Nhà trường có vai trò không nhỏ trong ngăn chặn bạo hành trẻ em tại gia đình

31/12/2021 06:44
Trần Nguyên Hào
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu các nhà trường ngoài việc thực hiện mục tiêu giáo dục, có chủ trương xây dựng một môi trường giáo dục theo hướng nhân bản, khai phóng hay không?

LTS: Trước vấn nạn bạo hành trẻ em trong gia đình, Thạc sĩ Trần Nguyên Hào, giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh đặt vấn đề về vai trò giáo dục của nhà trường để bảo vệ trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước.

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vụ việc cháu bé 8 tuổi bị tử vong do mẹ kế bạo hành thường xuyên bằng roi mây và thanh gỗ xảy ra tại chung cư Saigon Pearl (Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) đã xảy một tuần qua nhưng đến nay vẫn khiến cho bao người không cầm được nước mắt, xót thương cho cháu bé và hết sức phẫn uất trước hành vi vô nhân tính của những kẻ “ác thú”.

Rõ ràng là cái chết thương tâm này có nguyên nhân từ sự vô tâm, thiếu tình yêu thương của người bố đẻ và sự vô cảm, thiếu quan tâm từ những người hàng xóm xung quanh nhà cháu bé.

Vậy, ngoài gia đình và cộng đồng, nhà trường cần có vai trò, việc làm gì để ngăn chặn những vụ việc tương tự như thế này và bạo hành đối với với trẻ em là học sinh xảy ra ngoài nhà trường?

Nhà trường có vai trò như thế nào trong phòng chống bạo hành trẻ em. Ảnh minh họa: Cand.com.vn

Nhà trường có vai trò như thế nào trong phòng chống bạo hành trẻ em. Ảnh minh họa: Cand.com.vn

Nhà trường cần nắm bắt thông tin về hoàn cảnh gia đình của học sinh

Dẫu rằng về mặt pháp lý, không có quy định cụ thể về vai trò của nhà trường về vấn đề này nhưng Luật Giáo dục có quy định về trách nhiệm của Nhà trường (tại điều 89) như sau:

“Nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học; thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ” thì Nhà trường thông qua giáo viên giảng dạy, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải chú ý tìm hiểu và nắm bắt được hoàn cảnh gia đình của học sinh, tình trạng cuộc sống của học sinh cũng như sự an toàn về mặt thân thể của học sinh trong gia đình.

Điều này trong rất nhiều năm trước đây đã được các trường tiểu học và các trường phổ thông làm rất tốt dù phương tiện đi lại của giáo viên chủ nhiệm rất thiếu thốn và phương tiện để liên lạc chưa có hoặc khó khăn.

Vậy điều quan trọng là người giáo viên cần có lòng yêu nghề, yêu trẻ, có sự quan tâm đến học sinh thân yêu.

Nếu có điều đó, giáo viên không chỉ có thông tin về gia đình học sinh, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh mà sẽ biết được tình trạng cuộc sống của học sinh trong gia đình.

Như khi học sinh đến lớp với vẻ mặt buồn, thất vọng, u uất; với dáng đi không như bình thường hay với một vết tím bầm trên mặt, trên tay chân, trên lưng thì chỉ với một sự ân cần hỏi han học sinh, giáo viên sẽ biết được liệu đã có sự ngược đãi, sự bạo hành xảy ra đối với các em hay không.

Khi phát hiện có tình trạng học sinh có nguy cơ bạo hành hay đã bị bạo hành, giáo viên cần báo với ban lãnh đạo trường, phản ánh, tố cáo lên các cơ quan chức năng để cùng phối hợp giải quyết, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực xảy ra với học sinh.

Nhà trường cần chú trọng và tăng cường tổ chức các chương trình ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường và bạo lực đối với trẻ em nói chung

Việc tổ chức các chương trình giáo dục ngoại khóa học sinh về phòng chống bạo lực học đường là rất cần thiết hiện nay bởi tình trạng bạo lực học đường và bạo lực nói chung đang xảy ra thường xuyên và mức độ rất nghiêm trọng.

