Từ khi bùng phát, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo. Do đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các trường học luôn là nhiệm vụ được các bộ, ban, ngành chỉ đạo, nhằm tạo môi trường học đường an toàn, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, đặc biệt là trong bối cảnh năm học mới đã đến rất gần.
Không bị động trước mọi tình huống dịch bệnh phát sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Đăng An, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 2 Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện tại, nhà trường thông báo cách thức phòng, chống các loại dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19 đến toàn thể giáo viên, học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh đăng ký và thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 tại địa phương trước thềm năm học mới.
“Công tác phòng, chống dịch, tiêm vaccine phòng COVID-19 được ngành giáo dục tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng và có hướng dẫn triển khai cụ thể đến các trường.
Ngành giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thống kê số lượng, lập danh và chủ động liên hệ với ngành y tế địa phương để lên lịch, tổ chức tiêm, đảm bảo an toàn, hoàn thành đúng tiến độ chiến dịch đề ra.
Trường quán triệt toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện đúng, tuân thủ nghiêm biện pháp phòng dịch như: trong quá trình học phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và tiêm vaccine nếu đủ điều kiện về thời gian, sức khỏe theo khuyến cáo của ngành y tế”, thầy Trần Đăng An chia sẻ.
Cũng theo thầy Hiệu trưởng, để không bị động trước mọi tình huống dịch phát sinh, trường bố trí 1 phòng cách ly, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc để sơ cứu kịp thời.
Thầy Trần Đăng An cho biết thêm, năm học 2022-2023, trường thiếu 5 giáo viên ở các môn Ngữ Văn, Tiếng Anh, Thể dục, Sinh học.
“Đối với lớp 10, trường có 5 lớp ứng với 220 học sinh. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trường có 2 học sinh đăng ký học môn Mỹ thuật. Do không có giáo viên và số lượng học sinh đăng ký ít nên trường sẽ vận động 2 học sinh tham gia Câu lạc bộ hội họa của trường.
Câu lạc bộ hội họa được thành lập vào năm trước, có 1 giáo viên đứng lớp và 27 thành viên là học sinh các khối lớp của trường. Câu lạc bộ nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng hội họa cho học sinh nên 2 học sinh khối 10 đăng ký học Mỹ thuật hoàn toàn có thể tham gia”, thầy Trần Đăng An cho hay.
Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cái khó của trường là điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.
Ngoài ra, học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, có em hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bỏ học. Do đó, ngoài làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, thầy cô phải thường xuyên phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương đến nhà để vận động học sinh đi học, cũng như hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nỗ lực để học sinh vùng núi hoàn thành các mũi tiêm phòng COVID-19
Cùng trao đổi về vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Quảng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 2 huyện Bát Xát (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cho biết, năm học mới, trường có 670 học sinh, 39 giáo viên, thiếu 1 vị trí nhân viên văn thư.
Buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường Trung học phổ thông số 2 huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: website nhà trường. |
“Theo hướng dẫn của tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, hội đồng chuyên môn nhà trường tổ chức cho tất cả cán bộ giáo viên cùng nghiên cứu và chọn các loại sách phù hợp với đối tượng học sinh của trường. Hầu hết học sinh khối 10 đều đăng ký mua sách giáo khoa qua nhà trường.
Năm nay, trường có 70 học sinh khối 10 được hưởng chế độ nhận sách theo mô hình "tỉnh cho mượn". Sau khi sử dụng xong, học sinh sẽ để lại số sách này cho nhà trường để học sinh khóa sau tiếp tục học”, thầy Nguyễn Văn Quảng chia sẻ.
Cũng theo thông tin từ thầy Hiệu trưởng, so với những năm trước, năm nay, số lượng học sinh bỏ học đầu năm ít hơn. Chỉ có một số ít học sinh bận ngày mùa, đi làm thêm nên tập trung muộn.
“Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, ngay trong hè, học sinh đã được thầy cô nhắc nhở, đôn đốc tiêm tại địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện học sinh vùng núi, khó tiếp cận nhanh với vaccine nên nhiều em chưa tiêm đủ các mũi 2, 3.
Theo kế hoạch, đến đầu năm học, khi học sinh tập trung đầy đủ, trường tiến hành khai báo, lập danh sách học sinh chưa tiêm để phối hợp với trạm y tế tiêm cho các em, đảm bảo 100% học sinh hoàn thành các mũi tiêm”, thầy Nguyễn Văn Quảng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 2 huyện Bát Xát chia sẻ thêm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Hiện tại, đối với học sinh từ 12-18 tuổi sẽ tiêm mũi 3. Từ 5-12 tuổi tiêm mũi 1 và mũi 2.
Song, học sinh trong độ tuổi từ 5-12 của tỉnh có độ phủ vaccine còn thấp. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, đẩy mạnh tiêm vaccine, Sở đã giao cho các cơ sở y tế phối hợp với ngành giáo dục địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền để học sinh trong độ tuổi 5-12 được tiêm đầy đủ”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, Sở quán triệt các trường khi xây dựng kế hoạch năm học mới thì cần phải chú trọng đến công tác phòng, chống các dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm A, COVID-19. Cụ thể, các trường đẩy mạnh tổng vệ sinh khuôn viên, lớp học, vừa phòng dịch vừa tạo cảnh quan khang trang, sạch sẽ, an toàn.
“Hiện tại, các trường trên địa bàn toàn tỉnh đều có phòng y tế học đường nhưng số lượng nhân viên y tế không đủ, thậm chí có trường không có. Thành thử, các trường phải làm việc với trạm y tế của xã, phường để hỗ trợ công tác y tế trong trường học, nhất là phòng, chống dịch, các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết.
Công tác tiêm chủng vaccine cho học sinh được Sở xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện theo quá trình và chỉ đạo các trường ưu tiên hoàn thành trong tháng 9/2022”, Thạc sĩ Mai Huy Phương nói.
Như vậy, song hành cùng việc dạy và học, công tác phòng, chống dịch đang được các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai. Tuy nhiên, mỗi địa phương, nhà trường phải chủ động xây dựng kịch bản riêng, các phương án xử lý cụ thể nếu có trường hợp mắc COVID-19. Có thể đề xuất huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cùng chung sức tham gia phòng dịch, nhất là các trường ở vùng cao, biên giới.
Đặc biệt, ngoài việc quan tâm, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, các trường cần tích cực tuyên truyền để tiếp tục nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tạo sự yên tâm cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh, chung tay xây dựng môi trường “học đường an toàn không COVID”.