Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay, năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021-2022.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại luật Giáo dục 2005. [1]
Ảnh minh họa |
Đề xuất tuyển dụng giáo viên “nợ chuẩn”
Luật Giáo dục 2005 quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học là trung cấp, giáo viên trung học cơ sở là cao đẳng, giáo viên trung học phổ thông là đại học.
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên đã được nâng lên, giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là đại học.
Việc tăng chuẩn trình độ đào tạo khiến một số cơ sở giáo dục thiếu nguồn tuyển, một số sinh viên khi tốt nghiệp có trình độ đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2005 nhưng lại không đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 mất cơ hội được tuyển dụng.
Do đó, đề xuất tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, cho nợ chuẩn được đa số địa phương, giáo viên đồng tình, được xem là giải pháp tình thế để giải quyết phần nào bài toán thiếu giáo viên và cũng tạo cơ hội nghề nghiệp cho một số người còn chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.
Nếu tuyển “nợ chuẩn” xếp lương ra sao?
Đây sẽ là vấn đề khó bởi vì tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn hiện nay chưa có quy định xếp lương đối với trường hợp này.
Hiện nay việc xếp lương giáo viên được thực hiện theo các Văn bản hợp nhất 08,09,10,11/BGDĐT, giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38.
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được xếp lương hạng III có hệ số lương 2,34-4,98; hạng II có hệ số lương 4,0-6,38; hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.
Giáo viên mới tuyển dụng đạt chuẩn thì được bổ nhiệm xếp hạng III, đủ thời gian và đạt các tiêu chuẩn sẽ được xét thăng hạng lên hạng II, I.
Quy định này, giáo viên đang công tác nếu chưa đạt chuẩn thì vẫn hưởng lương hiện hành đến khi học đạt chuẩn thì xếp lương mới hoặc đến khi nghỉ hưu.
Còn đối với giáo viên mới tuyển dụng thì không có quy định xếp lương nếu chưa đạt chuẩn.
Muốn được tuyển dụng và xếp lương phải sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Văn bản hợp nhất 08,09,10/VBHN-BGDĐT, phải có quy định khi tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn được xếp lương.
Kiến nghị tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn được xếp lương đạt chuẩn trong lộ trình nâng chuẩn
Nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn như kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương thì phải có quy định xếp lương cho giáo viên này.
Nếu xếp lương giáo viên này chưa đạt chuẩn theo quy định cũ, giả sử giáo viên có trình độ trung cấp hệ số lương 1,86-4,06 thì mức lương sẽ khá thấp, khó tạo động lực cho họ yên tâm giảng dạy, cống hiến..
Cùng với đó, trong thời gian giảng dạy họ phải học nâng chuẩn để đạt chuẩn theo lộ trình của Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình nâng chuẩn.
Về lộ trình được thực hiện theo Điều 4 Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non
"1. Lộ trình thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030.
2. Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:
a) Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;
b) Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm." [2]
Nếu xếp lương dưới chuẩn (không được xếp ở hạng III) thì khó thu hút họ gắn bó với nghề. Vì vậy, cần có chính sách đãi ngộ, ưu tiên xếp lương để họ gắn bó với nghề.
Nên, người viết đề xuất trong lộ trình nâng chuẩn, nếu tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn thì trong thời gian “nợ chuẩn” này cho họ được hưởng lương giống như giáo viên đạt chuẩn, tức là được xếp lương ở hạng III đến khi họ đạt trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và trong lộ trình nâng chuẩn của Nghị định 71/2020/NĐ-CP.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/de-xuat-cho-no-chuan-de-co-nguon-tuyen-giao-vien-185240109230710817.htm
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-71-2020-ND-CP-lo-trinh-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.