Xin phép được bắt đầu bài viết này bằng một đoạn trong bức thư gửi mẹ của chàng nhạc sĩ ngồi trên xe lăn Thiên Ngôn để chia sẻ, mong vơi bớt nỗi buồn của những gia đình không may mắn có những đứa con bị khuyết tật và cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của các cô giáo trên mọi miền tổ quốc đã hy sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục.
Lá thư có đoạn: “Mẹ à, nếu thời gian quay ngược, mẹ còn muốn là mẹ của con không? Cậu bé cứ lết từng mét vuông gạch, chưa bao giờ có thể hát cho mẹ nghe, vỗ về tấm lưng của mẹ.
Hôm qua, hôm nay và cả những năm dài tháng rộng phía trước... Đều không thể làm gì cho mẹ.
Mẹ ơi, nếu mẹ từ chối. Chắc con sẽ bơ vơ lắm đấy. Con sẽ lớn lên và ngủ ở đâu nhỉ?” - lời bức thư của nhạc sĩ Thiên Ngôn.
Mỗi người chúng ta ngay từ khi sinh ra đã thuộc về một ngôi nhà, một quê hương, xứ sở. Gia đình ấy, quê hương ấy, sướng khổ, giàu nghèo, sang hèn, là cái có sẵn, ta không lựa chọn được.
Nhói lòng về các em học sinh đặc biệt ở chùa Hương Lan
Tôi đã nghẹn lời trong cảm xúc khi cô giáo Lê Thị Hòa hỏi hai em học sinh hơn 10 tuổi của lớp: “Con tên là gì? Con con nhà ai? Hay Bố mẹ con tên gì? Con bao nhiêu tuổi…” mà các em không có bất kỳ một câu trả lời.
Bậc làm cha làm mẹ, chắc hẳn ai cũng mong ước con cái mình khỏe mạnh, chăm ngoan, khôn lớn trưởng thành và cũng xin được chia sẻ với các gia đình không may có những người con không được như những đứa trẻ bình thường khác.
Ở lớp học tình thương này có tới gần sáu chục em nhưng mỗi em một hoàn cảnh, bệnh tật, sức khỏe khác nhau, không em nào giống em nào, mỗi em mang trong mình một “khuyết điểm” mà các em tới lớp cũng rất thất thường.
Em học sinh này dù đã lớn nhưng không hề có ý thức, sau một thời gian học tập ở lớp thì em đã biết đọc và biết viết. Ảnh: Công Tiến |
Gọi là học sinh đặc biệt là bởi vì các em học sinh ở đây bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau, em thì bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, em bị tự kỷ, em thì lại bị khuyết tật tay hoặc chân, em bị mồ côi cha mẹ, em lại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Đặc biệt có những em bây giờ đã gần ba mươi tuổi, đã học ở lớp gần 10 năm, ban đầu các em phát âm còn khó huống chi là đọc và học, sau một thời gian được các cô giáo nơi đây dạy dỗ các em đã biết đọc và biết viết, đặc biệt có những em viết chữ rất đẹp.
Cô giáo Lê Thị Hòa có chia sẻ thêm: “Tuy mỗi con một hoàn cảnh như vậy nhưng sau khi vào chùa học, được học về đạo phật các con lại rất chăm ngoan và nghe lời, không hề quấy phá”.
Sự cần mẫn của người lái đò thầm lặng
Cô giáo Lê Thị Hòa luôn dành nhiều sự quan tâm của mình cho những đứa trẻ thiệt thòi. Những ngày đầu, cô giáo đến tận nhà đón từng em đi học, đến cuối buổi lại đạp xe đưa các em về.
Trước khi dạy lớp học tình thương ở chùa, cô Lê Thị Hòa đã mở lớp học nhỏ tại gia đình để dạy miễn phí cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng số học sinh đến ngày càng nhiều, căn phòng nhỏ tại gia đình không có đủ chỗ ngồi, từ khi được sư thầy trụ trì chùa Hương Lan - Thích Ðàm Tiền giúp đỡ, để mở lớp học đến nay, cô Hòa luôn dành nhiều sự quan tâm cho lớp học và những đứa trẻ thiệt thòi.
Cô Lê Thị Hòa người có ý tưởng xây dựng lớp học tình thương miễn phí cho học sinh đặc biệt chia sẻ: “Dạy học cho các em học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ đòi hỏi giáo viên phải rất kiên trì, nhẫn nại, dạy kèm từng em một, nhiều lúc phải dỗ dành các em.
Cũng may sau một thời gian thành lập, lớp học được sự chung tay giúp sức của nhiều cô giáo khác ở địa phương”- cô Hòa tâm sự.
Hiện nay, ngoài cô Lê Thị Hòa, còn có gần chục cô giáo, sinh viên tình nguyện của các trường học ở thủ đô cứ mỗi cuối tuần lại cùng tham gia giảng dạy ở lớp.
