Bóng đá trong thời đại kỹ thuật số

01/07/2012 11:08
Nguyễn Quốc Vĩ
(GDVN)- Bóng đá thời kĩ thuật số, đôi khi người ta muốn trở lại quá khứ để có thêm những người bạn cùng sở thích hay ít nhất là không bị "bội thực" thông tin.

Có thể nói, trong rất nhiều môn thể thao đang tồn tại, thi đấu và phát triển hiện nay thì bóng đá là một trong những môn có số lượng người hâm mộ nhiều nhất trên toàn thế giới - môn thể thao “Vua".

Người Việt Nam yêu bóng đá, đến với bóng đá từ trước năm 1975 mà điển hình là qua các trận thi đấu giữa các đội tuyển của hai miền Nam, Bắc với các đội tuyển nước ngoài. Nhiều cầu thủ thi đấu hết mình, nhiều trận đấu hay, nhiều bàn thắng đẹp mà đội bạn phải “tâm phục, khẩu phục” và thành tích ấy vẫn còn được nhắc nhở, ghi nhận, tự hào cho đến tận hôm nay.

Tình yêu bóng đá của người hâm mô thể thao nước nhà lại được “hâm nóng” khi Đội tuyển bóng đá nam đoạt Huy chương Bạc tại Sea Games 18 năm 1995. Những cầu thủ thi đấu ở giải đấu ấy và những giải đấu liền kề được xem là “Thế hệ cầu thủ vàng” của Bóng đá nước nhà. Không những thế, những Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Văn Sỹ,... đã và đang là những huấn luyện trẻ đạt được các thành tích vang dội trong công tác huấn luyện sau khi “treo giày”.

Ngày ấy, khi mỗi giải đấu từ Sea Games cho đến AFF Cup hay vòng loại khu vực châu Á và thế giới chuẩn bị diễn ra là người hâm mộ cố gắng “săn” cho được những tờ lịch thi đấu được bán ở các nhà sách. Số lượng có hạn nên nhiều người rất nuối tiếc vì nếu chậm chân sẽ không biết thông tin để theo dõi, để cổ vũ. Và đến thời gian diễn ra các trận đấu, nhất là những trận bóng có đội Việt Nam tham gia thì đúng là cả nước sục sôi với một không khí “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. Nhiều người còn sang tận nơi để cổ vũ. Nhìn những chiếc áo với cờ đỏ, sao vàng trên các khán đài mới tự hào làm sao.

Nhiều tờ báo lớn cũng chạy theo các sự kiện này khi phát hành thêm Bản tin nhanh mỗi ngày về Bóng đá, về những bình luận, những nhận định trước trận đấu, các thông tin bên lề sân cỏ... Và, người hâm mộ đón đọc, cắt phiếu để tham gia dự đoán. Thông tin về giải đấu hầu như chỉ trông chờ vào các Bản tin này và một vài bình luận trên kênh Thể thao – Giải trí – Thông tin kinh tế (VTV3) mà thôi. Nó thật sự nó một “sức hút” mãnh liệt để “lôi kéo” mọi người đến gần với nhau hơn, cùng nhau chia sẽ thông tin, chia sẻ vui buồn. Tất cả vì bóng đá.

Khi Internet được sử dụng rộng rãi và ai cũng có thể sở hửu cho mình một chiếc điện thoại, một chiếc máy tính thì các nhà đài, các trang báo cũng bắt đầu “chuyển hướng” trong việc đưa thông tin đến với bạn đọc. Nhiều trang báo có bình luận bóng đá, nhiều kênh truyền hình có truyền hình trực tiếp và người hâm mộ thỏa sức lựa chọn những bản tin, những kênh khác nhau để theo dõi.

Tuy nhiên, như thế lại không còn cảnh xếp hàng chờ mua những bản tin “nóng hổi”, không còn việc phải chú ý đến ngày xuất bản lịch thi đấu để đón mua hay phải thu thập phiếu, dán tem và gởi bưu điện để tham gia dự đoán. Tất cả đã được giải quyết nhanh chóng qua việc áp dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin.

Có thể thấy những giải đấu gần đây, từ các giải bóng đá khu vực cho đến Giải vô địch châu Âu (Euro) và thế giới (World Cup) thì người hâm mộ đã bắt đầu “lơ là”. Thông tin từ các quán cà phê cũng ít bàn luận về chủ đề này vì ai cũng đã nắm bắt, thậm chí có thể tìm hiểu nhanh chóng qua những trang thể thao nổi tiếng của thế giới.

Giải vô địch bóng đá châu Âu vẫn đang diễn ra và người hâm mộ Việt Nam cũng theo dõi từng ngày. Nhưng, vì không có bất ngờ nào lớn xảy ra khi các đội bóng mạnh như Ý, Tây Ban Nha đã vào bán kết và công nghệ đã “phủ sóng” thì ai cũng có thể tự mình tìm một “phương án” tối ưu để vừa có thể xem bóng đá, vừa có thể nghỉ ngơi và làm việc tốt.

Không những thế, những toan tính, những móc ngoặt ít nhiều cũng đã xảy ra giữa các đội bóng, các cầu thủ do việc “kết nối” dễ dàng đã phần nào làm giảm thêm sức “nóng” của môn thể thao Vua này. Người hâm mộ thay vì xem những trận cầu “ru ngủ”, những trận đấu chỉ để “hoàn thành nhiệm vụ” thì đã chuyển sang ủng hộ bóng chuyền hay tìm kiếm những chương trình giải trí khác.

Xã hội ngày một phát triển là điều đáng mừng và tự hào. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người vẫn muốn lùi lại quá khứ một thời gian để tìm lại những cảm giác của ngày xưa, mong muốn có thêm những người bạn tốt qua việc cùng sở thích hay đơn giản là để không phải “bội thực” thông tin. Bóng đá – môn thể thao tập thể thì cũng rất cần những cổ động viên, những người hâm mộ xem, bàn luận. Một mình xem một trận cầu hấp dẫn cũng sẽ trở nên buồn chán và mất đi ý nghĩa của môn thể thao này.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (21-30/6): EURO 2012

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Nguyễn Quốc Vĩ