầy về Nguyễn Bính - một thi sĩ tài hoa mà cuộc đời lận đận.
Thầy bảo không chỉ mình Nguyễn Bính nghèo khó, vất vả mà những nhà văn, nhà thơ từ xưa thường rất nghèo và lận đận.
Cái nghèo khó, lận đận có từ thời Khuất Nguyên viết Ly tao, Tư Mã Thiên viết Sử ký.
Không chỉ họ nghèo mà đôi khi họ còn chịu nhiều hàm oan, tủi cực... Văn chương là vậy đó em ơi.
Cuối năm học lớp 12, tôi đã đem lại nhiều niềm vui cho bản thân và cho cả thầy.
Bắt đầu là giải nhất môn Văn của huyện, rồi tôi đi thi học sinh giỏi của tỉnh, những ngày đó, thầy đã truyền cho tôi tất cả những gì mà thầy có thể truyền được để chuẩn bị cho kì thi quan trọng...
Bây giờ… cũng đã 20 năm trời đằng đẵng trôi qua. Tôi cũng đã là người thầy dạy Văn - bước tiếp con đường mà thầy đã từng đi.
Cũng đã trải qua nhiều những thăng trầm của cuộc đời, cũng gặp nhiều học trò rất đặc biệt.
Nhưng, mỗi khi nhớ về thầy, tôi lại nhớ về một người thầy mẫu mực, hết lòng thương yêu học trò.
Và, đặc biệt hơn, tôi nhớ về một người thầy có một cuộc đời cũng rất …đặc biệt.
Cuộc đời thầy gắn liền với những nỗi đau có thật, những nỗi đau mà không thể tả hết bằng lời.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy được điều về giảng dạy tại trường cao đẳng sư phạm của tỉnh nhà.
Những năm đó là những tháng năm vinh quang nhất của đời thầy.
Thầy từng đi dự lớp tập huấn về viết sách giáo khoa, rồi dự thảo khoa học cấp Bộ và điều vinh dự nhất là thầy đã tham gia giảng dạy cho nhiều thế hệ giáo viên của tỉnh trong những năm thầy công tác ở trường sư phạm.
Thế nhưng, cuộc đời đâu chỉ có mình vinh quang, đâu chỉ có niềm vui và hạnh phúc, cuộc đời còn có nhiều nỗi buồn, còn có những đắng cay và bất hạnh.
Có điều những nỗi đau đến với thầy bất chợt và dồn dập quá.
Trong một năm mà bố thầy mất, rồi vợ thầy cũng mắc bệnh hiểm nghèo rồi ra đi... những nỗi đau cứ bất chợt ập đến với thầy như vậy.
Lúc ấy, cảnh gà trống nuôi con với bao lo toan, vất vả đều đè nặng lên đôi vai của thầy.
Không còn cách nào khác, thầy phải xin về giảng dạy tại một trường cấp 2 gần nhà để tiện chăm sóc những đứa con và người mẹ già yếu.
Khi nghe những lời kể của thầy tôi mới hiểu vì sao đôi mắt của thầy lúc nào cũng u uất và ẩn chứa một nỗi buồn.
Năm chúng tôi vào học lớp 10 là năm đầu tiên Sở Giáo dục tỉnh Thanh Hóa chủ trương mở thêm một trường cấp 3 nữa ở địa phương chúng tôi.
Lúc này, con cái thầy đã lớn nên thầy được điều chuyển về dạy lớp chúng tôi.
Khi kết thúc lớp 12, tôi đậu vào khoa Ngữ văn của một trường đại học.
Thầy rất mừng, cái mừng của người thầy đã dạy dỗ chúng tôi và đến ngày được trông thấy học trò đỗ đạt mà lại đi theo con đường của thầy đang đi.
Cuối năm học thứ tư, tôi về nghỉ hè thì hay tin thầy đã nghỉ dạy ở trường vì bại liệt chân phải, tôi liền lên thăm thầy mà không tránh được nỗi xót xa với.
Tại sao những người tốt lại thường gặp nhiều bất hạnh đến như vậy?
Thầy nói với tôi: Thầy bị mấy tháng rồi, cũng sắp đến tuổi hưu... cho dù đời thầy nhiều khổ cực, nhiều trái ngang nhưng thầy rất vui vì gần hết quãng đời của mình để làm người lái đò chở các em sang sông.
Các em thành đạt đó là tài sản của thầy.
- Cuộc sống của thày bây giờ thế nào? Tôi hỏi.
- Cũng vất vả lắm em à. Thầy bây giờ không còn đi dạy được, về hưu thì chưa đến tuổi... bây giờ thầy nghỉ không lương và đợi đến tuổi hưu.
Tôi chỉ biết an ủi thầy bằng vài lời lãng xẹt của một thằng học trò cũ mà không giúp được gì cho thầy.
Khi ra trường, công việc khó khăn, tôi chạy vạy khắp nơi để xin việc ở quê mình mà không được.
Cuối cùng đành xách ba lô ra đi, trước khi đi, tôi lên chào thầy. Thầy nhìn tôi ái ngại và nói:
- Cố gắng nghe em! Nam, Bắc đâu thì cũng cùng một nhà cả.
Đất nước mình rộng, dài nhưng ở đâu cũng là con Hồng, cháu Lạc.
Rồi, khi em có công việc ổn định thì “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” thôi.
Ngày 20/11 đang đến, tôi muốn viết về người thầy của mình nhưng khi nói với thầy thì thầy không đồng ý đưa tên mình lên.
Bởi, thầy nói là thầy chỉ muốn là một người thầy bình lặng như bao thầy cô khác.
Các em còn nhớ đến thầy là niềm hạnh phúc lớn lắm rồi.
Vâng, thầy tôi là vậy, thôi thì em chỉ biết viết những dòng chữ thân thương này để gửi về thầy như một lòng biết ơn sâu sắc.
Xa quá, em chưa thể về thăm thầy được. Câu chuyện nhỏ này là tất cả tấm lòng của người trò cũ kính dâng thầy – một người thầy xứ Thanh của em.