Ngọng ở xứ Ngô

27/10/2017 07:04
Xuân Dương
(GDVN) - Chuyện xứ Ngô mà cứ nói đến “ngông nghênh” hay “ngu ngốc” là khiếm khuyết lớn, cần phải công bằng với tất cả mọi người, nghĩa là còn chuyện “ngô ngố”...

Bài “Rởm ở xứ Zô” đã trót “thòng” vào cuối bài câu “chưa hết” nhưng lần nữa mãi không biết viết gì tiếp theo.

Cũng may được mấy ông bà “trời con, vua con” trợ giúp khiến quá nhiều tư liệu không nơi nào có nên vội vàng ghi lại, để lâu mọi thứ hóa bùn thì lấy đâu ra “đề” với “tài” mà viết, mà lách. 

Nhân có chuyện phát ngôn của ông ở Thanh tra Chính phủ, rằng họ “họ bôi nhọ và đánh hội đồng” ông vì ông quá liêm khiết, không tơ hào cái kim sợi chỉ nào của dân.

Không biết “cả bàn dân thiên hạ” nghĩ gì chứ người viết tin phát biểu của ông í là thật.

Thời nay, tìm một ông, bà tầm cỡ mà lại tơ hào “cái kim, sợi chỉ” của dân chắc là khó hơn việc tạo ra hố đen (Black holes) trong vũ trụ.

Họ suốt đời cần mẫn, làm thối móng tay, buôn chổi đót, chạy xe ôm chứ dựa vào “kim chỉ” thì đến mùng nào mới kiếm đủ tiền xây biệt phủ?.  

Ngọng ở xứ Ngô ảnh 1

Rởm ở "xứ ZÔ"

Nhân có chuyện ông đại úy cảnh sát giao thông ở cái chỗ “giầu cả giây” (gọi tắt là Dầu Giây) bị đưa khỏi lực lượng.

Rồi không biết có phải cái “giây giàu” này có nhiều cách thức hay vì “đúng quy trình” nên ít năm sau ông đại úy trở thành sĩ quan cao cấp (Thượng tá), lại làm đến chức Phó của lực lượng cảnh sát giao thông cấp tỉnh.

Nghe nói cấp ấy phải kê khai tài sản cá nhân và vợ con nhưng ông Thượng tá không biết con gái có 16,6 tỷ đồng đầu tư vào chính cái dự án đường, nơi mà ông từng cai quản trật tự giao thông khi còn là cấp úy (Vtc.vn 24/10/2017).

Nhân chuyện bà Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng “địa bàn” với ông thượng tá nọ bị dân yêu cầu bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội vì bà này giúp chồng “mãi lộ” các doanh nghiệp khác nhưng chưa biết kết quả ra sao;  

Nhân có chuyện một bà mấy lần xin được khai trước tòa chuyện mang tiền đô đi chạy đại biểu xong không được tòa cho phép;

Lại “nhân” thêm tí nữa là có ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy bảo lãnh đạo các huyện, tỉnh miền núi nghèo kiết xác, nghèo đến mức không nên bắt họ kê khai tài sản làm gì;

Ngọng ở xứ Ngô ảnh 2

Có ai muốn thành “Người đương thời” không?

Mà có lẽ ông í nói đúng vì “hot girl” ở thành phố quê ông có tài sản khủng, được báo chí “tung hê” ầm ầm mà các ông còn không biết thì hơi đâu mà lên tận rừng xanh, núi đỏ, nơi người ta toàn làm từ thiện cho bọn dê đi lạc!

Cứ cái đà “nhân có chuyện” này thì đến “mùng răng rụng” cũng chưa nêu hết lý do để viết tiếp, thế nên xin phép tạm dừng, vào luôn chuyện chính.

Chuyện chính tức là viết tiếp những cái gì đó thuộc thể loại ai cũng nghe thấy, cũng nhìn thấy, cũng “chứng voi, chứng kiến” (mà dân quê bảo là “tô hô” ra đấy) nhưng lại có tí “ong mật” nên phần đông Osin đều ngơ ngác chưa nghe, chưa biết, còn chờ báo cáo, báo mèo.

