Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực từ khóa tuyển sinh năm 2021.
Theo đó, sinh viên học ngành sư phạm nếu cam kết làm trong ngành giáo dục sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ học phí, đồng thời được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ được tính theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Sau một thời gian thực hiện, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì quá trình triển khai nghị định cũng bộc lộ một số bất cập. Do đó, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.
Chậm sửa đổi nên gây ra một số bất cập, vướng mắc cho các đơn vị khi thực hiện
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, không thể phủ nhận rằng, việc triển khai Nghị định số 116 đã mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực khi góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng tuyển sinh đối với ngành sư phạm. Khi Nghị định 116 có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đào tạo lĩnh vực sư phạm có thêm điều kiện để thu hút nhiều thí sinh giỏi, hiệu ứng của xã hội dành cho ngành sư phạm cũng dần được nâng lên.
Mặt khác, khi các trường được giao chỉ tiêu từ tỉnh/thành phố thì nhiệm vụ đào tạo của từng đơn vị sẽ được căn cứ, xác định dựa trên nhu cầu thực tế ở từng địa phương. Do đó hiệu quả đào tạo sẽ bám sát với nhu cầu thực tế.
Hàng năm, Trường Đại học Hùng Vương được tỉnh Phú Thọ đặt hàng hơn 200 chỉ tiêu. Đơn vị đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ trong việc rà soát và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên, thậm chí thống kê số lượng giáo viên hiện còn thiếu để đề xuất, xác định chỉ tiêu đào tạo (hoặc đặt hàng đào tạo) sinh viên sư phạm cho phù hợp.
Tuy nhiên, thầy Thanh cũng cho biết, đơn vị còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 116 nên hiệu quả đạt được chưa được như kỳ vọng đề ra. Theo thống kê, hiện trường đang có 124 sinh viên sư phạm tuyển sinh từ năm 2021, 2022 (được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu) chưa được hưởng các chính sách theo Nghị định 116 do không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ đặt hàng của tỉnh Phú Thọ.
Thời gian vừa qua, đơn vị đã thực hiện báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để được cấp bổ sung nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn.

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo một cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên tại miền Bắc cũng đánh giá cao về những kết quả mà Nghị định 116 mang lại. Vị này cho hay, Nghị định 116 đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, trong đó có công tác đào tạo giáo viên.
Với chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đã giúp cho các ngành học sư phạm thu hút được nhiều học sinh giỏi cấp phổ thông đăng ký dự tuyển và theo học. Điều này đồng nghĩa chất lượng đầu vào đối với lĩnh vực sư phạm sẽ tăng lên, giúp hình thành đội ngũ giáo viên kế cận có chất lượng cao. Qua đó tác động trở lại đến chất lượng giáo dục phổ thông nói riêng và toàn ngành giáo dục đào tạo nói chung, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó cũng tạo cơ hội cho con em các gia đình khó khăn theo đuổi ước mơ học đại học. Đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.
Tuy nhiên, vị này cũng chỉ ra rằng các nội dung được quy định tại Nghị định 116 còn khá chung chung và chưa rõ ràng, không được sửa đổi kịp thời nên đã gây ra một số bất cập, vướng mắc cho các đơn vị khi thực hiện.
Điển hình như khó khăn, vướng mắc về nguồn kinh phí thực hiện và dự toán đối với việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng đặt hàng hoặc đấu thầu). Trên thực tế, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội rất khó khăn khi các cơ quan tài chính không xác định được nguồn kinh phí chi và cơ sở để lập dự toán. Cho đến thời điểm hiện tại còn khá nhiều đơn vị chưa chi trả được cho đối tượng này.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố cả nước thiếu hàng trăm ngàn giáo viên các cấp, thế nhưng đa số các địa phương đều cho rằng không có nhu cầu đặt hàng nên tỉ lệ đặt hàng mới không cao. Sự mâu thuẫn này đã cho thấy mức độ chuẩn xác ở công tác dự báo, hoặc ở các địa phương còn gặp vấn đề về ngân sách, kinh phí trong việc triển khai, thực hiện”, vị này nêu quan điểm.