Cô giáo Lê Thị Hòa và nhiều cô giáo khác của lớp học tình thương ở chùa Hương Lan cứ mỗi cuối tuần lại tới lớp dạy văn hóa, dạy làm người cho các em “học sinh đặc biệt” hoàn toàn miễn phí. Ảnh: Công Tiến. |
Các cô giáo của lớp học tình thương có những cô năm nay đã gần 70 tuổi, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng tới cuối tuần các cô vẫn cần mẫn đạp xe tới lớp cầm tay dạy viết, hướng dẫn cách đọc cho các em học sinh mà không có một đòi hỏi hay yêu cầu gì về chi phí.
Các em học những gì ở lớp học đặc biệt này?
Bên cạnh các môn văn hóa theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em học sinh ở lớp học tình thương đặc biệt này được học thêm một chương trình giáo lý của nhà Phật.
Theo chia sẻ của các cô giáo Hòa và nhà sư chùa Hương Lan: Việc học thêm những lời dạy của Phật giúp các em giảm bớt nghiệp kiếp trước, để kiếp này sớm bình phục và trở thành người bình thường.
Thật tình cờ phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến ghi nhận đúng vào buổi học môn luyện đọc, luyện viết của các em.
Các em được học theo một chương trình sáng tạo “giúp các em giải bớt nghiệp kiếp trước” cô giáo Lê Thị Hòa viết và đọc cho cả lớp đọc theo:
“Kính lạy đấng Giác ngộ
Người là vầng ánh sáng
Giữa biển trời khổ đau…
Lòng chúng con kính ngưỡng
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”.
Cứ như vậy, mỗi cuối tuần các cô giáo nơi đây lại cần mẫn dạy chữ, dạy đọc, dạy văn hóa, dạy làm người cho những em học sinh đặc biệt này.
Cô giáo Lê Thị Hòa có chia sẻ cảm động về sự tiến bộ của một nữ học sinh tên Khuê năm nay đã gần 30 tuổi và đã theo học cùng lớp nhiều năm:
“Em Khuê năm nay đã gần 30 tuổi và đã theo lớp được gần 10 năm, ngày đầu khi đến lớp em không hề biết làm vệ sinh cá nhân huống chi là học.
Sau một thời gian được học tập văn hóa, học kinh phật, hướng dẫn các kỹ năng sống cần có của một người con gái thì bây giờ em đã biết ăn mặc gọn gàng, làm vệ sinh cá nhân và đã biết chữ”.
Việc làm ý nghĩa sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội
Cô giáo Lê Thị Hòa, người gắn bó với lớp học từ ngày đầu thành lập có những chia sẻ đầy cảm động với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Ðể duy trì được lớp học tình thương tới ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh, vất vả và tình yêu thương rất lớn của các sư thầy chùa Hương Lan.
Nhà chùa đã dành riêng một khoảng đất để xây dựng làm lớp học, sau khi lớp học được dựng lên thì đã có rất nhiều tấm lòng hảo tâm của du khách thập phương và một số cán bộ Trung ương, cơ quan địa phương cung tiến, ủng hộ đồ dùng, công cụ dạy học cho các em như ngày hôm nay”.
Lớp học tình thương ở chùa Hương Lan luôn dành được sự quan tâm dạy bảo của nhiều cô giáo dù đã nghỉ hưu và các bạn sinh viên tình nguyện trợ giảng. Ảnh: Công Tiến. |
Bác Trần Quang Điềm, người xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ hiện có hai con đang theo học ở lớp học tình thương có chia sẻ:
“Bản thân tôi bị bệnh tim, gia đình thuộc diện kinh tế đặc biệt khó khăn vì vậy không có điều kiện cho các con ăn học như các gia đình khác, thế nên cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tôi lại đưa hai con của mình tới lớp học tình thương để học.
Sau thời gian học tập ở lớp các con tôi về nhà ngoan hơn, đã biết phụ giúp gia đình những công việc nhẹ, sống tình cảm hơn và biết hỏi thăm tôi mỗi khi đau ốm”.
Mong muốn
Bài viết với mong muốn chia sẻ sự cống hiến thầm lặng của cô giáo Lê Thị Hòa cùng gần 10 cô giáo, sinh viên tình nguyện, sự phát tâm bồ đề của các thầy ở chùa Hoàng Lan đối với những em không may sinh ra có hoàn cảnh đặc biệt để các em sớm bình phục, hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Các cô không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho các em, mà từ lớp học này, giúp các em thắp sáng niềm tin, để có thể hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng.
Xin trích lời bài hát của nhạc sĩ Bùi Anh Tú thay cho lời kết về sự cống hiến của những thầy cô công tác trong ngành giáo dục:
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà ươm cho đời đầy trái ngọt hoa thơm”.