Chuyện chính là viết tiếp “Rởm ở xứ Zô” với cái tít mới là “Ngọng ở xứ Ngô”.

Việc chọn “cái tít” chứ không phải “thằng tít” là có lý do riêng, theo phân loại khi học tiếng Nga, các danh từ được phân thành giống “cái” giống “đực” và giống “trung”.

Có điều từ “cái” trong “cái tít” lại không phải “giống cái”, tương tự như “cái rổ, cái rá,…, đó chỉ là “cái” thói quen của người Việt.

Thế nhưng khi bị bắt phải giải thích cụm từ “cái thằng”, tại sao vừa là “cái” lại vừa là “thằng” thì đành chịu dù biết rằng “cái” ở đây không phải là “cái”.  

Có vị sao siêu còn khẳng định khi nói “cái thằng” tức là từ ngày xửa ngày xưa các cụ đã tiên đoán, sẽ có sự chuyển “giống” (ngày gọi là “chuyển giới”), điều hay thấy trong làng showbiz?  

Sở dĩ ngoằng sang chuyện “vừa cái, vừa thằng” là vì cứ ngẩn ngơ giữa “đày tớ” và “ông chủ”, một “bộ phận không nhỏ” đày tớ ngày nay thực chất là “đày tớ” hay ông chủ?

Có phải bộ phận này là một “giống” mới được sinh ra do biến đổi môi trường, do đột biến gen hay do những nguyên nhân bí ẩn mà các nhà Việt Nam học vẫn chưa giải mã được?

Tương tự “Ngọng ở xứ Ngô” là vừa ngọng, vừa ngô hay cũng là một loài mới kiểu “cái thằng”?

Nói đến “ngọng” giới bình dân thường chỉ chú ý đến “ngọng” theo kiểu “ngọng níu, ngọng nô”, kiểu nói nhịu “l” thành “n” (xin không nói vì sao không dùng từ “ngọng” mà lại là “nhịu”).

Chị em nhà báo vốn rất kỹ tính trong lời ăn, tiếng nói mà còn đăng nguyên văn, chẳng nhẽ cánh “nhiều râu” lại sợ?

Về chuyện nhịu “l” thành “n” có chuyện vui đọc lên khiến mấy ông lão cười rung cả lợi, ấy là chuyện nhà báo nữ K.D đăng trên trang cá nhân của chị ấy bài viết của một vị họ Chu.

Thế nên xin trích dẫn “gần nguyên vẹn” một câu trong bài “Cô Tấm làm quan”: “Chị có trôn em cũng có trôn. Làm quan thì được cái n… gì?”.

Hy vọng câu văn vừa ngọng vừa hơi tục này chỉ mang tính “vui vẻ”, không làm phiền lòng người đọc cũng như người “gác vườn”.

Giới tinh hoa ít quan tâm đến ngọng “lờ” thành “nờ”, chẳng thế mà có quan to vừa “nà” giáo sư, vừa “nà” tiến sĩ đó sao.

Hơn nữa chuyện “lờ” với “nờ” thì đâu có thuộc phạm trù trí tuệ mà cần để ý!

“Ngọng” và “ngạnh” vốn là họ nội tộc vì cùng có “âm ngờ” ở đầu, có tác giả dựa vào sách Công nghệ giáo dục bảo “ng” là “ngờ” còn “ngh” là “ngờ kép” [1], chẳng biết còn loại “ngờ” nào nữa không?

Nội dung hướng dẫn đánh vần trong sách Công nghệ giáo dục. (Ảnh chụp màn hình trên trang Congnghegiaoduc.vn)
Nội dung hướng dẫn đánh vần trong sách Công nghệ giáo dục. (Ảnh chụp màn hình trên trang Congnghegiaoduc.vn)

Có phải cũng vì “ngọng ngạnh” nên có ông Trưởng Cục tự trang bị cho mình “Cục quyền”, đó là cấp phép cho dân chúng cả nước được phép hát Quốc ca (điều vốn đã ghi trong Hiến pháp).

Mới điểm sơ qua về “ngọng” và “ngọng ngạnh” đã hơn trang giấy, nói thêm có lẽ đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” cũng chưa hết nên xin tạm chuyển sang chuyện “xứ Ngô”.

