Quảng Ninh: Thực trạng công tác GDNN vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo

08/12/2022 07:31
Phạm Linh
GDVN- Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 1.850 người, trong đó có 420 người dân tộc thiểu số.

Tại Quảng Ninh, công tác giáo dục nghề nghiệp được xác định là một trong các nhiệm vụ, giải pháp được ưu tiên thực hiện hàng đầu theo tinh thần Nghị quyết 06 để phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 1.850 người (trong đó có 420 người dân tộc thiểu số), tạo việc làm tăng thêm ước cả năm 2022 đạt 13.200 lao động, bằng 100% kế hoạch năm, đảm bảo cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại thành phố Hạ Long, để công tác dạy nghề phù hợp thực tiễn, thành phố đã thực hiện tốt công tác tư vấn, khảo sát để dự báo nhu cầu lao động, việc làm trên địa bàn; nhu cầu học nghề của lao động. Trung bình mỗi năm, thành phố có trên 3.000 hộ gia đình được khảo sát tư vấn trực tiếp.

Qua đó, từ năm 2012 - tháng 6/2022, đã có 4.566 lao động nông thôn đăng ký học 34 ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu là: Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng và chăm sóc các loài hoa; trồng và chăm sóc cây ăn quả; kỹ thuật trồng rau, trồng nấm; kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, cho lợn; nghiệp vụ bàn-bar-buồng; kỹ thuật chế biến món ăn; thêu thổ cẩm truyền thống,...

Thành phố Hạ Long tổ chức dạy nghề chế biến món ăn (Ảnh: CTV)

Thành phố Hạ Long tổ chức dạy nghề chế biến món ăn (Ảnh: CTV)

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của thành phố đã đáp ứng tốt việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Từ đó, góp phần cải thiện đời sống khu vực nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và sản lượng.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với phương châm phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ thương mại.

Nhờ đó, đến nay sản xuất nông sản hàng hóa của Hạ Long ngày càng phát triển, hình thành nhiều vùng nông sản có thương hiệu, như: Ổi Hoành Bồ, hoa Hoành Bồ, mía tím Sơn Dương...

Đối với sản phẩm ổi Hoành Bồ từ chỗ chỉ có khoảng 2ha được trồng đầu tiên tại xã Dân Chủ với mùa vụ chủ yếu tập trung vào tháng 6, tháng 7.

Đến nay sau khi được tập huấn kỹ thuật cắt tỉa cành và chăm sóc mới, ổi cho quả quanh năm, đồng thời mô hình trồng ổi cũng được nhân rộng với trên 120ha, đem lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân.

Nhiều hộ nông dân đã có những hướng phát triển mới phù hợp với xu thế phát triển mang lại giá trị kinh tế như mô hình phát triển vườn, ao, chuồng gắn với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái đã thu hút nhiều du khách tới sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc ít người, thành phố Hạ Long còn quan tâm đến việc dạy nghề thêu may trang phục truyền thống của bà con.

Nổi bật trong đó có câu lạc bộ thêu may trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long.

Đến nay, câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động động và đặt ra mục tiêu phấn đấu tất cả công dân nữ đồng bào dân tộc Dao Thanh Y của xã khi lớn lên đều có thể biết may trang phục truyền thống cho mình.

Câu lạc bộ thêu may trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long (Ảnh: CTV)

Câu lạc bộ thêu may trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long (Ảnh: CTV)

Trong thời gian tới, với xu thế hội nhập phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn tay nghề cao ngày càng gia tăng.

Bởi vậy, thành phố Hạ Long tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, trong đó quan tâm đào tạo nghề phi nông nghiệp để lao động nông thôn có đủ trình độ, năng lực vào làm việc tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.

Ghi nhận thêm tại huyện Ba chẽ, nhằm nâng cao công tác giáo dục nghề nghiệp, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nâng mức sống của đồng bào, chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, huyện xác định những nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và người công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Phạm Linh