Không phải đến khi vụ việc tiêu cực sửa điểm thi cho các thí sinh ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình xảy ra thì người ta mới thấy những bất ổn đối với công tác cán bộ thuộc biên chế của Sở Giáo dục hiện nay.
Bởi, thực tế việc luân chuẩn cán bộ, chuyên viên ở Sở chỉ thường thay đổi đối với Ban Giám đốc. Những vị trí Trưởng, Phó phòng thi thoảng có thay đổi nhưng cũng thường luân chuyển giữa các phòng trong Sở.
Những người thuộc diện chuyên viên thì gần như mặc định công tác tại một vị trí cho đến khi về hưu. Chính vì thế, có những người tại vị ở một vị trí quá lâu sẽ tạo nên một sức ỳ rất lớn mà đôi lúc còn sinh ra những tiêu cực đối với ngành.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhận quyết định khởi tố của cơ quan điều tra (Ảnh: Báo Lao động) |
Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã xảy ra chuyện nâng điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đều có sự ríc rắc của nhiều phòng, ban trong Sở và những người cậy nhờ nâng điểm cho con cháu họ cũng đều là những người có địa vị hết cả.
Không mấy người cậy nhờ mà không có vị thế. Nếu người không có vị thế phải là người có nhiều tiền và phải qua trung gian nên mới có thông tin trung bình mỗi suất sửa điểm cho thí sinh có giá lên đến 1 tỉ đồng.
Chỉ riêng việc sửa điểm ở Sơn La, chúng ta thấy bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào có một vai trò và ảnh hưởng rất lớn cho việc móc nối, nâng điểm cho hàng loạt thí sinh.
Trong số 44 thí sinh được xác định là đã sửa và nâng điểm thì chỉ mình bà Nguyễn Thị Hồng Nga đã trực tiếp nhận sửa “giúp” cho 16 thí sinh.
Ngoài ra, các công việc gian lận, thủ đoạn sửa và nâng điểm ở Sơn La thì bà Nga cũng một trong những người đóng vai trò tích cực nhất.
Nếu như, không phải là một người ngồi ở một vị trí quá lâu, thông thạo mọi công việc, được giao nhiều nhiệm vụ trong Hội đồng chấm thi thì với một chuyên viên cấp Sở làm sao bà Nga có thể có một mối quan hệ rộng để mà móc ngoặc và chi phối đến nhiều người như vậy?
Đã lên Sở là ít khi bị luân chuyển!
Thực tế, công tác cán bộ, chuyên viên ở các Sở Giáo dục của phần lớn các địa phương vẫn chưa qua thi tuyển mà chủ yếu là thực hiện sự điều động của tổ chức, có điều đa phần các vị này đều có “gốc gác” rất cứng mới được điều động về Sở.
Ai sẽ vực dậy ngành Giáo dục Sơn La sau cơn bão nâng điểm năm 2018? |
Đối với những người công tác tại các phòng như: Giáo dục trung học, Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non, Thanh tra, Tổ chức, Khảo thí… thường là các Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường được điều về.
Chính vì vậy, họ thường có những mối quan hệ rất rộng với nhiều ngành nghề khác ở địa phương.
Những người được tuyển mới làm chuyên viên, nhân viên ở Sở cũng thường là những người có thế lực gửi gắm vào nên ngay sau khi được nhận vào công tác là vị thế của họ cũng đã rất lớn.
Phòng nào của Sở thường xảy ra tiêu cực?
Thực tế, không phải cứ ngồi mãi một chỗ thì phát sinh tiêu cực nhưng ngồi mãi một chỗ thì các mối làm ăn cũng thường tự nhiên đến với mình. Vẫn biết, có nhiều chuyên viên công tác ở Sở liêm khiết, làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình.
Nhưng, từ việc tiêu cực ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La trong năm 2018 cũng khiến cho chúng ta thấy nhiều điều bất ổn cần thay đổi. Cả 3 tỉnh đều có sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng.
Ngoài phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, chúng ta còn thấy sự âm ĩ mà dư luận lâu nay cũng biết đó là Phòng Tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục.
Nơi đây, mỗi năm tuyển dụng viên chức, thuyên chuyển viên chức, điều động cán bộ quản lý ngành giáo dục cũng thường có những tiêu cực xảy ra.
Phó giám đốc Sở giáo dục Sơn La và 4 thuộc cấp trực tiếp sửa điểm |
Những người có tiền, có quyền thì được tuyển dụng, được thuyên chuyển công tác đến những nơi thuận lợi.
Những người chỉ nộp mình hồ sơ thì không mấy khi đạt được nguyện vọng của mình. Và, thực tế, mọi người khi đã được những cán bộ, chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ nhận lời "giúp đỡ" thì ít khi phải lo lắng về nguyện vọng của mình.
Phải cần thiết luân chuyển các cán bộ, chuyên viên cấp Sở
Vào ngày 25/2/2019, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh trường hợp ông Lê Quang Cảnh, Trưởng phòng Tài chính- Kế toán (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh có 28 năm tại vị ở vị trí Trưởng phòng.
Ông Lê Quang Cảnh đã trải qua 5 đời Giám đốc Sở… và chúng tôi tin trường hợp ông Cảnh chưa phải là cá biệt.
Bởi, chỉ có các Giám đốc và một số vị trí Trưởng phòng có thay đổi khi có lệnh điều động, còn lại đa phần là đảm nhận một vị trí cho đến khi về hưu.
Nên chăng, các tỉnh cần thực hiện việc luân chuyển các cán bộ, chuyên viên Sở Giáo dục về các Phòng Giáo dục và các trường phổ thông để hạn chế tối đa các tiêu cực có thể xảy ra.
Việc luân chuyển công tác cán bộ, chuyên viên Sở là điều bình thường và cần thiết đối với những nhân sự ở các Phòng có tính chất “nhạy cảm” như Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng để hạn chế những tiêu cực như chúng ta đã đang chứng kiến.