Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về công tác GDNN

30/11/2022 06:41
Phạm Linh
GDVN- Việc nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Tình trạng “liên thông ngược”

Thực tế hiện nay, dân số toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 1.320.000 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 66%. Tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh là khoảng 735.000 người.

Hằng năm, lực lượng lao động tỉnh Quảng Ninh cần bổ sung từ khoảng 15.000 đến 19.000 lao động và tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ - du lịch,….

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội, đến hết năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 46%.

Giai đoạn tới, nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh cần 798,28 ngàn lao động; năm 2030 cần 874,25 ngàn lao động; tốc độ tăng trưởng trung bình về nhân lực khoảng 18%/năm.

Nhu cầu về lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở một số ngành như: công nghiệp chế biến chế tạo; vận tải, kho bãi; du lịch, dịch vụ.

Riêng chỉ với Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, nhu cầu tuyển dụng mới 2022 là 2.400 lao động và đến năm 2025 cần bổ sung 2.500 lao động.

Điều đó một lần nữa khẳng định rằng nhu cầu việc làm tại tỉnh Quảng Ninh là rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho học sinh tìm hiểu và lựa chọn.

Nhu cầu việc làm tại tỉnh Quảng Ninh là rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho học sinh tìm hiểu và lựa chọn (Ảnh: Phạm Linh)

Nhu cầu việc làm tại tỉnh Quảng Ninh là rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho học sinh tìm hiểu và lựa chọn (Ảnh: Phạm Linh)

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 6 trường cao đẳng; 1 trường trung cấp; 13 trung tâm Giáo dục ngoại ngữ - giáo dục thường xuyên; 2 trường đại học và 20 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, có 30 cơ sở công lập và 12 cơ sở thuộc doanh nghiệp và được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Thành phố Hạ Long là địa phương có nhiều cơ sở đào tạo nghề nghiệp đóng trên địa bàn với 18 cơ sở, tiếp theo là thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên với 4 cơ sở. Hằng năm, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người.

Các đơn vị này tham gia đào tạo 141 ngành, nghề theo 7 nhóm, gồm: Nhóm Vận hành, Nhóm nghề Điện nước - Sửa chữa - Cơ khí, Nhóm nghề mỏ - hỗ trợ nghề mỏ, Nhóm Du lịch - Dịch vụ, Nhóm Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Nhóm công nghệ thông tin và nhóm nghề khác.

Mặc dù cơ hội việc làm là rất lớn nhưng thực tế hiện nay, nhiều gia đình và học sinh chưa nhận thức đầy đủ về khái niệm “việc làm”, luôn có quan điểm tư tưởng là phải học đại học mới có việc làm.

Quá trình học đại học, nhiều em cũng chưa quan tâm đến trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Theo các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước đánh giá thì lao động Việt Nam bao gồm cả các cử nhân đại học rất yếu về ngoại ngữ, yếu về kỹ năng mềm, đánh giá không đúng năng lực bản thân.

Do đó, hiện nay xã hội chúng ta xuất hiện một thực tiễn mới nảy sinh đó là “liên thông ngược” chuyện những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp nghề ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối”.

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: "Chuyện những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp nghề ngày càng phổ biến" (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: "Chuyện những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp nghề ngày càng phổ biến" (Ảnh: Phạm Linh)

Trước thực trạng trên, việc nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của toàn xã hội để góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành vấn đề bức thiết của ngành giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

Triển khai mục tiêu trên, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh xác định việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết.

Đặc biệt, trong bối cảnh những năm gần, tỉnh Quảng Ninh có những bước phát triển vượt bậc, luôn nằm tốp đầu các tỉnh thành trong cả nước về thu ngân sách.

Thực hiện Kế hoạch số 1158/KH-LĐTBXH ngày 21/4/2022 của Sở Lao động – Thương binh và xã hội về việc tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

Giáo dục nghề nghiệp là một phần trong hệ thống giáo dục quốc dân, khi xét đến hệ thống này người ta thường đề cập đến mối quan hệ của chúng theo lĩnh vực ngành nghề.

Mỗi một nghề ra đời đều nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó của con người, vì vậy mỗi nghề đều có nhiệm vụ riêng của nó.

Như vậy, giáo dục nghề nghiệp ngoài đặc điểm là giáo dục và đào tạo thì còn có những đặc điểm riêng biệt.

Cụ thể, giáo dục nghề nghiệp gắn liền chặt chẽ và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và việc làm, gắn với quá trình lao động nghề nghiệp thực tế và công việc hàng ngày của người lao động.

Tập trung đào tạo năng lực thực hành nghề nghiệp và giáo dục đạo đức cho người học và cuối cùng giáo dục có tính mở và liên thông, vừa kế thừa tiếp thu được kết quả của hệ thống giáo dục phổ thông, vừa đảm bảo yêu cầu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Việc nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của toàn xã hội góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Phạm Linh)

Việc nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của toàn xã hội góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thêm: “Đào tạo nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn lao động sản xuất trực tiếp cho các ngành kinh tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chủ yếu cho các doanh nghiệp.

Chất lượng đào tạo nghề nghiệp sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, của phụ huynh học sinh và quan trọng nhất là sự hợp tác của các em học sinh.

Việc tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp cho các em học sinh và các bậc phụ huynh nắm được các vấn đề quan tâm như việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với học lực, điều kiện của gia đình và nhu cầu việc làm của địa phương, của tỉnh trong những năm tới”.

Phạm Linh