LTS: Tiếp tục đóng góp những ý kiến, quan điểm của mình về việc viết sáng kiến kinh nghiệm, tác giả Thảo Ly đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội và đặc biệt là các thầy cô giáo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu chuyện sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục đã được khá nhiều người quan tâm trong suốt cả thời gian dài vì những bất cập, những lãng phí mà chính nó gây ra.
Nhiều người kêu gọi và đồng tình cần phải xóa bỏ, tẩy chay việc ngành ép giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm mỗi năm.
Bởi nó thật sự không mang lại lợi ích gì cho ngành giáo dục. Trái lại còn hao tốn công sức, ngân sách của nhà nước và đặc biệt vì chạy đua với sáng kiến kinh nghiệm mà bệnh giả dối, gian trá vẫn mãi tồn tại.
Giáo viên vất vả với việc viết sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Chuyện đạo văn, đạo ý tưởng đã trở thành chuyện quá bình thường trong môi trường dạy chữ, dạy người.
Không phải ngành giáo dục chẳng hiểu những bất cập trên, thế nhưng chuyện bỏ sáng kiến kinh nghiệm vẫn chưa được đề cập đến.
Quy định buộc giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm hiện đang tồn tại ở các hội thi giáo viên dạy giỏi và đăng kí xét danh hiệu thi đua cuối năm.
Sáng kiến kinh nghiệm - lằn ranh của sự đỗ, trượt
Ở các hội thi giáo viên dạy giỏi, cấp trường chỉ yêu cầu giáo viên viết giải pháp hữu ích. Hội thi cấp huyện thị trở lên giáo viên mới viết sáng kiến kinh nghiệm. Riêng giáo viên đăng kí các danh hiệu thi đua hàng năm buộc phải có sáng kiến.
Thường thì đầu năm, các trường học sẽ đăng kí thi đua cho nhà trường như danh hiệu trường tiên tiến, trường xuất sắc, xuất sắc toàn diện…danh hiệu cho giáo viên như chiến sĩ thi đua cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hay chiến sĩ thi đua cấp quốc gia.
Đối tượng đăng kí thi đua này chủ yếu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, các tổ trưởng chuyên môn của nhà trường.
Đăng kí những danh hiệu này, theo quy định buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm. Cuối năm, nhà trường thành lập hội đồng thi đua để xét sáng kiến. Nói là xét cho vui chứ sáng kiến nào cũng đạt ít nhất là loại B trở lên.
Ngẫm về những phát ngôn của Bộ trưởng Nhạ sau 16 tháng "cầm quân" |
Người ta thường chấm theo kiểu “nhìn mặt đặt tên” chứ mấy ai chấm xem sáng kiến ấy viết gì, viết như thế nào?
Những sáng kiến cùng danh sách giáo viên đăng kí thi đua được gửi về phòng giáo dục. Nơi này, cũng thành lập hội đồng chấm, những sáng kiến đạt từ loại C cấp phòng được công nhận.
Một cán bộ phòng từng bật mí. Khi xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, do danh sách nhà trường chuyển lên mà thành tích của từng giáo viên chỉ có nhà trường biết.
Thế nên chọn ai đỗ, loại ai cho công bằng với phòng giáo dục cũng khó. Thế rồi, người ta mang kết quả sáng kiến kinh nghiệm ra làm chuẩn.
Ai có sáng kiến đạt loại C trở lên đương nhiên đạt chiến sĩ thi đua. Sáng kiến của ai bị trượt đồng nghĩa với việc danh hiệu chiến sĩ thi đua cũng vụt mất.
Trường hợp, tiêu chuẩn tối đa của trường học ấy chỉ được 4 người đạt chiến sĩ thi đua nhưng có tới 6 sáng kiến kinh nghiệm của trường đều đạt loại C thì mới tổ chức bình xét lại.
Thế nên mới có nhiều chuyện bất công xảy ra. Có giáo viên dạy nhiệt tình, năng nổ trong mọi công việc của lớp của trường thì bị trượt còn có người chưa thật sự nổi trội lại đỗ.
Xét công nhận giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua đừng chỉ căn cứ vào việc xét sáng kiến kinh nghiệm đạt hay trượt là vô cùng bất công.
Nghĩ cho cùng sáng kiến kinh nghiệm hiện nay của giáo viên chiếm tới 90% là sao chép, copy lẫn nhau, người lười thì “luộc” lại y chang. Người tiến bộ hơn thì dở ra xào nấu lại.
Bất bình nhưng vì đã là quy định không thể không tuân theo. Có giáo viên bức xúc nói rằng “biết thế chỉ cần đầu tư chăm chút cho mấy trang giấy còn hiệu quả hơn nhiều. Mình lăn ra với trò, với trường thế nhưng kết quả lại bằng không”.
Tại sao sáng kiến kinh nghiệm lại được ưu ái hơn các phong trào thi đua khác? |
Cần có chuẩn mới để bình xét thi đua thay thế cho sáng kiến
Đừng vì chuyện đánh giá xếp loại thi đua để cố neo giữ việc viết sáng kiến kinh nghiệm. Việc làm này gây nhiều bất mãn và bức xúc trong đội ngũ giáo viên.
Nhưng, xóa bỏ sáng kiến kinh nghiệm thì khi xét thi đua phải căn cứ vào tiêu chuẩn nào để cô A, thầy B đạt mà cô C thầy D lại bị trượt, đó cũng không phải là điều dễ dàng gì.
Ở các hội thi giáo viên dạy giỏi, chỉ cần xóa bỏ quy định vòng 1 của hội thi giáo viên phải nộp sáng kiến kinh nghiệm mà thay vào đó là vòng thi vấn đáp về sự hiểu biết và cách xử các tình huống sư phạm trong dạy học có lẽ sẽ thiết thực hơn rất nhiều.
Ở việc công nhận giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cần để cho nhà trường đề xuất. Đây sẽ là những giáo viên nổi trội so với những giáo viên khác trong trường về mọi mặt đặc biệt là việc dạy và giáo dục học sinh.
Thể hiện ở việc rèn luyện, giúp đỡ được những học sinh yếu, cá biệt biết vươn lên trong học tập và được mọi người công nhận. Hay có thành tích xuất sắc trong việc bồi dưỡng học sinh khá giỏi.
Riêng Ban giám hiệu được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở cũng phải thể hiện được chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh được nâng lên thế nào? Những biến chuyển tốt đẹp khác biệt so với những năm học khác…
Nói chung cần xây dựng được một bộ quy chuẩn trong việc đánh giá đánh giá, xếp loại cán bộ công chức cuối năm.
Đừng biến sáng kiến kinh nghiệm trở thành cái phao cứu sinh xét thi đua. Như thế, chẳng khác nào tạo điều kiện cho nó luôn tồn tại một cách bất biến.