Sau hội thảo giới thiệu sách giáo khoa, giáo viên đi dự phải cấp tập dạy bù

03/03/2024 06:36
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sau khi “hội thảo”, tất nhiên là giáo viên và học sinh lại phải “chạy” để bù khoảng thời gian đã mất khi thầy cô bỏ lớp đi nghe giới thiệu sách giáo khoa.

Kể từ khi thực hiện chương trình 2018, giáo viên ở các nhà trường đều được triệu tập tham gia Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa của các nhà xuất bản. Mặc dù tên gọi là “Hội thảo giới thiệu” nhưng thực tế tác giả của từng bộ sách chỉ “giới thiệu” sơ lược cấu trúc của bộ sách mà mình làm tổng chủ biên, chủ biên.

Bên cạnh đó, có những tác giả thông qua việc giới thiệu đã lồng ghép quảng bá bộ sách giáo khoa của mình, có những tác giả còn lộ liễu quảng bá sách giáo khoa của mình viết có những ưu điểm hơn “các bộ sách khác”…

Mục tiêu của việc giới thiệu là để giáo viên có được những thông tin cần thiết trước khi bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 theo hướng dẫn của Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT. Thế nhưng, với hình thức chủ yếu là giới thiệu trực tuyến một chiều nên suy cho cùng công việc này đã làm mất rất nhiều thời gian của giáo viên trên cả nước và có nhiều bất cập đi kèm.

GDVN-H.G.jpg
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: H.G

Giáo viên nghỉ dạy đi Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa

Với cách làm của các đơn vị có bộ sách giáo khoa kết hợp với sở giáo dục và đào tạo ở các địa phương, mỗi bộ sách sẽ giới thiệu 1 ngày (trừ sách tiếng Anh) nên mỗi môn học chỉ có thời lượng khoảng 30 phút. Môn này xong, lại nối tiếp môn khác. Giáo viên môn này ra, giáo viên môn khác vào nghe.

Người viết đã tham dự buổi hội thảo giới thiệu sách khoa vừa đây tại địa phương nơi công tác. Trong 3 buổi (mỗi môn 30 phút), chúng tôi tham gia Hội thảo giới thiệu sách đối với môn học của mình, bản thân người viết cảm nhận việc làm này phải gọi đúng tên là “giới thiệu sách” chứ không nên dùng từ “hội thảo”.

Bởi lẽ, “hội thảo” là một buổi gặp gỡ của một nhóm người cùng thảo luận chung vấn đề cùng nhau, thực hiện các cuộc đối thoại với nhau. Nhưng, ở đây chỉ có tác giả sách giáo khoa nói một chiều thì làm sao có thể gọi là “hội thảo” được?

Nội dung mà các tác giả sách giáo khoa báo cáo cho các địa phương chủ yếu là chiếu các file soạn sẵn tên các bài học, các chủ đề của sách giáo khoa và nói về tỉ lệ từng phần, từng chương.

Bên cạnh đó, một số tác giả cũng giới thiệu một số sách bổ trợ, sách giáo khoa, sách bài tập…nhằm hỗ trợ cho việc dạy và học. Tất nhiên, những sách này cũng là sản phẩm của các tác giả sách giáo khoa đang giới thiệu sách nên việc lồng ghép này đã có mục đích rất rõ ràng.

Để đến được buổi hội thảo sách giáo khoa, giáo viên phải mất đến 3 buổi tham dự, mỗi buổi 30 phút/môn học. Điều này có nghĩa, giáo viên không có tiết cũng phải đến trường tham dự; giáo viên có tiết thì được cấp trên chỉ đạo đổi tiết hoặc cho lớp tự quản để giáo viên tham dự “hội thảo”.

Nhưng, mỗi ngày giới thiệu 1 bộ sách, mỗi bộ sách có hàng chục môn học khác nhau nên có những lúc nhiều lớp học không có giáo viên vì việc đổi tiết thường rất khó khăn nên giáo viên đành phải bỏ lớp đi tham dự hội thảo giới thiệu sách giáo khoa.

Mỗi ngày, tương ứng với 1 bộ sách; 3 ngày 3 bộ sách cũng đồng nghĩa có rất nhiều tiết học giáo viên phải để học sinh “tự quản” lớp.

Thực ra, việc giáo viên được yêu cầu tham gia dự Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa đang mất rất nhiều thời gian của giáo viên. Đa phần các môn học có 3 bộ sách (3 lần dự hội thảo trong 3 ngày) nhưng có những môn học có nhiều sách là áp lực rất lớn cho giáo viên.