Nhiệm vụ thu hồi chi phí bồi hoàn cần có sự giám sát của địa phương
Theo quy định hiện hành của Nghị định số 116, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo, theo dõi, đôn đốc và thu hồi chi phí bồi hoàn (khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt) nếu sinh viên không tốt nghiệp hoặc không công tác trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp.
Theo quan điểm của vị lãnh đạo, nếu chỉ tiêu đặt hàng sinh viên sư phạm đã được giao cho địa phương quyết định dựa trên nhu cầu thực tế thì việc thu hồi chi phí bồi hoàn cũng nên giao lại cho địa phương phụ trách. Tuy nhiên, để công tác này thực hiện có hiệu quả và không có phát sinh những vướng mắc khác, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ.
Bởi trên thực tế, sinh viên nhận kinh phí từ cơ sở đào tạo, nhưng sau khi ra trường thì sẽ chịu sự quản lý của địa phương, được phân công công việc theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố. Do đó, nếu có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, địa phương và cơ sở đào tạo thì việc thực hiện Nghị định 116 mới đồng bộ và đạt hiệu quả.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, câu chuyện về việc thu hồi chi phí bồi hoàn đối với người học không đáp ứng yêu cầu đặt ra là một vấn đề nan giải, nếu không xử lý khéo léo sẽ kéo thêm nhiều bất cập và ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình thực hiện Nghị định 116.
Về nguyên tắc, sinh viên sau khi thành chương trình học thì cơ sở đào tạo phải hoàn thiện hồ sơ và trao bằng tốt nghiệp cho các em. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể lựa chọn nhiều công việc khác nhau ngoài ngành giáo dục, do đó việc xác định được sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ sau khi tốt nghiệp là điều rất khó khăn.
Chưa kể, nhiệm vụ thu hồi chi phí bồi hoàn với những trường hợp sinh viên tốt nghiệp nhưng không phục vụ trong ngành giáo dục hoặc phục vụ trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian quy định với các địa phương không phải chuyện dễ làm.
Theo quan điểm của Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), thực tế chỉ tiêu các cơ sở đào tạo được giao hàng năm đều được Uỷ ban nhân dân tỉnh rà soát, cân nhắc dựa trên nhu cầu ở địa phương trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, nếu cơ sở đào tạo không có kế hoạch, sự chuẩn bị đối với những sinh viên diện đặt hàng thì khi người học tốt nghiệp sẽ chủ động tìm kiếm những công việc khác. Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố dù có tiếp nhận các trường hợp đó nhưng không bố trí được việc làm tương xứng thì chắc chắn kết quả sẽ không đạt được như kỳ vọng. Ngược lại còn gây ra sự lãng phí.
Do đó, cần phải tăng cường sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị giao nhiệm vụ và cơ sở đào tạo, sao cho kết quả cuối cùng đạt được mục tiêu các đối tượng sinh viên sư phạm được đặt hàng đào tạo đều có công việc tương xứng.
“Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất giao chỉ tiêu và nghiệm thu kết quả tại các cơ sở đào tạo thì ngay sau khi người học tốt nghiệp, nhà trường nên phối hợp với Sở bàn giao danh sách và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh có kế hoạch tuyển dụng tương ứng.
Năm nay, Trường Đại học Hùng Vương sẽ có khoá sinh viên theo diện đặt hàng đào tạo đầu tiên tốt nghiệp. Hiện, nhà trường cũng đã báo cáo, trình bày với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ để Sở tham mưu lên Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch tuyển dụng sắp tới”, thầy Thanh thông tin.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh đề xuất cần có thêm các chính sách vay ưu đãi cho sinh viên sư phạm thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội. Trên thực tế, ngân hàng chính sách xã hội sẽ gắn với địa phương, do đó, việc triển khai sẽ không phải qua nhà nước cấp tiền nữa. Sau này với những trường hợp không thực hiện đúng như cam kết thì trách nhiệm thu hồi chi phí bồi hoàn do địa phương phụ trách sẽ hợp lý hơn.