So sánh giáo viên được nhuộm tóc sao lại cấm học trò là rất khập khiễng

01/04/2023 06:42
Kim Oanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường đề ra nội quy, cấm một số hành vi, việc làm ngoài hướng dẫn của các văn bản hiện hành cũng là một việc làm hữu ích, có lợi cho đa số học sinh.

Sự việc cô giáo L.T.H.L, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A10, trường Trung học phổ thông Đội Cấn (Vĩnh Phúc) cắt tóc một nữ sinh nhuộm tóc ngay trên lớp học cho thấy việc xử lí tình huống sư phạm của giáo viên chưa thực sự phù hợp.

Song, cũng từ sự việc này đã dẫn đến việc tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua là có nên cấm học sinh nhuộm tóc hay không.

Tại sao thầy cô nhuộm tóc được mà học sinh lại không được? Tại sao cấm học sinh nhuộm tóc mà giáo viên lại không cấm? Tại sao các văn bản của Bộ không cấm mà nhà trường lại cấm học sinh nhuộm tóc?...

Hàng loạt các câu hỏi, các so sánh được đặt ra sau sự việc này. Tuy nhiên, vì sao nhà trường lại cấm học sinh nhuộm tóc đều có những nguyên nhân của nó. Khi các em chưa đến tuổi trưởng thành, việc định hướng, giáo dục của nhà trường, cha mẹ cho học sinh cũng là một việc làm cần thiết- miễn sao đừng áp đặt, cực đoan quá sẽ phản giáo dục.

Hai cô trò cùng xin lỗi và hàn gắn trước sự chứng kiến của tập thể lớp và phụ huynh học sinh. Ảnh: vinhphuc.edu.vn.

Hai cô trò cùng xin lỗi và hàn gắn trước sự chứng kiến của tập thể lớp và phụ huynh học sinh.

Ảnh: vinhphuc.edu.vn.

Nếu nhà trường không cấm thì sao?

Hiện nay, ở các trường học phổ thông, học sinh từ lớp 8, lớp 9 trở lên đang có nhiều em muốn phá đi những chuẩn mực, nội quy của nhà trường đề ra. Không đơn thuần là chuyện học sinh sơn móng tay, nhuộm tóc mà nhiều chuyện xảy ra còn đáng sợ hơn nhiều.

Gần như, ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phản ánh tình trạng học sinh đánh nhau. Có trường hợp nữ sinh bị đạp vào vũng bùn (sình) ngay tại cổng trường; có trường hợp học sinh nữ bị bạn đánh, lột đồ và bị quay video clip; có trường hợp học sinh bị đánh đến ngất, sau đó những học sinh đánh bạn chườm đá cho tỉnh rồi đánh tiếp…

Một số học sinh nam tụ tập, hẹn nhau để đánh nhau; lén lút bán thuốc lá điện tử trong trường học cho bạn bè. Có nhiều học sinh cấp Trung học cơ sở đã bắt đầu xăm mình ở cổ, ở cánh tay- những nơi mà giáo viên thấy được, còn những nơi khác trên cơ thể thì không biết như thế nào.

Nếu những học sinh lên tiếng: người lớn cũng đánh nhau; cũng trộm cướp; cũng xăm mình; cũng buôn bán chất cấm; cũng đánh nhau rồi lột đồ…sao lại cấm học trò thì chúng ta trả lời ra sao?

Chính vì vậy, việc so sánh giáo viên nhuộm tóc được sao lại cấm học trò có lẽ là cách so sánh khập khễnh, khiên cưỡng bởi đó là 2 lứa tuổi hoàn toàn khác nhau, nhận thức khác nhau.

Tại sao không so sánh trường hợp cùng phạm pháp như nhau nhưng người lớn có thể bị xử ở mức hình sự, còn học sinh chỉ bị nhắc nhở rồi gia đình bảo lãnh cho về?

Học sinh đánh bạn bầm dập cũng chỉ có thể đuổi học cao nhất là 1 tuần, hạ 1-2 bậc hạnh kiểm là xong nhưng cuối năm, lại phải kéo lên.

