Nhiều chính sách thu hút nhưng địa phương không tuyển được GV: Có phải do lương?

05/09/2022 06:48
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều chính sách thu hút đội ngũ giáo viên đã được ban hành, tuy nhiên quá trình thực hiện các chính sách này tại địa phương còn chưa thực sự hiệu quả.

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, nhiều chính sách thu hút đội ngũ giáo viên đã được ban hành, tuy nhiên thực tế thực hiện tại địa phương còn chưa thực sự hiệu quả, có nhiều vướng mắc liên quan.

Nhiều chính sách thu hút tuy nhiên hiệu quả chưa cao

Thiếu giáo viên đang là bài toán khó của ngành giáo dục trước thềm năm học mới 2022-2023. Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở những môn học mới như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật,... đội ngũ giáo viên đang rất thiếu, vì vậy có môn chưa thể triển khai dạy, có môn địa phương phải sắp xếp trường, lớp, nhân lực tương đối khó khăn.

Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng, thu hút nguồn nhân lực cho ngành giáo dục: chính sách cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được đào tạo diện chế độ cử tuyển theo Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 của Chính phủ nhằm xây dựng đội ngũ có địa chỉ là người tại địa phương, góp phần ổn định đội ngũ giáo viên lâu dài; chính sách đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ (hỗ trợ chi phí sinh hoạt và tiền học phí); Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ với nhiều chính sách đãi ngộ tốt,...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện những chính sách này tại các địa phương chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, việc thực hiện các chính sách thu hút nhân lực trên chưa được triển khai đồng loạt trên 63 tỉnh, thành cả nước, đồng thời hiệu quả thực hiện cũng không giống nhau. Thậm chí nhiều địa phương không thể triển khai được do một số vướng mắc giữa những điều khoản của Nghị định và nguồn lực tại địa phương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cho biết: “Hiện nay tỉnh Kon Tum không triển khai thực hiện Nghị định 140 về triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trên địa bàn”.

Được biết, Kon Tum với đặc thù là tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vì vậy điều kiện về nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế khi cạnh tranh với các địa phương khác. Do đó, khi đối sánh với những điều kiện về chính sách thu hút nhân tài theo Nghị định 140, địa phương rất khó để tìm ra được ứng viên phù hợp.

Trước thềm năm học mới cận kề, nhiều địa phương vẫn đang loay hoay giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Trước thềm năm học mới cận kề, nhiều địa phương vẫn đang loay hoay giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Không gặp vướng mắc về các quy định tại Nghị định 140, tuy nhiên tỉnh Ninh Thuận vẫn khó để triển khai Nghị định 140 do… không có đủ chỉ tiêu biên chế để tiếp nhận. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, một vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận cho hay:

“Thu hút thì phải có chỉ tiêu biên chế, chỉ tiêu không có thì không thể thu hút!".

Cũng theo vị lãnh đạo này, “năm nay, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận phải tiến hành thu hồi 24 biên chế. Mới đây địa phương có quyết định được bổ sung 40 chỉ tiêu biên chế, khối trung học phổ thông trực thuộc Sở được bổ sung 8 biên chế. Tuy nhiên trên thực tế đến nay chúng tôi vẫn chưa được giao cụ thể”.

Lo lắng về việc thu hồi kinh phí khi “sinh viên học rồi bỏ giữa chừng”

Đây là năm thứ 2 thực hiện Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, đến nay, có địa phương vẫn chưa thể triển khai do còn nhiều vướng mắc liên quan đến Nghị định chưa được làm rõ.

Cụ thể, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh - ông Phạm Ngọc Hải cho biết:

“Năm ngoái tỉnh cũng có triển khai Nghị định 116 tuy nhiên mới chỉ nằm trên văn bản. Năm nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến các địa phương để thực hiện, tuy nhiên liên quan đến việc thực hiện Nghị định vẫn còn nhiều điểm chưa rõ nên địa phương vẫn khá e dè”.

Ông Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Báo Tây Ninh

Ông Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Báo Tây Ninh

Ông Hải chia sẻ một số băn khoăn của địa phương:

“Thứ nhất, hiện nay đặt hàng đào tạo thì vẫn phải tuyển dụng bình thường theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ/CP, mà tuyển dụng lại liên quan đến chỉ tiêu biên chế. Trong trường hợp thí sinh tham gia tuyển dụng nhưng thi trượt thì phải làm sao? Trong khi địa phương đã phải bỏ ra một nguồn kinh phí rất lớn để đào tạo. Chưa kể đến việc không có chỉ tiêu biên chế để tiếp nhận.

Thứ hai, trường hợp đang học mà bỏ học thì có cơ chế bồi hoàn không?

Hay trường hợp sinh viên hưởng ngân sách do tỉnh mình bỏ ra nhưng sau khi học xong, lại đi làm ở tỉnh khác thì chế độ bồi hoàn ra sao? Những vướng mắc này đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể”.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh, đây cũng là những thắc mắc chung của nhiều tỉnh khác trong quá trình thực hiện Nghị định 116.

Hiện nay, Tây Ninh cũng là một trong những địa phương đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực giáo viên dù năm học mới đã đến thật gần. Cụ thể, ngành giáo dục Tây Ninh còn thiếu hơn 1000 giáo viên.

Lý giải điều này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi về trình độ chuẩn đào tạo tại Luật Giáo dục năm 2019 nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tuyển dụng.

Theo quy định mới, tiêu chuẩn tuyển viên chức mầm non phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, viên chức tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa thực sự đảm bảo đời sống của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non”.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo trước thềm năm học mới, ông Hải cho biết Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông về công tác ở những địa bàn đặc thù của tỉnh.

Ngoài ra, sẽ tiến hành hợp đồng giáo viên, thỉnh giảng,... Thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học…

“Trước mắt, trong năm học này, ngành giáo dục sẽ điều tiết, bồi dưỡng giáo viên ở bộ môn thừa qua bộ môn thiếu, nếu làm được thì tỉnh vẫn sẽ đảm bảo thực hiện chương trình mới”, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh chia sẻ giải pháp “chữa cháy” của ngành giáo dục địa phương trước thực trạng thiếu giáo viên.

Doãn Nhàn