Nhiều thầy cô đang thờ ơ với quyền lợi của chính mình

25/06/2020 09:32
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy cô nên chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trong việc tham gia xây dựng, góp ý về các dự thảo Thông tư mà Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến...

Giáo dục hiện có khá nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang từng bước xây dựng những dự thảo thông tư sửa đổi và lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến / giaoduc.net.vn

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến / giaoduc.net.vn

Đây chính là cơ hội để các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục góp ý những bất cập, những tồn tại mà hằng ngày mình đang đối mặt với mong muốn ngành giáo dục sẽ ngày một hoàn thiện hơn.

Thế nhưng quan sát thực tế từ chính những bạn bè, đồng nghiệp người viết nhận thấy chẳng mấy thầy cô giáo mặn mà với việc góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách, với tâm lý ai sao mình vậy, với ý nghĩ góp ý cũng chẳng thay đổi được gì…

Vì sao nhiều nhà giáo thờ ơ với việc góp ý cho các dự thảo thông tư dù đó là những văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhà giáo?

Lấy ý kiến theo ngành dọc hiệu quả hạn chế

Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng dự thảo thông tư sửa đổi trước đó cả tháng trời thì nhiều trường học mới bắt đầu nhận được công văn yêu cầu góp ý thông tư của phòng giáo dục gửi về trường.

Nhà trường nhận công văn góp ý dự thảo từ phòng rồi chuyển về tổ chuyên môn và yêu cầu giáo viên góp ý vài ngày phải nộp ý kiến.

Có khi nhận được vào đầu tuần mà cuối tuần mới có thời gian họp tổ. Thế là trường hối tổ, tổ hối giáo viên dẫn đến chẳng thầy cô giáo nào còn thời gian để đọc, để nghiên cứu.

Giải pháp được đưa ra, người lên Google tra cứu, kiếm tìm những bản góp ý của những đồng nghiệp nơi khác. Người gọi điện hỏi xin đồng nghiệp trường khác cứu trợ. Người lại tặc lưỡi ghi câu “kinh điển”: Thống nhất/nhất trí với dự thảo của thông tư…cho xong.

Những lời góp ý của nhà giáo (thay vì thiết thực nhất) lại chẳng có ý kiến gì đáng để lưu ý.

Đầu tiên giáo viên góp ý nộp ý kiến cho tổ chuyên môn. Tổ lại nộp về trường, ý kiến nào trùng với Ban giám hiệu sẽ được tập hợp chuyển về phòng giáo dục, ý kiến trái chiều đôi khi bị nằm lại trên giấy.

Phòng giáo dục lại tổng hợp ý kiến của tất cả các trường trong huyện / thị xã, rồi gửi ra sở giáo dục.

Tại phòng, người ta cũng chỉ chọn lấy ý kiến nào mà xem là được để chuyển đi, vẫn sẽ có không ít ý kiến tiếp tục nằm lại đấy.

Với kiểu quy định góp ý qua lớp lang theo ngành dọc, lời góp ý được gọt rũa, chỉnh sửa hay bỏ đi trước khi đến được bàn làm việc của người có trách nhiệm sửa đổi dễ gây cảm giác chán nản trong giới giáo chức.

Nhiều thầy cô đã từng góp ý thẳng thắn, cụ thể, xác đáng, nhưng hầu như không được tiếp thu.

Bởi lẽ các ý kiến thẳng thắn mà không đúng ý các đồng chí tổng hợp, lãnh đạo ngành các cấp thường khó đến được ban soạn thảo.

Ngại góp ý trên chính cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (moet.gov.vn)

Trên chính cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức hộp thư góp ý. Thế nhưng theo dõi các dự thảo Thông tư đang lấy ý kiến góp ý chúng tôi không tìm thấy các thông tin góp ý cũng như cơ chế tương tác, tranh luận.

Qua tìm hiểu, nhiều giáo viên nói không hề biết có địa chỉ này, phần nữa muốn gửi ý kiến góp ý giáo viên phải để lại thông tin cá nhân như địa chỉ e mail, số điện thoại, họ và tên…nên tâm lý nhiều thầy cô cũng có phần e ngại.

Ảnh chụp màn hình phần góp ý cho dự thảo thông tư trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh chụp màn hình phần góp ý cho dự thảo thông tư trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có người nói vui, góp ý có điều gì sơ xuất, chẳng phải Bộ điện về Sở, về Phòng thì “tung tích ba đời” còn lộ huống gì là mình.

Vì cổng thông tin của Bộ không đăng tải công khai các ý kiến góp ý, cũng không có thông tin nào về số lượng các ý kiến góp ý của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về các dự thảo Bộ đang xin ý kiến dư luận, nên việc góp ý dự thảo (nếu có) mới đang dừng ở một chiều, thiếu tính tranh luận và tương tác đa chiều để làm sáng rõ các vấn đề giáo giới quan tâm.

Ngược lại, cũng chính những góp ý của giáo viên về dự thảo thông tư qua những bài viết được đăng trên Giáo dục Việt Nam (www.giaoduc.net.vn) lại nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và tương tác rất lớn từ bạn đọc.

Có những bài viết nhận được hàng triệu lượt người tham gia với hàng trăm bình luận, góp ý của đội ngũ nhà giáo khắp mọi miền đất nước.

Có thể thấy, Giáo dục Việt Nam đang là diễn đàn được nhiều thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục tham gia, theo dõi, chia sẻ và nói lên tiếng nói của mình.

Vì thế, các nhà giáo cũng nên chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm, tốt nhất là phân tích sâu sắc, lập luận rõ ràng, dẫn chứng đầy đủ và gửi về Tòa soạn (theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn).

Những bài viết góp ý có lập luận thuyết phục, căn cứ rõ ràng, xác đáng sẽ được chọn đăng (và được Tòa soạn thanh toán nhuận bút qua tài khoản ATM).

Hoặc các thầy cô, đồng nghiệp có thể nêu ý kiến vào phần bình luận gửi ý kiến góp ý của mình. Tất cả những ý kiến góp ý mang tính xây dựng sẽ được tòa soạn đăng tải hoặc giải đáp bằng những bài viết liên quan.

Đỗ Quyên