Cần xây dựng website giáo dục giới tính cho trẻ

07/06/2012 22:18
Nguyễn Như Quỳnh, Báo in K31A1
(GDVN) - Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xâm hại tình dục trẻ em tăng từ 200 em năm 2005 lên 1427 em vào năm 2008, đến năm 2009 con số này là 833 em.
Thay vì cấm buộc con cái, các nhà truyền thông và bậc phụ huynh hãy dạy chúng những kĩ năng cần thiết thông qua internet.

Những con số biết nói

Theo khảo sát, có 95% trẻ em tiếp cận thông tin giải trí người lớn trên mạng Internet. Cuộc thăm dò với 1570 bậc phụ huynh bởi hãng bảo mật Châu Âu đã tiết lộ con số tuổi trung bình để 1 đứa trẻ biết cách tự tìm kiếm nội dung người lớn trên mạng Internet là 11 tuổi. 97% số phụ huynh tham gia cuộc thăm dò cho biết họ đã cài đặt phần mềm giám sát an toàn trên máy tính của con em họ. Tuy nhiên, 12% ông bố bà mẹ thú nhận rằng con cái họ đã tìm cách gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa những phần mềm giám sát.

Cuộc điều tra còn cho thấy, gần 2/3 (62%) số phụ huynh thú nhận bản thân họ cũng tìm kiếm và truy nhập vào những trang web dành cho người lớn, trong khi 87% người khác nói rằng họ cho phép con mình được phép tiếp cận nội dung này khi chúng bước qua tuổi 19.

"Điều thú vị nhất chúng tôi rút được từ công trình nghiên cứu này lại liên quan đến yếu tố giám sát của phụ huynh. Ngay cả những ông bố, bà mẹ nhận thức được tầm quan trọng của loại phần mềm này, nên đã cài đặt chúng vào máy tính của con cái họ thì lũ trẻ kiểu gì cũng tìm cách để vượt qua những chương trình này để tiếp cận được với thông tin chúng muốn. Chúng tôi tin rằng kết quả thu được từ cuộc nghiên cứu sẽ gửi đến các phụ huynh một thông điệp mạnh mẽ, rằng họ cần chú ý hơn đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ đến từ nội dung giới tính không phù hợp với lứa tuổi trên Internet" – Sabina Datcu, chuyên gia truyền thông và phân tích nguy cơ điện tử của Bitdefender, cho biết.

Thay vì cấm buộc hay chỉ trích chúng tìm hiểu về vấn đề nhạy cảm này, chúng ta nên giáo dục chúng theo những phương pháp lành mạnh. Hãy để các em được thoải mái trao đổi những điều các em muốn. Việc xâm hại tình dục ở trẻ em cũng liên quan trực tiếp từ việc các em chưa được cung cấp các kĩ năng sống, kĩ năng tự bảo vệ bản thân mình.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xâm hại tình dục trẻ em tăng từ 200 em năm 2005 lên 1427 em vào năm 2008, đến năm 2009 con số này là 833 em. Có những em mang thai khi mới 13 tuổi, cái vẫn còn quá non nớt để hiểu chuyện. Những con số đau lòng này cho thấy việc giáo dục giới tính ở các em nhỏ, không chỉ lứa tuổi mới dậy thì mà thậm chí nhỏ hơn đang trở nên bức thiết. Vấn đề đặt ra là phương pháp giáo dục thế nào chứ không phải giáo dục ở lứa tuổi nào.

Trong xã hội học, người ta gọi đó là những “Biến số phụ thuộc” – những mục tiêu mà chiến dịch truyền thông, báo chí nhằm làm thay đổi. Khi được hỏi về giáo dục giới tính, cô Lê Thị Hạnh (Từ Liêm, Hà Nội) kể nguyên văn câu nói của đứa con trai đang học lớp 9: “Lớp con có một bạn có thai phải nghỉ học mẹ ạ, nó chắc cũng phải phá vài lần rồi ấy chứ. Có khi nó còn chả biết bố đứa trẻ là ai”. Cô lắc đầu: “Chúng nó giờ lớn nhanh quá con ạ, cô giật mình khi nghe đứa con trai lớp 9 nói về chuyện đó, mà thực là cô cũng không biết phải nói gì cho con trai hiểu về chuyện đó cả”.

Theo các nhà nghiên cứu tâm lí trẻ em, tình cảm khác giới có ở trẻ từ rất sớm, nếu chúng ta không quan tâm đầy đủ để hướng dẫn giúp trẻ thì trẻ sẽ dễ nảy sinh những hành vi bột phát có thể gây tổn thương cho trẻ về nhiều mặt mà không cần phải đợi đến tuổi dậy thì. Tuy nhiên, can thiệp như thế nào, bằng cách nào cho hiệu quả, phù hợp với nhóm tuổi là một vấn đề rất tế nhị.