Thông qua các chương trình ngoại khóa này, học sinh sẽ được cung cấp những hiểu biết về những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường như: tính chất phạm pháp, vi phạm đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng của những hành vi bạo lực; hành vi bạo lực là hành vi cần phải lên án và cần chung tay ngăn chặn, đẩy lùi; quyền được bảo vệ về nhân phẩm, danh dự, thân thể, tính mạng của mỗi người.

Từ đó, học sinh sẽ nâng cao ý thức về quyền của bản thân mình và biết lên tiếng phản đối, tố cáo khi nhân phẩm và thân thể bị xâm hại, bị bạo hành dù là bởi những người có quyền uy hay những người trong gia đình mình.

Trong các buổi ngoại khóa, sau khi học sinh có những hiểu biết nhất định như trên, giáo viên hay cán bộ Đoàn, Đội phụ trách chương trình với những câu hỏi đặt ra với học sinh như: “Trong số chúng ta, bạn nào có nguy cơ bị bạo hành?”, “Có bạn nào đã và đang bị bạo hành không?”, thì sẽ nắm bắt được những thông tin cần thiết về tình trạng cuộc sống học sinh.

Nếu học sinh nào có nguy cơ bị bạo hành, đã bị bạo hành hay đang trong tình trạng bị bạo hành, chắc chắn các em sẽ nói ra và Nhà trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và gia đình để giải quyết, tránh cho các em bị bạo hành hoặc tiếp tục bị bạo hành.

Nhà trường cần xây dựng văn hóa nhà trường với tầm nhìn, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi mới, “tiến bộ” hơn, trong đó đặc biệt là định hướng xây dựng những giá trị nhân văn sâu sắc như yêu thương, tôn trọng sự khác biệt và sáng tạo.

Nhiều trường tiểu học, trung học công lập hiện nay đang chạy theo thành tích nên chủ yếu chú trọng đến hoạt động dạy và học với đích đến là điểm số của học sinh.

Điều này đã gây quá nhiều áp lực đối với cả giáo viên, học sinh, phụ huynh.

Rất nhiều phụ huynh quá kỳ vọng vào con, từ đó nảy sinh sự không hài lòng về con, sự cáu gắt, nóng giận đối với con khi con chưa dành thời gian học tập hoặc có kết quả làm bài tập, làm bài thi không tốt.

Trong nhiều trường, giáo viên quản lý và giáo viên giảng dạy chỉ tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, quy chế, quy tắc, quy định mà không quan tâm đến việc hình thành một bầu không khí văn hóa, một không gian làm việc, sinh hoạt bình đẳng, dân chủ và hòa đồng, thân thiện, bao dung, nhân ái giữa người quản lý và nhân viên, giữa người dạy và người học...

Chính vì vậy, từ hiệu trưởng, hiệu phó đến giáo viên chưa có thời gian, chưa có nhiều cơ hội ứng xử nhân văn với nhau, nhà trường chưa hình thành thói quen, truyền thống mang tính tiến bộ, đổi mới.

Vì vậy, học sinh chưa được tiếp nhận nhiều hơn những giá trị sống như yêu thương, tôn trọng sự khác biệt và sáng tạo bên ngoài những giá trị về tri thức và phát triển tư duy và nhân cách nói chung. Các em ngại nói, bày tỏ ý kiến, suy nghĩ hay chia sẻ về cảm xúc, hoàn cảnh gia đình mình.

Bạo hành đối với trẻ em có nguyên nhân từ nhiều phía. Không thể quy kết trách nhiệm cho nhà trường trong các vụ trẻ em đang độ tuổi đi học bị bạo hành bởi những người gia đình. Nhưng nhà trường có vai trò không nhỏ trong việc góp phần ngăn chặn bạo hành xảy ra đối với học sinh tại gia đình.

Vấn đề đặt ra là liệu các nhà trường ngoài việc thực hiện mục tiêu giáo dục, có chủ trương xây dựng một môi trường giáo dục theo hướng nhân bản, khai phóng hay không?

Trần Nguyên Hào