"Cuồng" thần tượng và trách nhiệm của gia đình

20/07/2012 16:34
Thuỷ Tạ
(GDVN) - “Cuồng” thần tượng là một căn bệnh của xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng, phương thuốc chữa trị hiệu quả nhất không gì khác chính là gia đình.

Chen lấn, xô đẩy, khóc lóc đến ngất xỉu ... để có vài giây chiêm ngưỡng dung nhan thần tượng; viết thư bằng máu, khỏa thân để gây sự chú ý của thần tượng, thậm chí bán dâm để có tiền gặp thần tượng... Đó là những hành động không hề hiếm gặp ở những fan cuồng.

Hàng loạt những biểu hiện quá khích, lệch lạc có phần bệnh hoạn kia đã khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi giật mình. Có thể nói, căn bệnh “fan cuồng” phần nhiều do suy nghĩ bồng bột, sự bốc đồng, thiếu chín chắn của giới trẻ, nhưng có chắc rằng: phụ huynh hoàn toàn không có lỗi?

Giới trẻ với đặc điểm tâm lí lứa tuổi thích sôi động, muốn thể hiện mình, muốn tạo nên nét khác biệt với đám đông. Vì vậy, họ thường có cách thể hiện tình cảm rất khác biệt. Nhiều bậc phụ huynh thấy “sốc” và ra sức ngăn cản khi thấy con mình có những biểu hiện yêu thích thần tượng. Nếu chỉ biết phê phán, vô tình cha mẹ đã tạo nên khoảng cách với các con, khó có cơ hội chia sẻ những tâm tư, tình cảm của con cái mình.

Để tránh “bệnh thần tượng”, không chỉ cần định hướng rõ ràng cho trẻ, cha mẹ cũng không nên thần tượng hóa quá mức một hình mẫu nhân vật trong xã hội. Hàng trăm phụ huynh đội mưa đội gió, chầu trực trước cổng trường Tiểu học Thực Nghiệm chỉ để có bộ hồ sơ cho con vào trường. Phải chăng họ cũng đang “thần tượng” một cách thái quá? Chỉ vì mong muốn con mình như Ngô Bảo Châu mà bắt con học Tiểu học Thực Nghiệm, cấp II Trưng Vương, Cấp III Chuyên Toán thì quả là một sai lầm lớn. Chính những bậc phụ huynh đang gián tiếp biến con mình thành những bản sao “thần tượng”.

Khi lòng hâm mộ vượt qua giới hạn, trở nên mù quáng, cha mẹ cần có những biện pháp kịp thời giúp con cái thoát khỏi những suy nghĩ ảo tưởng, viển vông. Dương Lệ Quyên là một fan cuồng của Lưu Đức Hoa, để thỏa mãn niềm mong muốn của con, trong suốt 13 năm, cha mẹ cô đã bán sạch nhà cửa, vay nặng lãi để có tiền cho con gái gặp gỡ, xin chữ kí của thần tượng. Sự việc trở thành thảm kịch khi người cha khốn khổ đã gieo mình xuống sông tự vẫn với lời khẩn cầu Lưu Đức Hoa gặp con gái mình. Hi sinh tính mạng vì niềm si mê cuồng dại của con gái - đó không phải là hành động khôn ngoan của các bậc phụ huynh. Hãy dạy cho trẻ biết rằng, cuộc sống còn những thứ quý giá hơn thứ tình yêu viển vông dành cho thần tượng.

Vấn đề hâm mộ thần tượng đến mê muội, mù quáng của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và xã hội. Và điều trị căn bệnh “fan cuồng” đã không còn là trách nhiệm của riêng ai. Hơn ai hết, những bậc phụ huynh - những người thân thiết nhất, tiếp xúc thường xuyên với giới trẻ cần chú trọng giáo dục, xây dựng tính độc lập cá nhân của giới trẻ, định hướng thẩm mĩ cũng như có những điều chỉnh kịp thời để tránh những hành động đáng tiếc xảy ra.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (10-20/7): Hội chứng "cuồng" thần tượng

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Tác giả có bài viết được đọc nhiều nhất xin mời đến toà soạn để nhận học bổng tiếng Anh. Tác giả có bài viết được chuyên mục bình chọn và bài viết được đăng liên hệ số điện thoại: 01252582843 để nhận thưởng
Thuỷ Tạ