Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nêu rõ, người học là người dân tộc thiểu số được hưởng chế độ cử tuyển gồm người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quy định bảo đảm người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Thực hiện chế độ cử tuyển là chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện vẫn còn một số trường hợp sinh viên diện cử tuyển sau khi tốt nghiệp đại học chưa được bố trí việc, có người quyết định làm các công việc trái chuyên môn, lương thấp, thay vì mòn mỏi chờ đợi không biết bao giờ mới được “gọi” đi làm.
Chia sẻ của một số lãnh đạo trường đại học có đào tạo sinh viên cử tuyển cho thấy, việc tổ chức đào tạo đối với sinh viên cử tuyển không nhiều khó khăn, song nhìn chung số lượng sinh viên cử tuyển nhập học/năm ngày càng ít dần.
Ảnh minh hoạ: Báo Dân tộc và Phát triển |
Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm (Đại học Huế) cho biết, kể từ năm 2019 đến nay, nhà trường không có sinh viên cử tuyển nhập học. Khoá đào tạo sinh viên cử tuyển cuối cùng của trường đã tốt nghiệp năm 2022.
Năm 2023, nhà trường chưa biết có đối tượng người học theo diện cử tuyển hay không. Bởi, trường không trực tiếp tiếp nhận thông tin mà đầu mối là Đại học Huế nhận yêu cầu đào tạo sinh viên cử tuyển từ các địa phương. Thường qua tháng 9 hàng năm, nhà trường mới nhận được thông báo về số lượng sinh viên cử tuyển (nếu có).
Thầy Văn cho rằng, Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có hiệu lực thi hành từ ngày 23/1/2021 là chính sách tốt, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, sẵn sàng công tác ổn định và lâu dài tại địa phương, vùng sâu vùng xa.
“Đào tạo cử tuyển là theo nhu cầu của địa phương. Nhà trường không tự ý đề ra chỉ tiêu tuyển sinh đối với diện cử tuyển mà chỉ tiêu cử tuyển do địa phương xây dựng và đề xuất. Địa phương không có người được cử đi học đại học theo diện cử tuyển thì nhà trường không tổ chức đào tạo đối tượng này.
Trước đây, sinh viên cử tuyển thường học các ngành Nông học, Khuyến nông và Lâm nghiệp của trường.
Những năm 1990, mỗi khoá, nhà trường có 1 lớp khoảng vài chục sinh viên cử tuyển theo học. Song, nhưng gần đây, số lượng sinh viên cử tuyển chỉ vài người/khoá nên trường không mở lớp riêng mà bố trí các em học chung với sinh viên khác theo ngành đào tạo”, thầy Văn chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân từ năm 2019 trường không có sinh viên nhập học theo diện cử tuyển, thầy Văn cho rằng, do địa phương không có nhu cầu cử người đi học, hoặc người được cử đi không mong muốn học các ngành Nông - Lâm nghiệp.
Cũng theo thầy Văn, hầu như các trường đại học nào cũng có sinh viên cử tuyển nhưng tập trung ở các trường đào tạo 3 lĩnh vực thiết yếu mà địa phương (thường là vùng sâu vùng xa) luôn cần nhân lực là y khoa, sư phạm và khối ngành Nông - Lâm nghiệp.
“Sinh viên cử tuyển thực hiện theo chính sách ưu tiên nên yêu cầu đầu vào thường thấp. Nếu sinh viên cử tuyển có năng lực và nỗ lực cố gắng trong quá trình học tập thì đạt thành tích cao. Còn sinh viên nào có năng lực vừa phải thì tốt nghiệp ở mức trung bình. Ngoài thực hiện chính sách theo quy định của nhà nước, nhà trường còn khen thưởng đối với sinh viên cử tuyển có thành tích học tập và rèn luyện tốt”, thầy Văn chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, những năm gần đây, nhà trường không có đối tượng người dân tộc thiểu số được hưởng chế độ cử tuyển. Theo quy định, với những sinh viên diện cử tuyển học ở trường đã tốt nghiệp trước đó, về cơ bản, địa phương sẽ phân công vị trí công tác cho sinh viên.
Theo Điều 12 Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định: "3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xét tuyển và bố trí việc làm đối với người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức hoặc gửi hồ sơ tới các đơn vị, tổ chức khác có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ để xét tuyển".
Như vậy, sinh viên cử tuyển sẽ chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Song, thực tế hiện có một số trường hợp sinh viên từng học đại học theo diện cử tuyển ở Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) tốt nghiệp xong, đến nay chưa được bố trí việc làm.
Chia sẻ trước tình trạng sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đại học nhưng chưa được bố trí việc làm, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Văn cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tại thời điểm cử người đi học theo diện cử tuyển, địa phương chỉ dựa vào nhu cầu, nhiệm vụ, vị trí việc làm, số lượng người làm việc và số biên chế công chức được giao ngay tại thời điểm đó, chưa quan tâm, có tính dự báo chính xác về sự biến động việc làm sau khi sinh viên cử tuyển ra trường.
“Khi sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đại học cũng đã 4-5 năm kể từ thời điểm được cử đi, cùng với việc nhập, tách, xoá bỏ các cơ quan, ban ngành,... sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ.
Chưa kể, lộ trình thực hiện quy định tinh giản biên chế đang được triển khai rốt ráo nên địa phương cũng gặp khó khăn trong bố trí việc làm đối với sinh viên diện cử tuyển là điều không thể tránh khỏi”, thầy Văn chia sẻ.