“Xứ Ngô” ở đây không phải là “Ngô” bên Tàu mà cụ Nguyễn Trãi dùng trong “Bình Ngô đại cáo”, “xứ Ngô” liên quan đến “ngô ngố”, “ngốc nghếch”, “ngu ngốc”, “ngông nghênh”,…

“Xứ Ngô” vốn là nơi chỉ dành cho “người Ngô”, ai không “ngô” thì lên vỉa hè, lòng đường chỉ dành cho những người Ngô đủ độ ngông nghênh, tức là “Ngô chính hiệu”.

Một khi “ngọng ngạnh” chễm chệ ở xứ “ngông nghênh” thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Thì Phó Giám đốc sở Ngoại vụ cầm cốc bia “choảng” vỡ đầu Phó Giám đốc sở Nội vụ;

Thì quan tỉnh về vườn “cóc cần” gì nữa, “tôi về hưu rồi, họ muốn xử thế nào thì xử”;

Thì Phó Bí thư tỉnh viết đơn khiếu nại kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về án cảnh cáo mà Ủy ban đã công bố.

Ngọng ở xứ Ngô ảnh 4

"Hỗn quan - Quan hỗn"

Đấy là bà í còn đương chức, nói dại nếu bà í cùng cảnh như bà cựu Thứ trưởng Công thương hay ông “muốn xử thế nào thì xử” thì bà sẽ làm gì, viết đơn tiếp hay “Makeno”?

Thì trong vòng 5, 6 tháng trước khi cầm sổ hưu, một ông cựu Thanh tra đã kịp ký quyết định bổ nhiệm tới 60 cán bộ cấp cục, vụ.

Còn ông cùng cấp sau đó cũng không chịu kém, cũng sử dụng tuyệt chiêu “Bonhicabo” vào thời điểm “Hohonhiky” vốn chỉ dành cho các bậc trưởng lão trong môn phái “Tân Vocobo”! [2]

Có lẽ vì thế nên người viết bỗng bán tín bán nghi chuyện một ông Q. Vụ trưởng ở cơ quan Thanh tra Chính phủ thẳng tưng tứng từng, rằng ông “là người xuất sắc nhất, liêm khiết và cống hiến nhiều nhất cho ngành…”!

Lẽ nào do liêm khiết, do xuất sắc, do cống hiến nhiều nhất mà ông phải “quờ vụ trưởng” mãi, chả biết đến lúc nào ông mới không phải “quờ” hay sớm muộn ông sẽ bị cắt “quờ”.

Và để khỏi phải “quờ” lâu dài như “sợi dây kinh nghiệm”, ông có nên bớt liêm khiết, bớt cống hiến đi?

Có chuyện khác, nếu tách bạch hoặc là ngông nghênh hoặc là ngọng ngạnh hoặc là ngu ngốc có lẽ không ổn, ấy là một ông thuộc vào hàng “nguyên khí” cùng một lúc “ôm” 44 học viên thạc sĩ cộng thêm 12 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Theo quy định cỡ ông ấy cùng lúc chỉ được hướng dẫn tối đa 7 học viên cao học và không quá 5 nghiên cứu sinh tiến sĩ, tổng cộng là 12 người.

Ông ấy “mần” một lúc gấp hơn 4 lần quy định tức là không coi quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra gì, thế gọi là ngông nghênh.

Ông ấy là lãnh đạo nên tự cho mình quyền “ôm” nhiều học viên hơn, thế gọi là ngọng ngạnh.

Ông ấy được học hành cẩn thận, lại là thày của thiên hạ mà làm việc không xứng tầm người thày, thế gọi là ngu ngốc.

Nếu không phải ở xứ Ngô thì làm sao có chuyện ấy, nói thế quý vị có cho là phải?

Thế còn chuyện Giám đốc Sở sau làm Bí thư Thị ủy “nhỏ nhẹ” tâm sự:

Tôi khẳng định trong thời gian làm giám đốc Sở, tôi đã tận tâm, tận lực vì dân, vì người có công với cách mạng, vì người nghèo, vì những người yếu thế của xã hội…

Do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân” thì thuộc trường hợp nào?

