Theo phương án tuyển sinh dự kiến, năm 2022, Trường Đại học Ngoại Ngữ tuyển sinh 1.600 chỉ tiêu dành cho 13 chương trình đào tạo đại học chính quy (gồm các ngành: Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Pháp, Sư phạm tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Sư phạm Tiếng Đức, Ngôn ngữ Đức, Sư phạm tiếng Nhật, Ngôn ngữ Nhật, Sư phạm tiếng Hàn Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Ả Rập).
Ngoài ra có 500 chỉ tiêu chương trình quốc tế ngành Kinh tế - Tài chính (do Trường Đại học Southern New Hampshire – Hoa Kỳ cấp bằng).
Ảnh website nhà trường |
3 phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại ngữ là: Xét tuyển thẳng (theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; theo Quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội; với các thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, ACT và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế), Xét bằng kết quả bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đáng chú ý, Trường lần đầu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển với các thí sinh có kết quả kỳ thi VSTEP (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Trước đó, khi nhiều trường đại học đưa ra phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL thì Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về việc chương trình học ngoại ngữ hiện nay ở các trường phổ thông của Việt Nam đang phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các trình độ của chứng chỉ VSTEP, từ A1, A2 đến B1, B2 và C1, C2 tất cả đều theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Mục tiêu đầu ra mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu học sinh từ tiểu học đến hết Trung học phổ thông đúng với chuẩn VSTEP.
Do đó, nhiều chuyên gia, thầy cô cho rằng không có lý gì mà các trường đại học không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP của Việt Nam để xét tuyển đại học. Nếu chỉ nghiêng về IELTS thì quá bất công với các thí sinh, đặc biệt là các em ở nông thông, vùng sâu, vùng xa.