Tiến hành giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho trẻ em trên báo chí - truyền thông đại chúng là yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp thiết, song cũng cần thiết phải nghiên cứu, nắm bắt xem nhận thức của trẻ em từng vùng miền nói riêng, cả nước nói chung còn thiếu hụt những gì. Giáo dục giới tính ở nhà trường được áp dụng cũng đã mang những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của trường Đại học Brighton cho thấy phần lớn học sinh từ 14-15 tuổi chán ngấy với các bài học giới tính trên lớp và thất vọng với những câu hỏi của thầy cô.

Tận dụng sức mạnh truyền thông qua Internet -  phương pháp hiệu quả


Thay vào những giờ học không mấy hào hứng, hãy cứ để cho trẻ em tham gia các diễn đàn dành cho riêng mình mang tên “Trao đổi, chia sẻ kĩ năng sống” với những tiểu mục nhỏ như học tập, vui chơi, giải trí, kết bạn kể cả chuyên mục dành riêng cho những thắc mắc chuyện giới tính của chị em gái hay anh em trai.

Với riêng chuyên mục giáo dục giới tính, hãy để các em thoải mái trao đổi, khi ở một môi trường kết nối xã hội, thông tin được giữ bí mật (nếu các em muốn) chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về con trẻ. Hãy coi những việc dạy trẻ em cách ABC, đó là A (abstinence) - kiêng khem, B (be faithful) – chung thủy, và C (condom) - dùng bao cao su, dậy thì, sự thay đổi tâm sinh lí tuổi mới lớn, phòng tránh thai, hay thế nào là bị lạm dụng tình dục, cách phòng chống... là một vấn đề tự nhiên, cần thiết ở một mức độ và độ tuổi nhất định. Hãy để con trẻ tiếp cận một cách thật khoa học. Có hiểu biết sẽ tốt hơn không biết cách mà gây nên những hậu quả đáng tiếc. Người ta vẫn nói "Vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để chạy quàng chạy xiên vào bụi rậm".  Những vấn đề này đã được hầu hết các chính phủ ở Châu Phi thực hiện trên sự hợp tác với tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức phi chính phủ (NGOs).

Xây dựng các trang web, đơn vị truyền thông dành riêng cho trẻ em, thậm chí quản lý trang chính là các em nhỏ, các chuyên mục được xây dựng từ những yêu cầu của các em, mà các chuyên gia, các nhà báo, nhà quản lí truyền thông đóng vai trò tham mưu, cố vấn.

Mạng internet sẽ là một phương pháp hiệu quả vừa giúp nhận thức dễ hơn về tâm lí các em mà còn thực hiện truyền thông rất dễ dàng, nhanh chóng. Phương pháp này giúp mở rộng vấn đề về trẻ em, vai trò và vị thế của trẻ em với tư cách là nhân vật trung tâm. Trẻ em từ thế bị động sang chủ động, được đối xử bình đẳng hơn và được đề cao đúng mức, ý kiến của trẻ em được tôn trọng... Như thế các em sẽ tham gia vào hoạt động truyền thông nhiều hơn.

Mỗi một cú click chuột không lành mạnh sẽ mất công toi bao nhiêu năm giáo dục. Hãy tạo dựng những trang web lành mạnh, hấp dẫn, thu hút các em. Hiện nay, đã có những trang web được ra mắt như Webtretho, Yeu tre, Thiếu niên Tiền phong điện tử, Hoa học trò online, Mực tím online, đặc biệt là website Báo chí với trẻ em của Khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là những tín hiệu đáng mừng! Nhân rộng hình thức này là điều cần thiết..

Trong điều kiện kinh tế thị trường, cơ quan báo chí vì giật gân câu khách để tăng lượng truy cập, thu lãi vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng khi viết về trẻ em, để rồi xã hội phải tốn kém hàng trăm tỉ đồng không khắc phục lại được hậu quả. Báo chí chú ý nhiều hơn đến hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đường phố, trẻ em bị xâm hại tình dục… mà ít chú ý đến nhóm trẻ em bình thường đang học tập và phát triển với những vấn đề riêng của nó. Điều đó sẽ góp nên bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình trẻ em, tạo ra cái nhìn thiên lệch, không cân bằng về diện mạo trẻ em trên truyền thông đại chúng.

Nếu tình hình này kéo dài, báo chí thông tin không cân bằng, bị thiên lệch, sẽ dẫn đến hình ảnh méo mó về trẻ em. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, hãy cho các em được sống trong yêu thương, được phát triển toàn diện về mọi mặt. Các nhà báo cần có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, luôn cân nhắc mối quan hệ tác động nhiều mặt của sự kiện. Bởi mục đích của chúng ta là bảo vệ trẻ em khỏi mọi sự xâm hại chứ không phải mô tả nạn nhân, xoáy sâu vào nỗi đau còn đó!


Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (1-10/6): Báo chí với trẻ em

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Nguyễn Như Quỳnh, Báo in K31A1