Nghiên cứu sinh chỉ ra 7 điều trong dự thảo đào tạo tiến sĩ chưa hợp lý

28/02/2017 06:06
Nguyễn Thị Thu Huyền
(GDVN) - Dự thảo về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT công bố yêu cầu đầu vào tiếng Anh mà không có yêu cầu đầu ra trong khi đầu ra mới thực sự quan trọng.

LTS: Tháng 1/2017, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. 

Là người đang theo học ở bậc đào tạo tiến sĩ tại Anh, khi đọc dự thảo này, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng dự thảo có nhiều tiêu chí quá cao đối với cả nghiên cứu sinh và người hướng dẫn. 

Tuy nhiên, liệu những tiêu chí đó có làm chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ của chúng ta nâng lên đáng kể?
Bởi lẽ, nhiều yêu cầu và quy trình đào tạo trong bản dự thảo đã được thực hiện nhiều năm nhưng xã hội vẫn “kêu ca” vì quá nhiều “tiến sĩ giấy”.

Trong bài viết này, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Huyền chỉ ra những điểm quá khó được đưa ra trong dự thảo đồng thời cô cũng nêu ra nhiều điểm trong dự thảo được thả lỏng khi những điểm này lại có thể dẫn đến chất lượng đào tạo giảm đi. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thứ nhất: Dự thảo có đưa tiêu chí bài báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển. Rõ ràng điều này là không cần thiết, chỉ khuyến khích cho việc có bài báo bằng mọi giá, bất chấp chất lượng, cách thức. 

Hơn nữa, việc đứng tên cùng một bài báo trên các tạp chí trong nước, thậm chí nước ngoài cũng không phải là điều khó khăn. 

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Huyền (Ảnh tác giả cung cấp)
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Huyền (Ảnh tác giả cung cấp)

Với tinh thần “giúp đỡ lẫn nhau” của người Việt bấy lâu nay thì chuyện cho đứng tên cùng bài báo trong khi có người không hề đóng góp vào nghiên cứu hoặc bài báo đó là không hiếm. 

Quy chế nên sửa thành tiêu chí: Có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, được thể hiện qua việc hoàn thành ít nhất một công trình nghiên cứu như khoá luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Kinh nghiệm nghiên cứu là điều quan trọng hơn với một nghiên cứu sinh.

Thứ hai: Dự thảo có yêu cầu đầu vào tiếng Anh mà không có yêu cầu đầu ra trong khi đầu ra mới thực sự quan trọng. 

Nghiên cứu sinh chỉ ra 7 điều trong dự thảo đào tạo tiến sĩ chưa hợp lý ảnh 2

Sắp tới, muốn bảo vệ luận án Tiến sĩ phải có 2 bài báo quốc tế

(GDVN) - Theo Dự thảo về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ Bộ GD&ĐT vừa công bố, để dự tuyển tiến sĩ học viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi.

Có thể quy chế mặc định rằng đầu ra với bài báo quốc tế tức sử dụng được tiếng Anh tốt.

Điều này là hơi chủ quan vì việc tìm kiếm người dịch và viết lại một bài báo mười mấy trang bằng ngoại ngữ không khó khăn gì. 

Quy chế phải bổ sung yêu cầu đầu ra tiếng Anh nếu thực sự muốn cải thiện trình độ ngoại ngữ của các tiến sĩ Việt Nam sau này vì rõ ràng, phải thi lấy các chứng chỉ quốc tế thì ít nhiều cũng phải học. 

Thứ ba: Yêu cầu về chuyên môn đối với người hướng dẫn thứ nhất có thể cao nhưng với người hướng dẫn  thứ hai (thậm chí có thể thay đổi quy định số người hướng dẫn lên tối đa 3 người) có thể giảm bớt vì nếu không tạo điều kiện cho các tiến sĩ tham gia hướng dẫn thì họ không có kinh nghiệm để làm công việc này tốt được.
 
Hướng dẫn nghiên cứu sinh cốt yếu không phải là công việc dạy dỗ, truyền kinh nghiệm chuyên môn mà là sự học hỏi, chia sẻ lẫn nhau của cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh.

Rất nhiều đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh dù cùng lĩnh vực nhưng vẫn là mới mẻ ngay với người hướng dẫn. 

Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm nhiều hơn trong lĩnh vực đó, người hướng dẫn có thể tiếp nhận vấn đề nhanh chóng, sâu sắc hơn để gợi ý cho nghiên cứu sinh. 

Ngoài ra, việc có người hướng dẫn tận tâm, nhiệt tình học hỏi cùng nghiên cứu sinh thì cũng đã là hỗ trợ rất nhiều cho họ, còn lại chất lượng luận án chủ yếu do khả năng của nghiên cứu sinh. 

Do đó, quy chế nên giảm bớt yêu cầu với người hướng dẫn thứ hai, thứ ba.

Ví dụ: người hướng dẫn thứ hai, thứ ba chỉ cần 2 năm kinh nghiệm từ thời điểm nhận bằng tiến sĩ, có ít nhất hai bài báo đăng tạp chí trong nước hoặc nước ngoài, tham gia ít nhất một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. 

Thứ tư: Năng lực của nghiên cứu sinh được thể hiện qua cả quá trình làm đề tài, không phải chỉ luận án cuối cùng. 

Do đó, quy định chặt về tiến độ báo cáo và cho phép giáo viên hướng dẫn được đề nghị cho nghiên cứu sinh dừng chương trình nếu thấy không đạt yêu cầu về năng lực nghiên cứu và tiến độ. Rất nhiều giáo viên hướng dẫn than vãn rằng nhiều nghiên cứu sinh “mất hút” một hai năm mới xuất hiện khi hạn nộp đề tài đến gần. 

