Nhiều lùm xùm, Bộ Giáo dục nên tổ chức hội nghị tổng kết về cuộc thi KHKT

14/02/2023 06:43
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Quyền lợi từ cuộc thi khoa học kĩ thuật đã vô tình đẩy nhiều thí sinh, thầy cô lao vào cuộc đua thành tích bất chấp các quy định.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông tỉnh Quảng Nam năm học 2022-2023 đã thu hút khoảng gần 140 em học sinh đến từ 44 trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú trực tiếp tham gia.

Đề cao mức độ tham gia của học sinh đối với đề tài nghiên cứu khoa học

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam (đồng thời là Trưởng ban Giám khảo cuộc thi) cho biết:

“Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã thực hiện và triển khai theo đúng quy chế hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học phổ thông.

Nhằm đảm bảo khách quan, công bằng và nâng cao chất lượng chấm chọn các sản phẩm dự thi, đồng thời tư vấn hỗ trợ học sinh kĩ năng nghiên cứu, báo cáo kết quả khoa học, Sở Giáo dục đã mời các giảng viên là chuyên gia của các lĩnh vực khoa học đến từ Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Quảng Nam làm đội ngũ ban giám khảo chấm thi”.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông tỉnh Quảng Nam năm học 2022-2023. Ảnh: Trường trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông tỉnh Quảng Nam năm học 2022-2023. Ảnh: Trường trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông

Theo ông Nam, trên cơ sở chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các tiêu chí chấm theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đặc biệt chú trọng tới việc đánh giá mức độ tham gia và hiểu biết của học sinh đối với các đề tài nghiên cứu khoa học; chứ không dựa vào yếu tố quy mô hoành tráng hay các yếu tố khác như quy mô về mặt khoa học, tốn kém mà sự tham gia của học sinh là không đáng kể thì Sở cũng không đánh giá cao.

“Đội ngũ ban giám khảo là các giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học giỏi. Với kinh nghiệm và các nghiệp vụ chuyên môn, họ sẽ là người đánh giá khách quan và chính sách sự tham gia của học sinh đối với các đề tài nghiên cứu khoa học dự thi”, ông Nam nói.

Năm nay, cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông tại Quảng Nam đã có 76 sản phẩm, dự án được tham dự. Trong đó có 74 dự án được chọn trưng bày gồm: 24 dự án thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Hành vi; 24 dự án thuộc lĩnh vực Tin học; 12 dự án thuộc lĩnh vực Vật lý; 05 dự án thuộc lĩnh vực Hoá học, Hoá sinh; 09 dự án thuộc lĩnh vực Sinh học; 01 dự án thuộc lĩnh vực Địa lý.

Đánh giá về chất lượng các sản phẩm, dự án khoa học kĩ thuật năm nay, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, năm nay, kế hoạch tổ chức cuộc thi khoa học kĩ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn hành có sự chậm trễ hơn so với các năm học khác. Do vậy, ban tổ chức đánh giá các sản phẩm dự thi ít hơn các năm học trước.

“Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm khá đa dạng về đề tài, bao quát được các lĩnh vực; có những sản phẩm thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội hành vi có ý nghĩa thiết thực, giàu tính nhân văn; các sản phẩm thuộc lĩnh vực Vật lí, Sinh học, Tin học có tính ứng dụng cao đối với đời sống xã hội”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, hiện nay, triển khai giáo dục STEM và các cuộc thi về nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ bắt buộc của mỗi nhà trường. Đây là những nội dung quan trọng được Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao nên các đơn vị nhà trường đều ý thức sâu sắc và có sự hưởng ứng cao.

Cuộc thi khoa học kĩ thuật cũng là cơ hội để học sinh được trải nghiệm nghiên cứu, tìm tòi và thực hành những kiến thức đã học ở lớp, do vậy đa số các em đều hào hứng và nhiệt tình tham gia.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận một số khó khăn khi triển khai cuộc thi như:

“Cuộc thi khoa học kĩ thuật có phần đặc thù và khác biệt hơn so với các cuộc thi khác, do vậy đến nay cũng chưa có quy chế chặt chẽ như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do vậy, để đảm bảo tính công bằng và khách quan trong cuộc thi khó hơn rất nhiều so với các cuộc thi khác.

Nghiên cứu khoa học cũng không có giới hạn nào cả, từ đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng, hợp tác với tác trường đại học,...Do vậy nên đôi khi sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho nhà trường và thầy cô giáo”.

Làm sao loại bỏ được bệnh thành tích trong cuộc thi nghiên cứu khoa học?

Ông Nguyễn Hoàng Nam (bên phải) – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam và Ông Nguyễn Hồng Hải (bên trái) – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho các dự án đạt giải Nhất cuộc thi khoa học kĩ thuật tỉnh Quảng Nam (năm học 2022-2023). Ảnh: Trường trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông

Ông Nguyễn Hoàng Nam (bên phải) – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam và Ông Nguyễn Hồng Hải (bên trái) – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho các dự án đạt giải Nhất cuộc thi khoa học kĩ thuật tỉnh Quảng Nam (năm học 2022-2023). Ảnh: Trường trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông

Thời gian gần đây, có không ít những dư luận trái chiều về việc một số dự án đoạt giải nhất kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học bị cho là vượt quá tầm của học sinh phổ thông, thậm chí mang tầm luận án thạc sĩ, tiến sĩ,... Hay cuộc thi là của học sinh, tuy nhiên lại có sự can thiệp quá sâu của các thầy cô giáo hướng dẫn,…

Ông Nguyễn Hoàng Nam đánh giá: “Nhìn lại bức tranh toàn cảnh, quả thực vì bệnh thành tích nên rất dễ nảy sinh những tình trạng trên. Tuy nhiên, theo tôi còn tùy vào đơn vị tổ chức cuộc thi nữa. Bên cạnh thành tích, chúng ta cần ưu tiên hơn chính là đối tượng học sinh, quan trọng nhất chính là qua cuộc thi học sinh được gì? Từ đó, nhà trường có những triển khai và truyền thông thích hợp, giúp khơi dậy đam mê khoa học cho học sinh”.

Để cuộc thi khoa học kĩ thuật thực sự là “sân chơi” của học sinh chứ không phải là “sàn đấu” của các nhà trường, giáo viên, các bậc phụ huynh… ông Nam kiến nghị nên có hội nghị lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá về cuộc thi khoa học kĩ thuật, trong đó có bàn đến câu chuyện bệnh thành tích từ cuộc thi này.

Theo ông, các giải thưởng, danh hiệu từ cuộc thi có tác dụng khuyến khích, động viên học sinh nghiên cứu khoa học, đây là một điều tốt. Tuy nhiên, có lẽ nên bàn thêm về các quyền lợi đạt được từ cuộc thi này.

“Khi đạt các giải lớn về nghiên cứu khoa học, các em sẽ có nhiều ưu tiên mang tính quyết định quan trọng như cơ hội được tuyển thẳng vào các trường đại học. Điều này sẽ có tác dụng khuyến khích thêm nhiều học sinh tham gia, nhưng lại vô tình đẩy nhiều thí sinh, thầy cô lao vào cuộc đua thành tích, để xảy ra những “lùm xùm” không hay như dư luận đã bàn tán thời gian qua”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam nói.

Ông Nam nhấn mạnh, ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh chính là tạo cơ hội, sân chơi cho các em thử sức, trải nghiệm, từ đó giúp khơi dậy niềm niềm đam mê và định hướng khoa học phù hợp cho học sinh.

Bắc Sơn