Ở Nậm Khún xa xôi ngành GD đã có nhiều đổi thay nhờ thầy cô kiên trì bám lớp

02/01/2023 06:40
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nậm Khún trước kia đường đi vào chỉ toàn vắt rừng, giờ có thêm hi vọng cho sự phát triển của GD, tất cả là nhờ sự kiên trì bám trường, bám lớp của thầy cô. 

Những ngày cuối năm, trong cái lạnh của gió mùa Đông Bắc tăng cường, cây đào trước điểm trường ở Nậm Khún (xã biên giới Mường Lèo, Sốp Cộp, Sơn La) đã nở những nhành hoa đầu tiên, báo hiệu mùa xuân và hi vọng mới ở mảnh đất này.

Bản Nậm Khún gần như biệt lập với những bản khác ở xã Mường Lèo, nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao. Từ Mường Lèo để vào được Nậm Khún, phải vượt qua quãng đường hơn 60km đường đèo dốc, núi cao. Phải đi qua điểm bản Huổi Luông, rồi mới đến được Nậm Khún xa xôi.

Tuyến đường vào bản quanh co, ngoằn ngoèo: đoạn thì vắt ngang lưng chừng núi, nhiều đoạn dốc cao như lên cổng trời, rồi lại có đoạn đường như đổ xuống thung sâu, khiến việc đi lại rất khó khăn và luôn tiềm ẩn những nguy hiểm.

Đoạn đường từng là ám ảnh của các thầy cô giáo vùng Mường Lèo khi đến với Nậm Khún. Ảnh: NVCC

Đoạn đường từng là ám ảnh của các thầy cô giáo vùng Mường Lèo khi đến với Nậm Khún. Ảnh: NVCC

Cả bản Nậm Khún có 23 hộ, 113 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông. Trước năm 2015, ở đây tình hình an ninh trật tự khá phức tạp.

Dù dân cư ít, ở Nậm Khún vẫn có cụm điểm trường bằng nhà lắp ghép dựng lên giữa lưng chừng núi. Từ điểm trường ấy có thể nhìn bao quát cả bản Nậm Khún.

Điểm trường mầm non ở Nậm Khún nằm lưng chừng đồi. Ảnh: NVCC

Điểm trường mầm non ở Nậm Khún nằm lưng chừng đồi. Ảnh: NVCC

Trước đây, để vào được Nậm Khún các thầy cô giáo phải vượt qua những con đường theo vệt trâu đi, những đoạn đường không có một bóng người, chỉ có vắt rừng.

Vì thế mà đã rất nhiều thầy cô giáo ở Mường Lèo từ giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non, đến cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo đã gặp tai nạn giữa núi non lúc trên đường đến với Nậm Khún.

Thầy giáo tiểu học Lèo Văn Thoại, người xung phong đầu tiên vào Nậm Khún cho biết: "Ngày trước phải đi men theo suối để vào dựng trường. Từ Huổi Luông vào đến Nậm Khún, vắt bám lên đến tận đầu. Con nào con đó đều hút căng máu. Nghĩ lại vẫn cứ rùng mình.

Khi vào đến nơi, do bất đồng ngôn ngữ nên, việc vận động học sinh đi học gặp không ít khó khăn".

Đường lên điểm trường Nậm Khún (xã Mường Lèo, Sốp Cộp, Sơn La). Ảnh: LC

Đường lên điểm trường Nậm Khún (xã Mường Lèo, Sốp Cộp, Sơn La). Ảnh: LC

Lúc đó, để tới được Nậm Khún dạy học, thầy giáo không được mang thức ăn bên ngoài vào vì người dân lo rằng, mang đồ bên ngoài sẽ đưa... dịch bệnh vào bản. Nhưng khổ nỗi, dân ở đây lại không bán thức ăn cho thầy giáo… khiến các thầy khó khăn vô cùng trong sinh hoạt.

Sau thầy Lèo Văn Thoại, thầy Mùa A Thái (dân tộc Mông) còn quyết định mang cả vợ con vào Nậm Khún, dựng nhà tạm, xin con giống của người dân, trồng rau để gây dựng cuộc sống mới, đồng thời vận động người dân cho con đi học.

Căn nhà của thầy Thái nằm ngay dưới chân ngọn đồi có điểm trường Nậm Khún. Cũng từ đó, việc vận động học sinh ra lớp có nhiều tiến triển.

Đến ngày nay, Nậm Khún vẫn chưa có sóng điện thoại di động, nhưng hi vọng mới được mở ra khi đã có điện và cũng chỉ đôi tháng nay, con đường vào Nậm Khún dẫu còn gồ ghề sỏi đá, trơn trượt nhưng đã được các cấp chính quyền mở rộng ra.

Nhờ vậy, đường vào trường cũng bớt phần gian khó, hiểm nguy, mở rộng tương lai với sự học ở Nậm Khún.

