Nghỉ lễ, dạy bù thế nào là hợp lý để giáo viên vui vẻ đi làm

16/04/2022 06:58
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sắp xếp linh động việc dạy bù thì dù có dạy mệt vì phải chạy chương trình, giáo viên vẫn sẽ gắng sức trong vui vẻ.

Câu chuyện nghỉ lễ dạy bù không phải là chuyện mới trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, năm nào cũng đến dịp nghỉ lễ đặc biệt là nghỉ nhiều ngày như Giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4; 1/5 thì trong các trường học thường xảy ra khá nhiều thắc mắc do cách vận dụng dạy bù ở mỗi địa phương thực hiện khác nhau.

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Nghỉ lễ mà phải dạy bù bằng một ngày khác thì cũng như không

Một giáo viên của Trường Trung học phổ thông Thanh Đa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh thắc mắc về việc nhà trường vừa có yêu cầu giáo viên phải dạy bù cho đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Trong đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, theo đúng quy định là người lao động được nghỉ lễ 3 ngày (9,10,11/4/20220), trong đó ngày 11/4 (thứ Hai) là ngày nghỉ bù cho ngày 10/4 do trùng vào ngày Chủ nhật.

Tuy nhiên, Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Thanh Đa lại ra thông báo, giáo viên phải dạy bù vào ngày 16/4 (thứ Bảy) cho ngày nghỉ thứ Hai (10/4) bằng hình thức trực tuyến.{1}

Rõ ràng, quy định nghỉ ngày thứ Hai là để bù cho ngày Giỗ Tổ đúng vào ngày Chủ Nhật. Nay, nhà trường lại yêu cầu giáo viên dạy bù vào ngày thứ Bảy cũng xem như chẳng được nghỉ ngày lễ nào.

Thầy Lê Hữu Hân giải thích: Đây là trường học 2 buổi/ngày, theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường hoạt động từ thứ Hai đến thứ Bảy.

Tức là thứ Bảy không phải là ngày nghỉ cố định của nhà trường. Bình thường thì ngày thứ Bảy, nhà trường vẫn hay thường sử dụng để phụ đạo học sinh yếu, hoạt động của các câu lạc bộ dành cho học sinh.

Khác với Trường Trung học Thanh Đa phải dạy bù kiến thức ngày thứ Hai vào ngày thứ Bảy, tại nhiều địa phương trong đó có Bình Thuận, nhiều trường học dạy 2 buổi/ngày đã thực hiện việc dạy bù kiến thức vào các tiết dạy tăng thêm hay còn gọi là tiết dạy bổ sung ở buổi 2 trong tuần.

Không dạy bù có được không?

Nếu hỏi "Nghỉ lễ, không phải dạy bù có được không?" Câu trả lời chắc chắn sẽ là "không!". Vì sao lại thế?

Không giống như các ngành nghề khác, công việc nếu không làm hôm nay thì ngày mai sẽ làm tiếp, việc vẫn ở yên đấy chứ chẳng có đi đâu.

Tuy nhiên, trong ngành giáo dục thì ai cũng biết, cũng hiểu ngay từ đầu năm học, Bộ Giáo dục đã có công văn chỉ đạo hướng dẫn khung thời gian năm học cho toàn ngành.

Rồi từng tỉnh, cũng có công văn chỉ đạo khung chương trình năm học thống nhất trong toàn tỉnh.

Cụ thể, quy định ngày kết thúc học kỳ I, ngày vào học kỳ II, rồi ngày kết thúc năm học, ngày hoàn thành chương trình lớp 5, lớp 9, ngày thi vào lớp 10…Tất cả đã được ấn định vào một khung thời gian cụ thể.

Nội dung học tập cũng có tiết, có bài. Mỗi bài được phân thành các tiết, dạy bài nào cũng theo lịch chung của tổ, của trường mà không được nhanh hơn hoặc chậm hơn.

Thế nên, nghỉ lễ rơi vào những bài học hôm ấy thì bắt buộc giáo viên phải dạy bù cho xong những kiến thức còn thiếu. Có dạy bù, học sinh mới không bị thiếu kiến thức và mới có thể kết thúc chương trình đúng theo quy định.

Nghỉ học nhiều sẽ phải dạy bù nhiều. Dù dạy bù kiểu nào (dạy bù bằng một ngày cuối tuần khác hoặc trực tiếp dạy bù trong các ngày học chính khóa) thì giáo viên, học sinh cũng đều mệt mỏi.

Vì thế, bố trí dạy bù thế nào để giáo viên vừa được hưởng trọn vẹn mấy ngày nghỉ lễ ở bên gia đình, vừa hoàn thành bài vở của mình mà không chậm trễ lại là cái tài sắp xếp chuyên môn linh động của mỗi nhà trường.

Sắp xếp linh động, có tình có lý (như bù chương trình vào những tiết bổ sung trong ngày) thì dù có dạy mệt vì phải bù chương trình, giáo viên vẫn sẽ gắng sức trong vui vẻ.

Tuy nhiên, dạy bù bằng cách lấy một ngày để dạy bù cho một ngày khác như Trường Trung học phổ thông Thanh Đa đã làm giáo viên thắc mắc cũng là hợp lý.

Trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ năm nay, nếu được nghỉ ngày thứ Bảy, giáo viên sẽ có 3 ngày nghỉ ngơi để gia đình tổ chức những chuyến đi xa. Tuy thế, nhà trường yêu cầu dạy bù vào ngày thứ Bảy như vậy đã thấy thiếu sự linh hoạt trong việc sắp xếp chuyên môn và thiếu sự thấu hiểu đối với cán bộ giáo viên trong nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết