LTS: Trước hai trạng thái, hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau của một bên là những nhà giáo tận tụy, hết lòng vì học sinh; còn một bên là lại một số vị hiệu trưởng đang làm hoen ố bức tranh của ngành giáo dục, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong số hơn 1 triệu giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục hiện nay thì có lẽ không có giáo viên ở nơi đâu khổ và chịu nhiều hy sinh như những thầy cô cắm bản ở những khu vực rừng núi hiu hắt ở các tỉnh phía Bắc.
Có lẽ, tình yêu nghề, bản năng của người thầy cùng với những đôi mắt trong veo, chân thực của những học sinh miền núi đã khiến cho nhiều thầy cô ở lại công tác.
Sống ở thời đại bây giờ mà nhiều thầy cô vẫn một mình cắm bản và ở trong những căn nhà vách đất, lợp lá, không có điện, không có sóng điện thoại mới thấy sự hy sinh của hàng ngàn thầy cô giáo vĩ đại làm sao.
Những khó khăn, vất vả của người giáo viên cắm bản (Ảnh minh họa: baonghean.vn). |
Ở chiều ngược lại, có một số hiệu trưởng ở những vùng có điều kiện lại đang làm hoen ố bức tranh của ngành giáo dục.
Họ tìm mọi cách để thu tiền học sinh, thậm chí còn ăn chặn tiền hỗ trợ của nhà nước dành cho học sinh những vùng khó khăn cho thấy sự nhẫn tâm vô cùng.
Trong những năm qua, dù Đảng - Nhà nước và ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng để quan tâm nhưng vẫn chưa đến được những trường học ở vùng xa xôi nhất.
Nơi mà đường xá đi lại khó khăn, núi đá cheo leo, hiểm trở, dân cư sống thưa thớt trên những chỏm núi cao hay lác đác ở những đại ngàn xa xôi nên phương tiện đi lại duy nhất là những đôi bàn chân của con người.
Vì thế, trường lớp, nhà ở của giáo viên vẫn là những căn nhà tranh tre tạm bợ, việc xây dựng những ngôi trường khang trang là chưa thể thực hiện được.
Những trường học có nhiều điểm phụ, mỗi điểm phụ cách trường chính hàng chục cây số phải đi bộ trên con đường đường độc đạo thì chỉ 1-2 giáo viên đảm nhận mỗi điểm trường mới thấy nỗi vất vả của giáo viên vùng cao nhiều hơn.
Đầu năm học, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã thấy có nhiều bài viết, nhiều phóng sự phản ánh về những tấm gương hy sinh, tận tụy của bao thầy cô đang trên đường đến trường hay đang trực tiếp căng mình dọn dẹp trường lớp trong mưa lũ.
Nhiều thầy cô phải ở trong những căn phòng tạm bợ mới thấy sự cảm phục về nghị lực của những thầy cô ở vùng khó khăn.
Tuổi xuân của bao thầy cô cứ lững thững trôi dần theo từng lớp học trò lớn lên. Có người phải để lại con thơ cho cha mẹ chăm sóc ở quê nhà, có những thầy cô không thể bên cạnh người thân của mình những lúc ốm đau, vui buồn trong cuộc sống.
Những thầy cô cứ âm thầm gieo chữ hết năm này đến năm khác để làm trọn thiên chức của ngươi thầy, còn đối với gia đình thì đôi lúc nước mắt phải chảy ngược vào trong.
Nỗi cô đơn, hiu quạnh càng nhiều hơn mỗi khi những học trò tan học ra về, chỉ còn lại một mình với núi rừng mênh mông, những tiếng chim kêu, thú gọi trong những đêm rừng vắng lặng đến gai người, thầy cô giáo chỉ biết chùm chăn để quên đi nỗi sợ hãi.
Và, từng đêm lại trở nên dài hơn, khắc khoải hơn khi chẳng có một phương tiện nào để giải trí, chẳng có ai để tâm sự, bầu bạn cho khuây khỏa, cũng chẳng có sóng điện thoại để có thể gọi về nhà nghe tiếng thỏ thẻ của những đứa con thơ dại đang cần bàn tay chăm sóc của cha mẹ.
Cảm phục, trân trọng và biết ơn vô cùng những thầy cô giáo đang ngày đêm bám lớp ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất của đất nước.
Ta lại cảm thấy sự căm phẫn đến tột cùng những hiệu trưởng, những giáo viên ở những vùng có điều kiện đang làm vẩn đục môi trường giáo dục.
Nhiều hiệu trưởng bất chấp tất cả để vơ vét, kiếm chác những đồng tiền mồ hôi, công sức của phụ huynh học sinh.
Họ nghĩ, sáng tác ra nhiều khoản tiền trường, họ sáng tạo ra nhiều từ, nhiều thuật ngữ làm xấu xí cho sự trong sáng của tiếng Việt.
Báo Công lý đưa tin: “phụ huynh học sinh có con em đang học tại Trường trung học cơ sở Thành Mỹ (xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), từ năm 2013 đến nay, nhà trường thu tiền xây dựng cơ sở vật chất theo kiểu “cắt xén” tiền hỗ trợ cho học sinh bán trú thuộc xã đặc biệt khó khăn.
Đến năm học 2017-2018 vừa qua, Trường trung học cơ sở Thành Mỹ tiếp tục “xin” các học sinh được hưởng trợ cấp của nhà nước theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP với số tiền 1 triệu đồng/học sinh.
Thêm vào đó, nhân danh việc “xã hội hóa giáo dục”, nhà trường còn tiếp tục thu thêm tiền xây dựng trường của học sinh với số tiền 350.000 đồng/học sinh và một số khoản vô lý khác.
Điều đáng nói, ngoài khoản thu từ việc trích lại khoảng 25% của học sinh được hưởng trợ cấp của nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thì trong nhiều năm liền (từ năm 2013 đến năm 2018), nhà trường còn thu thêm hơn 450 triệu đồng từ phụ huynh học sinh cũng để phục vụ xây dựng cơ sở vật chất”.
Những sai phạm rành rành như vậy, nhưng khi phụ huynh lên tiếng, báo chí vào cuộc thì ông Hiệu trưởng Đinh Văn Cấn lại lấp liếm bằng những lập luận cũ xì để bao biện cho những sai trái mà ông đã áp dụng trong nhiều năm học qua:
“Những khoản thu trên đã được bàn bạc với phụ huynh và được phụ huynh học sinh thống nhất. Các khoản thu theo thỏa thuận đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu chứ nhà trường không thu”.
Rõ ràng những lập luận của ông hiệu trưởng không thuyết phục được mọi người nhưng cái khôn của ông và cả những hiệu trưởng khác đang áp dụng hiện nay là luôn “chuyền banh” sang trách nhiệm của Hội cha mẹ học sinh bởi họ đã “bàn bạc” và nhận được sự “thống nhất” từ phụ huynh học sinh của nhà trường.
Hiệu trưởng nào để xảy ra lạm thu cứ cho vào “lò”, hết tiêu cực ngay |
Không chỉ có trường Thành Mỹ mà phụ huynh của một số trường ở Lai Châu, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng… cũng đang kêu trời vì những khoản thu vô lý ở những ngày đầu năm học.
Sự chịu đựng quá mức đã khiến cho phụ huynh bất bình lên tiếng cho thấy một khoảng tối, những góc khuất mà một số hiệu trưởng nhà trường đang đưa ra những khoản thu vô lý.
Dù các cấp, các cơ quan chủ quản ban hành nhiều văn bản đầu năm để chống lạm thu nhưng hình như nó vẫn “chưa đủ liều” đối với một số lãnh đạo nhà trường.
Hai trạng thái, hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau. Một bên là những thầy cô vùng cao đang cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho ngành giáo dục trong một điều kiện giảng dạy, điều kiện sống vô cùng khó khăn, khắc nghiệt nhưng vẫn phát huy được vai trò, phẩm chất của người thầy.
Họ đang là những lá cờ đầu trên những địa bàn khó khăn để gieo mầm những con chữ cho học sinh vùng cao.
Phẩm chất, lý trí và lương tâm của các thầy cô nơi đây luôn sáng ngời cho dù ngoại cảnh không phải ai cũng có thể vượt qua được.
Vậy mà, một số cán bộ quản lý các nhà trường ở vùng có điều kiện được nhà nước quan tâm, đầu tư nhiều hơn, môi trường sống đủ đầy hơn, tình cảm gia đình không thiếu thốn mà lương tâm, đạo đức của người thầy lại mai một, hao khuyết vì những cám dỗ và sự hấp dẫn của những đồng tiền.
Một số giáo viên của các trường học lại tìm cách để o ép học sinh học thêm, một số người thầy lại có những hành vi thiếu đứng đắn trước các em học trò nữ dẫn đến sự bất bình cho phụ huynh và xã hội.
Ngành giáo dục luôn cần và phải tạo ra những người thầy chân chính, liêm khiết để phát huy và duy trì sự trong sáng đối với ngành.
Vì thế, sự động viên, có những cơ chế đãi ngộ nhiều hơn nữa cho giáo viên vùng cao là sự cần thiết để xứng đáng với những hy sinh của họ.
Song, cần cương quyết đào thải những người được gọi là thầy, là cô mà không làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình trước học trò, phụ huynh và sự kì vọng của xã hội.
Tài liệu tham khảo:
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/su-co-don-lanh-nguoi-cua-co-giao-cam-ban-giua-dai-ngan-20180902164328791.htm
https://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/thanh-hoa-truong-thcs-thanh-my-cat-xen-tien-tro-cap-ban-tru-cua-hoc-sinh-ngheo-suot-nhieu-nam-266592.html