Vì thế, việc nhà trường đề ra nội quy, cấm một số hành vi, việc làm ngoài hướng dẫn của các văn bản hiện hành cũng là một việc làm hữu ích, có lợi cho đa số học sinh.

Bởi một lẽ rất giản đơn, các em là học trò, đang học trên nhà trường và nhà trường có trách nhiệm phối hợp với gia đình uốn nắn, giáo dục nên có những điều Bộ không cấm nhưng nhà trường vẫn có nội quy riêng nhằm chấn chỉnh nền nếp và đưa các em vào một khuôn phép nhất định.

Chuyện ngày nay học sinh nhuộm tóc (nếu không quá sặc sỡ, lòe loẹt) không phải là một điều gì quá ghê gớm nhưng rõ ràng giữ được mái tóc đen khi đến trường cũng là cách giữ cho học trò một nét đẹp tự nhiên, hồn nhiên khi đang ngồi học ở trường phổ thông.

Sau này, khi vào đại học thì các em nhuộm gì, mặc gì cũng không mấy trường còn cấm đoán (trừ khối an ninh, quân đội) vì lúc đó các em đã trưởng thành, các em hoàn toàn làm chủ và có trách nhiệm với bản thân mình.

Muốn trẻ nhỏ trở thành người tốt thì người lớn phải là tấm gương thật sáng

Để thế hệ học trò hôm nay trở thành những công dân của đất nước ngày mai có đủ trí tuệ, tài năng, nhân cách tốt thì việc đầu tiên phải giáo dục cho trẻ chu đáo, tận tình, tập cho trẻ nhiều thói quen tốt. Bên cạnh những quy định, nội quy của nhà trường thì việc đầu tiên là người lớn phải thực sự là những tấm gương sáng.

Trong gia đình được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, gương mẫu trong lời ăn, tiếng nói. Ở trường, thầy cô tận tình dạy dỗ, khích lệ khả năng của trò, giúp trò hòa vào các hoạt động tập thể, biết sẻ chia cùng cộng đồng. Sự nghiêm khắc đan xen cùng sự sẻ chia, định hướng của thầy cô sẽ giúp trẻ sẽ tránh xa những điều chưa phù hợp.

Học sinh sẽ không học được điều tốt đẹp nếu cha mẹ ít khi quan tâm, hỏi han việc học hàng ngày ở trường. Kệ mặc con học được chữ nào ở trường thì học, về nhà chẳng bao giờ nhìn vào bài vở của con, hiếm khi trò chuyện, khuyên bảo học hành, định hướng cho con.

Học sinh sẽ không phục nếu thầy cô đối xử không công bằng giữa các bạn bè trong lớp với nhau. Đặc biệt là khi thầy cô có những hành động, ứng xử cực đoan, áp đặt khi các em vi phạm. Học sinh sẽ thấy khó chịu khi một học sinh trong lớp vi phạm nhưng thầy cô chửi bới, xúc phạm nặng nề, ảnh hưởng đến tâm lý cả lớp học.

Học sinh sẽ cảm thấy khó chịu khi một số cô ăn mặc chưa phù hợp khi vào lớp dạy với những chiếc váy quá ngắn, những chiếc áo quá mỏng. Bởi, đó là những điều tối kị khi đứng lớp của giáo viên, khi học thì học sinh phải nhìn lên thầy cô của mình.

Đặc biệt, người lớn cũng cần nêu gương trong cách ăn mặc, ứng xử hàng ngày bởi đó là những tấm gương để học sinh dễ bắt chước nhất.

Học sinh còn ít tuổi nên những hành động, ứng xử đôi khi còn bột phát, bốc đồng. Chính vì vậy, các em cần được định hướng, giáo dục và thấy được những tấm gương của những người trưởng thành, đặc biệt là những người thân, những người hàng ngày đang có trách nhiệm uốn nắn, giáo dục các em.

Vì thế, sự việc cô giáo L.T.H.L, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A10, trường Trung học phổ thông Đội Cấn (Vĩnh Phúc) có hành vi cắt tóc một nữ sinh ngay trên lớp học là việc làm không phù hợp, cứng nhắc.Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà chúng ta so sánh giáo viên nhuộm tóc thì được, sao lại cấm cản học trò.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Kim Oanh