Chẳng hạn, môn tiếng Anh hiện nay có tới 9 sách giáo khoa. Vì thế, nếu các địa phương bố trí cho việc giới thiệu từng bộ sách thì giáo viên sẽ phải tham dự đến 9 bộ sách tiếng Anh. Tất nhiên, giáo viên phải tham dự đầy đủ.

Cả nước, có hàng triệu giáo viên phổ thông nếu đều thực hiện giống nhau sẽ mất rất nhiều thời gian của giáo viên và học sinh. Bởi, sau khi “hội thảo”, tất nhiên là giáo viên và học sinh lại phải “chạy” để bù khoảng thời gian đã mất khi thầy cô bỏ lớp đi nghe giới thiệu sách giáo khoa.

Trong khi, nội dung hội thảo mà chúng tôi tham dự chỉ đơn thuần là giới thiệu cấu trúc, tên bài học của sách giáo khoa mới.

Công việc này, nếu làm đơn giản nhất, các địa phương kết hợp với nhà xuất bản chuyển đường link đến các trường học, ngày họp chuyên môn, giáo viên cùng xem lại nội dung có lẽ phù hợp và hiệu quả hơn. Giáo viên không phải bỏ lớp chỉ để nghe giới thiệu các tên bài học trong từng cuốn sách giáo khoa.

Trong khi, trên các website của các nhà xuất bản, hiện nay đều đã có sách mẫu bản PDF, muốn biết tên bài học đối với từng môn, giáo viên chỉ cần vào xem mục lục là có thể biết được.

Vẫn còn những băn khoăn trước khi bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa

Ngày 28/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thay thế quy định cũ, trong đó điểm mới đáng chú ý sẽ được áp dụng để chọn sách từ năm học 2024-2025 là trao lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Về lý thuyết, việc trang bị những thông tin cho giáo viên trước khi lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 là cần thiết để giáo viên bỏ phiếu lựa chọn bộ sách giáo khoa cho tổ chuyên môn, nhà trường. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ rất khó để các tổ chuyên môn lựa chọn bộ sách khác so với bộ sách mà giáo viên, học sinh đang dạy và học trong những năm vừa qua.

Mặc dù, bộ sách nào cũng bám vào “chương trình” nhưng mỗi bộ sách có những cách thể hiện và sắp xếp các đơn vị kiến thức khác nhau.

Chẳng hạn, sách Ngữ văn lớp 8 (bộ Chân trời sáng tạo) đã bố trí bài Nam quốc sơn hà (khuyết danh) ở đầu học kỳ II nhưng bộ sách Cánh Diều lại bố trí bài thơ này ở đầu học kỳ I của lớp 9.

Vì thế, nếu như ở lớp 6,7,8 dạy sách Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống lên đến lớp 9 lại dạy sách Cánh Diều sẽ có những khập khiễng và ngược lại. Có những bài, những đơn vị kiến thức phải dạy lại, học lại nhưng có những bài, những đơn vị kiến thức lại không được học.

Đó là chưa kể, tính kế thừa của từng bộ sách hiện nay rất rõ ràng. Chẳng hạn, phần viết (làm văn) thường lấy những tác phẩm văn học ở các lớp dưới để khai thác ở các lớp trên nên dạy sách khác với bộ sách đang dạy ở các lớp dưới sẽ khiến cho cả thầy và trò gặp khó khăn.

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng việc “Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa” mà các nhà xuất bản kết hợp với các địa phương đang triển khai đến giáo viên ở các nhà trường dù vẫn biết là cần có nhưng không thực sự cần thiết.

Việc này, nếu các nhà xuất bản gửi clip video cho các địa phương, sở giáo dục chuyển về các trường và yêu cầu xem, nghe trước và trong buổi lựa chọn sách giáo khoa sẽ phù hợp và hiệu quả bởi ngày đó là ngày bộ môn, giáo viên không có tiết dạy trên lớp.

Hơn nữa, những việc này các tác giả sách giáo khoa cũng sẽ nói lại trong buổi tập huấn sách giáo khoa tới đây.

Trong khi, với cách làm như hiện nay, nhiều giáo viên đang phải bỏ lớp để đi nghe giới thiệu các tên bài học của sách giáo khoa nhưng sẽ rất khó để giáo viên và các nhà trường lựa chọn lại sách khác vì nếu chọn lại cũng đồng nghĩa có rất nhiều bất cập đi kèm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

.

HƯƠNG GIANG