Đó là một phần của bản hợp đồng lao động “oái ăm” được ký kết giữa cô Bùi Thị Hà My (giáo viên dạy Văn) và Trường trung học cơ sở Chu Văn An (thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An, trụ sở tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình).
Muốn nghỉ việc phải báo trước 5 năm
Theo phản ánh của cô Hà My, mặc dù đã có đơn xin nghỉ việc gửi ban giám hiệu nhà trường từ nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa được giải quyết các quyền lợi liên quan.
Nhiều giáo viên trong hệ thống giáo dục Chu Văn An phải ký một bản hợp đồng lao động "oái ăm" và bị giữ bằng cấp. Ảnh: NP |
Trong đó, có việc nhà trường không trả lại bằng Đại học (bản gốc) đã thu giữ trước đó.
Sự việc xuất phát từ bản hợp đồng lao động mà cô Hà My và nhà trường đã ký kết từ năm 2017.
Cụ thể, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Huế, chuyên ngành Ngữ văn, cô Hà My về giảng dạy tại Trường trung học cơ sở Chu Văn An (Đồng Hới, Quảng Bình) từ tháng 3/2017.
Trước khi vào làm, cô My được nhà trường hướng dẫn ký một bản hợp đồng lao động (hợp đồng không xác định thời hạn).
Cô giáo trường Hoàng Hoa Thám rơi nước mắt kể bị lãnh đạo o ép, phải nghỉ dạy |
Trong các điều khoản của hợp đồng có nội dung “giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 60 tháng (5 năm)”.
Nếu không báo trước 5 năm thì giáo viên phải bồi thường cho nhà trường khoản tiền bằng 12 tháng lương cao nhất, hoàn trả lại toàn bộ số tiền bảo hiểm mà nhà trường đã đóng mới được nghỉ. Nhà trường cũng giữ văn bằng gốc (bằng Đại học) của giáo viên để “giữ chân”.
“Ban đầu, nếu giáo viên không nộp bằng thì trường không công nhận, không cho vào dạy”, cô My nói. Sau đó, trường cũng yêu cầu cô My nộp bằng Thạc sĩ nhưng cô chưa nộp.
“Dạy học hơn một năm thì thấy môi trường không phù hợp nên tháng 3/2018, em viết đơn thông báo là cuối năm học này (31/5/2018) sẽ nghỉ việc.
Hết học kỳ vừa rồi, em hoàn thành tất cả nhiệm vụ của nhà trường đặt ra. Nhưng khi em xin nghỉ và đặt vấn đề lấy lại bằng cấp thì họ không trả mà nói cứ theo hợp đồng mà làm.
Có nhiều giáo viên cũng xin như em nhưng họ không cho. Em nhiều lần lên làm việc nhưng họ yêu cầu đền tiền, hai là tiếp tục làm cho trường cho đến lúc tuyển được giáo viên”.
Theo tính toán sơ bộ thì với mức lương cao nhất là 4 triệu đồng/tháng, cô My phải “bồi hoàn” hơn 48 triệu đồng, cộng với tiền bảo hiểm cũng thêm 13-14 triệu đồng mới được cho “rút” bằng ra.
Ngoài ra, nhà trường còn yêu cầu cô My phải ở lại trường và đào tạo cho người kế nhiệm.
“Lúc đó, nhà trường sẽ giải quyết cho em nhưng không nói giải quyết cụ như thế nào”, cô My bức xúc.
Theo tìm hiểu thì ngoài trường hợp của cô My, nhiều giáo viên khác của trường này cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Nhiều giáo viên muốn nghỉ việc và lấy lại bằng cấp nhưng bị nhà trường yêu cầu phải thực hiện theo các điều khoản của hợp đồng lao động “oái ăm” đã ký.
Lập đoàn kiểm tra, xác minh vụ việc
Chiều ngày 17/6, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thành Đồng – Phó Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, đã cho thành lập đoàn kiểm tra, xác minh vụ việc xảy ra tại hệ thống giáo dục Chu Văn An.
Một giáo viên ở Krông Pắk bị cắt lương, không cho lên lớp mà không có lý do |
Theo ông Đồng thì do đang trong giai đoạn nghỉ hè, hiện lãnh đạo nhà trường đều đi vắng nên hẹn lại cuối tuần sau mới làm việc.
Chia sẻ về câu chuyện giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 5 năm và bị giữ văn bằng gốc để “giữ chân”, ông Đồng cho hay.
Hiện không có văn bản nào quy định nhà trường được giữ hay không được giữ văn bằng gốc cả. Cái đó là thỏa thuận giữa hai bên, người lao động và người sử dụng lao động.
“Bây giờ, chúng tôi chưa thể khẳng định vấn đề nào đúng, sai trong trường hợp này mà cần phải kiểm tra, xem lại bản hợp đồng”.
Ông Đồng nói thêm, nếu có thì cái sai ở đây là quy định “xin nghỉ việc phải báo trước 5 năm”.
Bởi căn cứ theo Luật Lao động thì bản hợp đồng đó (hợp đồng giữa cô My và nhà trường) sẽ vô hiệu lực.