Ngày 25/5, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát đi thông cáo báo chí phản đối bài viết “Nhà xuất bản Giáo dục lãi kỷ lục” của tác giả Phương Đông, đăng trên báo điện tử VnExpress, cho rằng bài viết này đăng tải đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu và quyền lợi hợp pháp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Trước thông tin từ bài báo cho rằng: “Đơn vị này cũng là nhà xuất bản lớn nhất cả nước với gần 40 công ty thành viên và có vốn góp. Nhiều thập kỷ qua, họ độc quyền xuất bản sách giáo khoa cho học sinh. Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định họ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền để đăng ký giá sách giáo khoa cao bất hợp lý”.

Thông cáo nêu rõ: Là một Doanh nghiệp Nhà nước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không hề độc quyền, mà chỉ là một trong số những nhà xuất bản tham gia xuất bản sách giáo khoa - bao gồm cả những đơn vị tư nhân - một cách bình đẳng.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, trong hai năm 2023 - 2024, bằng uy tín, kinh nghiệm và bề dày thương hiệu của một doanh nghiệp Nhà nước, thông qua qua việc tối ưu hóa, tiết giảm chi phí, 2 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn được giáo viên, học sinh cả nước sử dụng nhiều nhất do giá cả thấp nhất và chất lượng tốt nhất. Với nhiều sản phẩm sách giáo dục (trong đó có một phần là sách giáo khoa) và các hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng khác, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tự hào là một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2024, bảo toàn và phát triển tốt nguồn vốn Nhà nước giao, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong việc phục vụ sự nghiệp giáo dục.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khác với đơn vị tư nhân tham gia xuất bản sách giáo khoa, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được nộp cho Ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2024, nỗ lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm giá đáng kể 2 bộ sách giáo khoa đã được các cơ quan thẩm quyền ghi nhận, đánh giá cao vì đã góp phần vào việc ổn định chỉ số CPI.
Vì vậy, bài báo đưa ý kiến của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2022 trong thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 là không phù hợp.
Trên cơ sở đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam làm rõ những điểm trong bài viết của VnExpress như sau:
1. Không có sự độc quyền sách giáo khoa từ phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam:
Kể từ năm 2017, chính sách của Nhà nước đã mở cửa cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia vào lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa. Đến nay, đã có 7 nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa và trên thực tế, nhiều nhà xuất bản và doanh nghiệp đã và đang xuất bản sách giáo khoa phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều này cho thấy rõ thị trường sách giáo khoa đã có sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, không còn tình trạng độc quyền như bài báo đã cố tình. Việc khẳng định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền xuất bản sách giáo khoa là hoàn toàn sai sự thật, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh thị trường sách giáo khoa hiện nay.
2. Giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn hợp lý và tuân thủ quy định:
Thực tế trong hai năm 2023 - 2024 vừa qua, giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn có mức giá thấp nhất so với các bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác lưu hành trên thị trường. Đến năm 2025, giá sách giáo khoa đã được quy định chặt chẽ theo giá trần do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định về giá, đảm bảo quyền lợi cho học sinh và phụ huynh trên cả nước. Việc đưa nhận định giá sách giáo khoa giai đoạn trước 2022 để mập mờ với giá sách hiện tại là hoàn toàn khập khiễng và không phản ánh đúng thực tế.
3. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động bình đẳng, không có lợi thế độc quyền :
Thông tin ám chỉ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có “lợi thế độc quyền” trong hoạt động sản xuất kinh doanh là hoàn toàn không có căn cứ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, hoạt động dựa trên nguyên tắc thị trường, phải tự chủ về tài chính.
Để xuất bản sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải vay vốn từ ngân hàng để đảm bảo nguồn lực tài chính, đáp ứng tiến độ và chất lượng yêu cầu. Việc này chứng minh rằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không hề được hưởng bất kỳ đặc quyền hay ưu đãi nào từ Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, luôn phải thực hiện nghiêm túc các quy định trong pháp luật về mua sắm, đấu thầu - vốn có những quy định đang được xác định là “điểm nghẽn” của thể chế cần được sửa đổi - dẫn đến những hạn chế, thiếu bình đẳng so với đơn vị tư nhân tham gia xuất bản sách giáo khoa.
4. Kết luận của Thanh tra Chính phủ không liên quan đến kết quả kinh doanh năm 2024:
Kết luận của Thanh tra Chính phủ là về những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ở các năm trước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nghiêm túc tiếp thu, khắc phục những tồn tại đó. Lợi nhuận của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong năm 2024 là kết quả của các hoạt động kinh doanh trong năm đó, không liên quan đến các vấn đề đã được Thanh tra Chính phủ kết luận trong quá khứ.
5. Lợi nhuận của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đến từ nhiều nguồn đa dạng:
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là một doanh nghiệp lớn với quy mô hoạt động đa dạng, với lợi nhuận đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm:
- Lợi nhuận từ xuất bản sách bài tập, sách tham khảo: Đây là một mảng xuất bản đã đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
- Lợi nhuận từ các hoạt động liên kết xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện nhiều dự án liên kết xuất bản với các đối tác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Lợi nhuận từ khai thác cơ sở vật chất: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi được khai thác hiệu quả, tạo ra nguồn thu đáng kể.
- Lợi nhuận từ kết quả đầu tư tài chính: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn góp tại nhiều công ty thành viên và có cổ tức từ các khoản đầu tư này cũng là một phần quan trọng trong tổng lợi nhuận.
"Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hoạt động minh bạch, tuân thủ pháp luật và nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục của đất nước. Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho các cơ quan báo chí để đảm bảo tính khách quan và trung thực trong thông tin”, thông cáo nêu rõ.