Việc cho nghiên cứu sinh dừng chương trình đến nay vẫn chủ yếu do nghiên cứu sinh tự bỏ hoặc vi phạm các quy định hành chính khác trong khi quyền của người hướng dẫn thì lại ít ỏi. 

Quy chế đào tạo tiến sĩ bấy lâu nay vẫn là toàn thời gian nhưng hầu như các nghiên cứu sinh Việt Nam đều vừa đi làm (toàn thời gian) vừa đi học. 

Một nghiên cứu sinh tại Anh, Úc, Bỉ, Hà Lan học toàn thời gian cật lực mới có thể xong trong 4 năm, trong khi nghiên cứu sinh Việt Nam học kiểu bán thời gian như vậy lại có thể hoàn thành trong 4 năm thì quả thật “quá siêu”. 

Do vậy, quy chế nên đưa ra các yêu cầu về việc gặp gỡ trực tiếp hoặc các cách thức trao đổi thường kỳ ít nhất 1 tháng/ lần giữa nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn, thời gian có mặt tại trường để học tập và nghiên cứu phải chiếm 2/3 thời gian khoá học như các nước. 

Thứ năm: Nếu đã giám sát chặt quá trình hướng dẫn của người hướng dẫn và làm nghiên cứu của nghiên cứu sinh thì quy trình đánh giá nên giảm bớt sự rườm rà. 

Quy chế hiện tại cho thấy một quy trình “trùng trùng điệp điệp” và đòi hỏi một lượng chuyên gia cực lớn. Với một số lĩnh vực mới, liệu chúng ta có đáp ứng đủ? 

Quy trình này vốn dĩ đang thực hiện nhưng cuối cùng thì nhiều luận án sao chép, cẩu thả vẫn được thông qua. Vậy lý do là gì? 

Nghiên cứu sinh chỉ ra 7 điều trong dự thảo đào tạo tiến sĩ chưa hợp lý ảnh 3

Bài báo ISI là một thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ

(GDVN) - Khi nghiên cứu sinh công bố bài báo ISI thì có nghĩa rằng nghiên cứu đó đã được các nhà khoa học quốc tế đọc,đánh giá và chấp nhận.

Tại sao tại Anh, hội đồng bảo vệ có khi chỉ có 2 người gồm một người ở chính cơ sở đào tạo và một người ở ngoài nhưng luận án vẫn được đánh giá nghiêm túc. 

Rất nhiều nghiên cứu sinh tại Anh làm đề tài tốt nhưng vẫn có thể bị yêu cầu sửa lại nhiều, thậm chí phải bảo vệ lại. 

Tại Úc, luận án được gửi đi chấm bởi 3 người và không có buổi bảo vệ nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. 

Vậy quy trình bảo vệ rườm rà hiện tại có là cách tăng chất lượng hay chỉ gây nên những căng thẳng và phiền toái không đáng có. 

Nếu luận án đã được gửi phản biện kín 2 người thì ra hội đồng bảo vệ có thể chỉ cần tối đa 3 người và bảo vệ một lần, không nhất thiết phải bảo vệ qua ở đơn vị chuyên môn (nhiều lần) lẫn học viện/ trường. 

Thứ sáu: Thay vì chú trọng vào tiêu chí của thành viên hội đồng và số người, quy chế nên quy định kỹ về tiêu chí đánh giá luận án: tính mới của đề tài, sự đóng góp vào lý thuyết và thực tiễn của lĩnh vực, khả năng phân tích, phê bình của tác giả được thể hiện trong luận án. 

Những tiêu chí này giúp ích nhiều hơn cho hội đồng đánh giá và tạo mặt bằng chung cho các luận án. 

Vấn nạn lớn nhất của các luận án Việt Nam là chuyện sao chép, điều này hoàn toàn có thể khắc phục bằng các phần mềm đạo văn với cơ sở dữ liệu dồi dào được số hoá. 

Khi nghiên cứu sinh nộp bản mềm thì chuyên viên phòng sau đại học cũng có thể kiểm tra được, điều quan trọng là cơ sở có mạnh dạn trả luận án về cho nghiên cứu sinh sửa cho tới khi đạt yêu cầu rồi mới cho ra bảo vệ hay không. 

Thứ bảy: Quy định về bài báo quốc tế là thách thức quá lớn đối với nghiên cứu sinh nếu thực sự là bài báo được đăng các tạp chí uy tín bởi vì quá trình này có thể kéo dài tới 1,5 - 2 năm và tiêu chí cực kỳ cao. 

Nếu chỉ quy định tạp chí, hội thảo có phản biện kín (peer review) thì vô số hội thảo chỉ cần gắn chữ “quốc tế” (international), tạp chí đăng bài bằng tiếng Anh vào là có thể thoả mãn vì là quốc tế và hầu hết đều có peer review nhưng người review là ai thì không ai biết. 

Chưa kể, hiện tại nhiều tạp chí đăng bài bằng tiếng Anh nắm bắt được nhu cầu đăng bài của các cá nhân các nước nên ra sức trục lợi. 

Vì thế, quy định này nếu làm nghiêm túc với các bài báo trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, được trích dẫn trên Scorpus-Elsevier, sách có mã số ISBN thì thành ra quá khó, nếu quy chế hạ thành “quốc tế và có “phản biện kín” thì lại quá nhiều kẽ hở. Tốt hơn hết, tiêu chí này nên khuyến khích hơn là bắt buộc. 

Nguyễn Thị Thu Huyền