Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ với nhà giáo, thay thế Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT.

Trong đó, đáng chú ý, Dự thảo đề xuất bỏ quy định về điều kiện chi trả chế độ dạy thêm giờ cho nhà giáo, thay vào đó chỉ quy định tổng số giờ dạy tối đa trong một năm học mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả thêm giờ. Đồng thời, bổ sung thêm quy định tổng số giờ dạy thêm giờ trong một năm học của tất cả nhà giáo không được cao hơn tổng số giờ dạy thêm giờ tối đa trong một năm học của cơ sở giáo dục.

Gỡ bỏ điều kiện thanh toán dạy thêm giờ giúp ghi nhận đúng công sức giáo viên

Việc dạy vượt giờ đối với giáo viên không còn là vấn đề cá biệt, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục thiếu biên chế, trường vùng sâu vùng xa. Thế nhưng, không phải giáo viên nào dạy thêm giờ cũng được thanh toán tương xứng. Quy định cứng nhắc tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC từng khiến nhiều thầy cô lâm vào cảnh "làm mà không được trả".

Trước thực tế đó, Dự thảo Thông tư mới quy định về chế độ trả lương dạy thêm giờ cho nhà giáo nếu được ban hành sẽ tháo gỡ một loạt vướng mắc về cơ chế, mở rộng đối tượng được chi trả và phân rõ trách nhiệm chi trả tiền làm thêm.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Hữu Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Dự thảo lần này là một tín hiệu tích cực, phản ánh đúng thực tiễn hoạt động dạy học. Hiện trường đang thiếu giáo viên nên nhiều thầy cô phải dạy vượt giờ. Nhưng vì quy định cũ yêu cầu phải thiếu giáo viên theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền thì mới được trả lương thêm giờ, nên rất nhiều giáo viên dù dạy thừa tiết vẫn không được thanh toán".

Thầy Phong cho biết, dù trường đã đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, do đặc thù dạy học theo môn nên giáo viên năng khiếu không thể hỗ trợ môn văn hóa và ngược lại. Tình trạng "thừa - thiếu" giờ dạy giữa các môn khiến việc bố trí nhân lực gặp khó, trong khi giáo viên vẫn phải gánh thêm giờ dạy mà không được chi trả.

“Việc bỏ điều kiện cứng về thiếu biên chế được phê duyệt giúp nhà trường linh hoạt hơn trong phân công, thầy cô cũng yên tâm cống hiến vì công sức được ghi nhận bằng chế độ cụ thể”, thầy Phong khẳng định.

Theo khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07 xác định nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ nêu rõ: Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Trên thực tế, số lượng nhà giáo được cấp có thẩm quyền phê duyệt hầu như đều thấp hơn số lượng nhà giáo theo định mức quy định của Bộ - mức quy định của Bộ là mức bảo đảm triển khai chương trình giáo dục trên cơ sở đủ chế độ làm việc của nhà giáo.

Đồng thời, với đặc thù giảng dạy theo môn học, nên có tình trạng thừa -thiếu cục bộ theo môn học trong cùng một cơ sở giáo dục. Dù số giáo viên/lớp đủ theo định mức, nhưng khi tính theo môn học thì xảy ra tình trạng có môn giáo viên phải dạy thêm giờ, có môn giáo viên dạy chưa đủ định mức quy định.

Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), thầy A Kim - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng đồng tình: “Thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở bậc trung học cơ sở, rồi lại thiếu giáo viên văn hóa ở bậc tiểu học nên thầy cô phải dạy kiêm nhiệm, thừa tiết là chuyện thường xuyên".

1000008639.jpg
Thầy A Kim (áo sơ mi sọc) - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ngọc Linh. Ảnh: Website

Thực tế ở trường cho thấy, dù đôi khi biên chế được giao là “đủ”, nhưng thực tế công việc lại thiếu người đảm nhận. Nhiều vị trí như văn thư, thiết bị, tư vấn tâm lý, thư viện… không có người phụ trách, buộc giáo viên phải kiêm nhiệm thêm. Dù giáo viên đã đảm bảo định mức tiết dạy theo quy định, nhưng do gánh thêm công việc hành chính không tên, thời gian làm việc thực tế kéo dài hơn rất nhiều.

Thầy Kim bộc bạch thêm: “Cái khó là ở chỗ, nếu chỉ nhìn vào số lượng biên chế thì có thể nghĩ là đủ. Nhưng thực tế thì thiếu người làm việc, thiếu nhân viên hành chính, dẫn tới việc giáo viên phải kiêm thêm rất nhiều đầu việc. Như vậy, dù không dạy thừa tiết, giáo viên vẫn đang làm việc vượt quá thời gian quy định rồi. Do đó, tôi rất đồng tình với quy định mới là bỏ điều kiện chi trả theo biên chế thiếu, miễn là giáo viên có dạy thêm giờ, có làm thêm thì phải được thanh toán.

