LTS: Trước vấn nạn “dạy thêm chính khóa” đội lốt "dạy phụ đạo" buộc 100% học sinh học thêm, tác giả Sơn Quang Huyến đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau vài tuần, học sinh nhận thêm thời khóa biểu mới, thời khóa biểu “học thêm chính khóa” của nhà trường dưới mỹ từ “phụ đạo”.
Căn cứ pháp lý nào mà học thêm?
Cũ rích, Thông tư 17 đã bật đèn xanh, cuộc họp phụ huynh đầu năm, nội dung học thêm, giáo viên chủ nhiệm triển khai, phụ huynh nhất trí 100%, có biên bản hẳn hoi đó.
Sao mà vội vàng học thêm thế?
Nhu cầu của phụ huynh, học sinh, nhà trường gấp rút triển khai, đáp ứng, không lại bảo “nói không đi đôi với làm”.
Mà phải học ngay, khởi động lấy đà cho học sinh, nghỉ ngơi cả hè rồi, quên hết rồi còn kiến thức đâu, phải học ngay để học sinh nắm được kiến thức cơ bản.
Mà này, không thể gọi học thêm được! Mà phải gọi là học phụ đạo, cho nó nhân văn. Cái từ “học thêm” trong trường, nghe nó chối tai lắm! Xấu xí lắm!
Thế học thêm môn nào vậy?
Hỏi hay, thi gì học nấy, không học đến khi thi tuyển sinh, chất lượng nhà trường phơi ra đó, ai xấu hổ đây, giáo viên hay hiệu trưởng?
Chỉ học thêm mấy môn tuyển sinh, còn các môn dạy làm người, dạy pháp luật, dạy hành vi ứng xử văn hóa, kỹ năng sống, như giáo dục công dân… không cần quan tâm à?
Có ai thi mấy cái đó đâu? Có ai tổng hợp để xếp thứ hạng các trường về lĩnh vực đó đâu.
Thành tích, thành tích, hiểu chưa? Tập trung, tập trung trọng điểm, cái mà mình phải trên, phải trước trường khác.
Học sinh vào đời ai lo đây?
Lo bò trắng răng à! Ba môi trường giáo dục, nhà trường mình tập trung kiến thức còn lại để gia đình và xã hội lo. Ôm rơm nặng bụng! Hiểu chưa?
Vậy học sinh nào phải đi học thêm?
Ơ hay, muốn có tỷ lệ % hoa hồng trích lại cao, số lượng học sinh phải càng nhiều… càng ít chứ.
Mấy “trích đoạn” mà người viết ghi lại trong “tập hợp” các ca từ “học thêm” chắc không ít người đã nghe, phát chán.
(Ảnh minh họa: Báo Nghệ An). |
Đúng như chỉ đạo nọ, nhà trường nên không dạy thêm mà dạy phụ đạo, đối tượng phụ đạo là học sinh yếu, kém, tất nhiên là miễn phí.
Tổng kết năm học, đại đa số các trường đều có tỷ lệ học sinh khá, giỏi, cao ngất ngưởng.
Người ta phải kêu trời về mưa giấy khen, bão điểm mười. Tỷ lệ lên lớp gần như tuyệt đối. Học sinh muốn lưu ban, khó như hái sao trên trời.
Như vậy, cần gì phải học thêm, dạy thêm với 100% học sinh không phân biệt học lực, giữ nguyên lớp học thêm như chính khóa?
Thông tư 17 đang là cái khiên che chắn cho dạy thêm tràn lan ngay cả trong trường học.
Các cơ quan quản lý giáo dục, cần phải chỉ đạo trong trường chỉ dạy phụ đạo, đối tượng học sinh yếu kém (học sinh ở lại lớp, học sinh thi lại nhiều vòng mới lên lớp); bồi dưỡng học sinh giỏi (học sinh có năng khiếu đặc biệt).
Toàn bộ chi phí cho hoạt động này, vận dụng số tiết thiếu của giáo viên bộ môn, như một số trường đã làm (dư giáo viên).
Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17 |
Với bồi dưỡng học sinh giỏi, số tiết phải có hệ số 1,5 trở lên. Nếu vượt tiết, có ngân sách nhà nước chi trả tăng giờ.
Các trường học, có thành tích năm học trước tỷ lệ khá, giỏi cao, lên lớp 90% trở lên, không được tổ chức dạy thêm trong trường.
Đề thi, kiểm tra, bám sát kiến thức cơ bản, không quá khó, không đánh đố. Công khai ma trận đề kiểm tra 15 phút trở lên cho học sinh. Nội dung, phương thức, thi thuyển sinh, công khai minh bạch ngay từ đầu năm học.
Có vậy, tệ nạn “dạy thêm chính khóa” mới bị dẹp bỏ, không thể đội lốt dạy phụ đạo buộc 100% học sinh học thêm, giảm bớt áp lực dạy thêm, học thêm cho học sinh, cho xã hội.