Nhờ làm tốt công tác dân vận nên hiện tại, học sinh tiểu học ở Nậm Khún đã được chuyển ra điểm trường trung tâm ở xã Mường Lèo học tập để hưởng chế độ bán trú.

Tại Nậm Khún hôm nay, vẫn còn một điểm trường bản của Trường Mầm non Biên Cương.

Phụ trách điểm trường ở Nậm Khún (thuộc Trường Mầm non Biên Cương) năm học này là cô giáo Lò Thị Tấm.

Trong sương lạnh, rét buốt của miền biên cương cuối năm, những giờ học vẫn được tổ chức đều đặn, tiếng hát của học trò mầm non vang lên bài "Cháu yêu chú bộ đội" giữa núi rừng.

Trong giá lạnh của những ngày gió mùa đông bắc tràn về, lớp học của cô giáo Lò Thị Tấm vẫn rộn lên tiếng hát, tiếng cười. Ảnh: LC

Trong giá lạnh của những ngày gió mùa đông bắc tràn về, lớp học của cô giáo Lò Thị Tấm vẫn rộn lên tiếng hát, tiếng cười. Ảnh: LC

Kiên trì ngồi đợi hết giờ học, chúng tôi mới có cơ hội tâm sự với cô giáo Lò Thị Tấm (sinh năm 1991, người dân tộc Thái). Cô Tấm bảo, ở điểm Nậm Khún này những thầy cô giáo đi trước mới thực sự vất vả, còn cô đang ngày ngày kế thừa lại những nỗ lực của các thầy cô giáo trước đây đã tiên phong mở trường.

Cũng nhờ nỗ lực của những người đi trước nên học sinh mầm non ở Nậm Khún có được nền nếp học tập tốt. Dẫu còn khó khăn nhưng phụ huynh học sinh cũng đã giúp đỡ cô giáo rất nhiều trong việc nuôi dạy trẻ.

Lớp mầm non của cô giáo Tấm có cả nhóm tuổi nhà trẻ và nhóm tuổi mầm non, việc thiết kế giáo án theo độ tuổi cho phù hợp cũng vất vả hơn nhiều.

Tuy nhiên, cô Tấm nói rằng mọi khó khăn có thể khắc phục được, các thầy cô giáo ở đây đều đã quen với khó khăn và tìm cách khắc phục phù hợp. Cô Tấm kể, từ nhỏ, cô luôn ước mơ được làm cô giáo mầm non nên giờ đây, cô rất kiên trì để gắn bó với nghề.

Lớp học mầm non của cô giáo Lò Thị Tấm. Ảnh: LC

Lớp học mầm non của cô giáo Lò Thị Tấm. Ảnh: LC

Vào nghề được 3 năm, cô Tấm bảo, so với tuổi nghề mình còn trẻ, còn phải học hỏi nhiều từ các giáo viên đi trước.

Thông qua các đồng nghiệp của cô, chúng tôi được biết cô Tấm có hoàn cảnh rất vất vả khi cha mẹ mất sớm, nhà có 3 chị em phải tự nuôi nhau. Nhưng cô Tấm luôn khắc phục khó khăn, kiên trì với nghề giáo viên mầm non.

Đến lúc lập gia đình, chồng cô Tấm cũng có hoàn cảnh vất vả: cha mẹ cũng mất sớm, là anh cả trong gia đình có đến 9 người con. Cuộc sống phụ thuộc vào làm nương và đi làm thuê.

Cũng qua đồng nghiệp, chúng tôi mới được biết tin nhà cô Tấm vừa bị cháy, tài sản mất hết. Tất cả phải làm lại từ đầu.

Nhưng không vì thế mà cô Tấm tuyệt vọng, cô Tấm vẫn cố gắng, kiên trì dạy học, gieo hi vọng mới cho lớp học trò ở Nậm Khún.

Cô giáo Lường Thị Kiên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Biên Cương (xã Mường Lèo) cho biết: “Với những điểm trường khó khăn, các cô giáo đều chia sẻ, luân phiên nhau phụ trách qua từng năm học.

Ở Trường Mầm non Biên Cương, ngoại trừ điểm trường nằm ở trung tâm xã Mường Lèo, còn có đến 9 điểm bản, trường trước đây có 2 giáo viên nam, nhưng cũng vì điều kiện nên các thầy đã chuyển đi trường khác. Các cô giáo mầm non tiếp tục kiên trì vượt khó, bám lớp.

Nhiều lúc cũng thương các chị em, có cô đi lớp bị ngã, dù đau nhưng phải cố tìm cách để báo về Ban giám hiệu tình trạng tai nạn của mình. Những lúc như vậy, chúng tôi vừa lo cho các cô lại vừa lo tìm cách liên lạc với trưởng bản để thông báo tình hình điểm trường, nhờ bà con trong vùng giúp đỡ các cô và học trò".

Trần Phương