Ông chẳng “choảng” ai vỡ đầu, ông không nhận mình liêm khiết nhất, ông cũng không làm phúc cho lũ dê đi lạc tá túc tại nhà mình như ông ở Thạch Thành-Thanh Hóa.

Ngọng ở xứ Ngô ảnh 5

Đi tìm nguyên nhân “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta”

Ông chỉ giúp cho có 43 người “yếu thế của xã hội” có thêm tí chức trưởng phòng, phó phòng, lại cũng “vì cán bộ” khi ông giúp cho người tiếp ghế của ông không phải mỏi tay ký quyết định bổ nhiệm.

Với thành tích ấy, khen thưởng ông, tặng ông các danh hiệu cao quý là bình thường, sao không khen mà lại chê, thế có phải là tọc mạch!

Đang viết dở bài thì Tòa soạn chuyển cho bức thư của độc giả từ phía Nam gửi ra, xin chép một đoạn để bạn đọc thấy độ ngông nghênh và ngọng ngạnh đạt đẳng cấp thế nào:

“Ngay ngày hôm nay thôi, Bí thư phường ngồi uống cùng cán bộ phường.

Một cán bộ nói: Thôi hết ly này anh em mình nghỉ.

Vậy là anh bí thư liền hùng hổ: mày là thằng nào dám ra lệnh ở đây, trong khi vị bí thư kia trẻ tuổi hơn… Giờ cái gì cũng sợ bác à. Chúc bác khỏe”.

Chuyện xứ Ngô mà cứ nói đến “ngông nghênh” hay “ngu ngốc” là khiếm khuyết lớn, cần phải công bằng với tất cả mọi người, nghĩa là còn chuyện “ngô ngố” hay “ngốc nghếch” nữa.

Mới rồi có chuyện dân chúng ở miền rừng nọ (không biết là “ngô ngố” hay “ngốc nghếch”) mà phải làm cái chuyện thế này:

Cả 40 hộ dân có đất, có sổ đỏ “tự nguyện” chuyển quyền sử dụng đất cho một bà là em dâu vị lãnh đạo “to” nhất tỉnh.

Bà em dâu này sau đó làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở rồi chuyển ngược lại cho 37 hộ dân nêu trên, còn 3 hộ không biết cắc cớ gì mà chưa nhận được sổ đỏ.

Có đất, có sổ đỏ, tỉnh đã có quy hoạch chuyển đất canh tác thành đất ở sao không trực tiếp làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng mà phải vòng vèo qua trung gian là em dâu bà Bí thư?

Phải chăng dân tự làm thì lâu, thì khó, mà cái chính có phải do bị “hành là chính” nên buộc phải qua trung gian, tốn tí cho một mình bà ấy còn đỡ hơn là tốn cho cả một “bộ phận không nhỏ”?

Ở “xứ Ngô’ có khi “ngốc nghếch” như mấy chục hộ gia đình trên lại được việc, vừa không phải “cơm chực, cháo chờ” mà lại thêm được “tình anh, nghĩa chị”?

Nếu không phải là vợ quan đầu sở và em dâu quan đầu tỉnh, liệu người khác có làm được 37 cái sổ đỏ từ đất nông nghiệp thành đất ở ngon lành như vậy?

Nếu ai đó bảo miền núi hết củi thì có phải là “ngô ngố” hay “ngốc nghếch”, củi biến thành gậy chống lưng chứ đi đâu mà hết!

Ngốc nghếch một tí, khù khờ một tí mà được “thánh nhân” đãi thì tội gì phải vất vả.

Thế cho nên ở xứ Ngô, không ngông nghênh được thì đành ngốc nghếch vậy.

Còn nếu muốn “cạp đất mà ăn” thì hoặc là phải bó bụng lại cho eo như người Trung Quốc bó chân ngày xưa rồi chờ xem có đại gia nào nhấc máy, hoặc là phải làm dâu nhà có chị quan to, em quan nhỡ.

Chuyện Ngọng ở xứ Ngô là thế, ô hô, …,

Tài liệu tham khảo:

[1] http://congnghegiaoduc.vn/tin-tuc/180-2017-07-10-04-22-37.html

[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Tan-man-ve-mon-phai-Tan-Vocobo-post164073.gd

Xuân Dương