Công việc nào đã phát sinh và được giao thêm thì người làm cần được ghi nhận. Không thể vì trường đủ biên chế trên giấy tờ mà phủ nhận công sức thực tế của giáo viên đang gánh phần việc của nhiều người khác. Đó là điều rất nên được cân nhắc để đưa vào hướng dẫn cụ thể trong thông tư mới”.

Giới hạn 150 giờ dạy thêm mỗi năm, cần linh hoạt với thực tế thiếu giáo viên

Thay vì đưa ra điều kiện chi trả tiền dạy thừa giờ, Dự thảo Thông tư mới quy định tổng số giờ dạy tối đa trong một năm học mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả thêm giờ. Đồng thời, bổ sung thêm quy định tổng số giờ dạy thêm giờ trong một năm học của tất cả nhà giáo không được cao hơn tổng số giờ dạy thêm giờ tối đa trong một năm học của cơ sở giáo dục.

Theo đó, số giờ dạy thêm tối đa trong một năm học của mỗi nhà giáo được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư này được xác định như sau: Đối với giáo viên mầm non không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động; Đối với nhà giáo khác không quá 150 giờ dạy.

Về đề xuất này, thầy A Kim đánh giá quy định mới cho phép thanh toán tối đa 150 giờ dạy thêm mỗi năm là hợp lý để bảo vệ sức khỏe giáo viên. Tuy nhiên, với các trường thiếu người trầm trọng thì rất có thể vượt quá giới hạn này.

“Dự thảo cũng có đề cập, trường hợp môn học không thể bố trí đủ người giảng dạy, nhà giáo phải dạy vượt quá số giờ tối đa được thanh toán, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền để thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo đó.

Khi đó hiệu trưởng được phép báo cáo lên cấp trên để xin chi trả vượt, điều này là vô cùng cần thiết và kịp thời, nhất là trong bối cảnh giáo viên vùng khó đang đảm đương rất nhiều nhiệm vụ”, thầy Kim nhấn mạnh.

Cô Lê Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư M'lan (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cũng nhận định, thực tế hiện nay, dù theo quy định giáo viên chủ nhiệm được giảm 4 tiết/tuần, tổ trưởng được giảm 3 tiết, tổ phó 1 tiết… nhưng do thiếu người, giáo viên vẫn phải dạy đủ 23 tiết/tuần. Tình trạng này khiến giáo viên luôn ở trạng thái thừa giờ nhưng lại không được thanh toán đầy đủ do vướng điều kiện cũ ở Thông tư liên tịch số 07. Do đó, khi ban hành Dự thảo Thông tư mới sẽ giúp gỡ khó rất nhiều cho các cơ sở giáo dục.

1000008637.jpg
Cô Lê Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư M'lan. Ảnh: Website

Tuy nhiên, một vấn đề khác khiến nữ hiệu trưởng băn khoăn là về kinh phí chi trả tiền lương dạy thêm giờ.

“Giáo viên Tiếng Anh tại trường tôi đang phải dạy 25 tiết/tuần thay vì 23 tiết, cuối năm thừa khoảng 70 tiết. Với quy định mới, thầy cô dạy vượt giờ sẽ được thanh toán tối đa 150 giờ/năm học. Tuy nhiên ở vùng khó khăn, thiếu giáo viên nhiều thì khả năng vượt 150 giờ là dễ xảy ra”, cô Thuỷ nhận định.

Theo nữ hiệu trưởng, đây là điểm tích cực trong Dự thảo Thông tư, giúp giảm tải và đảm bảo sức khoẻ cho giáo viên, nhưng nếu chỉ giới hạn tối đa mà không có cơ chế hỗ trợ thêm về tài chính thì nhà trường vẫn khó xoay xở.

“Nguồn kinh phí trả lương thêm giờ hiện chủ yếu lấy từ chi thường xuyên, mà nếu giáo viên có hệ số lương cao thì số tiền trả rất lớn. Nhà trường không có nguồn ngân sách riêng cho phần này, nên dù muốn cũng khó đáp ứng đầy đủ.

Quy định 150 giờ là hợp lý, nhưng cần có hướng dẫn linh hoạt cho các trường công lập ở vùng khó khăn, thiếu người làm. Ngoài ra, giáo viên còn gánh nhiều đầu việc hành chính,... những việc này cũng tốn thời gian và nên được tính đến khi xây dựng chế độ chi trả", cô Thuỷ bộc bạch.

Cô Lê Thị Thuỷ cũng kiến nghị, để việc chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên thực sự đi vào thực tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và cơ quan tài chính địa phương: “Chế độ có rồi, nhưng nếu chỉ trông vào nguồn chi thường xuyên của trường thì khó đáp ứng, nhất là với các thầy cô có hệ số lương cao.

Trường không có cơ sở để xin thêm kinh phí nếu không có hướng dẫn hoặc cơ chế cụ thể từ cấp trên. Tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có sự phối hợp thống nhất và có cơ chế làm sao để trường có nguồn thực chi trả, tránh tình trạng có quy định mà không thực hiện được. Trường rất mong được Sở Tài chính hỗ trợ nguồn kinh phí này phần nào".

Ngọc Huyền