Số SV nhập học Khoa Các khoa học liên ngành vượt chỉ tiêu được phê duyệt

09/12/2023 06:24
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo tìm hiểu tại đề án tuyển sinh năm 2022, 2023, số sinh viên trúng tuyển và nhập học của Khoa vượt chỉ tiêu được phê duyệt. 

Qua tìm hiểu của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) có số sinh viên nhập học vượt chỉ tiêu được phê duyệt.

Có năm lượng sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu được phê duyệt

Theo thống kê, số sinh viên nhập học cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được phê duyệt.

Số sinh viên trúng tuyển nhập học của Khoa Các Khoa học liên ngành theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 (bảng do phóng viên thống kê)

Số sinh viên trúng tuyển nhập học của Khoa Các Khoa học liên ngành theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 (bảng do phóng viên thống kê)

Cụ thể, năm 2021, Khoa tuyển vượt 39 chỉ tiêu, chiếm 21,6% (tổng chỉ tiêu là 180 người nhưng số thí sinh nhập học là 219). Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Quản trị thương hiệu là 120 người, tuyển vượt 23 người; ngành Quản trị tài nguyên di sản tuyển vượt 16 người.

Ảnh cắt từ đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Khoa các Khoa học liên ngành

Ảnh cắt từ đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Khoa các Khoa học liên ngành

Tương tự, năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa là 400 người nhưng có tới 473 người nhập học, tuyển vượt 73 người, chiếm 18,25%. Theo đó, ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững tuyển vượt thấp nhất là 5 người; ngành Quản lý giải trí và sự kiện tuyển vượt cao nhất là 30 người.

Đáng chú ý, các ngành mở tuyển sinh năm 2022 có số sinh viên nhập học cao hơn số sinh viên trúng tuyển. Ví dụ như, số sinh viên trúng tuyển ngành Quản trị thương hiệu là 178 người, ít hơn 6 người so với sinh viên nhập học.

Đề cập đến số sinh viên Khoa tuyển vượt chỉ tiêu được phê duyệt, thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ rằng:

“Năm 2021, Khoa bắt đầu đào tạo 2 chương trình cử nhân là Quản trị thương hiệu và Quản trị văn hóa di sản được Đại học Quốc gia Hà Nội giao 180 chỉ tiêu. Đây là năm đầu tiên đào tạo cử nhân nên chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm và tuyển sinh vượt khoảng 20%. Thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu ý kiến và đã phạt hành chính đối với Khoa. Mặc dù, Khoa tuyển vượt chỉ tiêu nhưng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chất lượng giảng dạy. Bởi lúc đó Khoa mới chỉ có 200 sinh viên.

Năm 2022, Khoa được phê duyệt 400 chỉ tiêu, mở thêm 2 ngành. Khoa tuyển được 451 em nhưng khi nhập học chỉ có khoảng 447 - 448 sinh viên, vượt từ 11% - 12%. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội không vượt, đạt mức 99% do một số đơn vị tuyển sinh vượt bù cho đơn vị tuyển sinh thiếu.

Nhưng phải nói rằng, nguyên nhân tuyển sinh là do trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đợt lọc ảo cuối cùng, Khoa đã xác định đủ chỉ tiêu, tuy nhiên khi bước vào đợt lọc ảo cuối cùng, một số cơ sở giáo dục đại học đã “xả hàng” vì vậy, Khoa không thay đổi được số lượng và bị vượt chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt.

Năm 2023, Khoa đã rút kinh nghiệm, thậm chí phải đã dự tính lấy ít hơn chỉ tiêu được duyệt trước khi lọc ảo. Năm này, chúng tôi mở thêm ngành Thiết kế sáng tạo nâng tổng tuyển sinh 761/750 chỉ tiêu. Trong quá trình nhập học, số sinh viên cũng giảm nên chỉ tuyển vượt 1%”.

Học phí ngành Quản trị thương hiệu tăng cao nhất, tăng 13,47%

Ghi nhận, học phí hệ đại học chính quy của Khoa đăng công khai theo mức học phí/tín chỉ và mức học phí/tháng/sinh viên. Đặc biệt, mức học phí/tín chỉ hệ đại học chính quy trong 2 năm gần đây có xu hướng tăng.

Học phí Khoa Các Khoa học liên ngành theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023.

Học phí Khoa Các Khoa học liên ngành theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023.

Chia sẻ về mức học phí, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: “Về học phí, năm đầu tiên Khoa thu học phí rất thấp, theo đúng Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đồng thời, Khoa chưa tiến hành cơ chế tự chủ.

Trở thành đơn vị tự chủ chi thường xuyên vào tháng 1/2022, theo quy định, Khoa thu học phí tăng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nếu như năm 2021, học phí khoảng 10.000.000 đồng/năm/sinh viên thì năm 2022, học phí của Khoa là khoảng 25.000.000 đồng/năm/sinh viên. Theo dự kiến, học phí năm 2023 là 28.200.000 đồng/năm/sinh viên nhưng thực tế kỳ 1, Khoa vẫn tiến hành thu mức học phí là 25.000.000 đồng/năm/sinh viên. Bởi, việc tăng hay giữ nguyên mức học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Nếu ngày 31/12/2023 chưa có thông tin mới hoặc có quyết định đóng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Khoa thực hiện truy thu vào học kì tới hoặc sẽ không phải trả lại do Khoa không tiến hành thu vượt so mức quy định”.

Tổng nguồn thu/năm của Khoa có biến động nhẹ. Năm 2022, tổng nguồn thu/năm là hơn 9,7 tỷ đồng. Năm 2023, tổng nguồn thu/năm là hơn 11,5 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 tỷ đồng.

65,78% giảng viên là tiến sĩ/tiến sĩ khoa học giảng dạy hệ đại học chính quy

Theo đề án tuyển sinh năm 2022, Khoa có 1 phó giáo sư, tiến sĩ/phó giáo sư, tiến sĩ khoa học; 3 giảng viên trình độ tiến sĩ/tiến sĩ khoa học là giảng viên toàn thời gian tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ.

Giảng dạy trình độ thạc sĩ là 27 người, trong đó có 7 phó giáo sư, tiến sĩ/phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và 20 giảng viên trình độ tiến sĩ/tiến sĩ khoa học.

Số giảng viên cơ hữu dạy trình độ đại học, cao đẳng sư phạm là 38 người. Cụ thể, 25 giảng viên là tiến sĩ/tiến sĩ khoa học; 7 giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ/phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và 6 giảng viên là thạc sĩ.

Đối với giảng viên toàn thời gian tham gia đào tạo thường xuyên trình độ đại học có 56 người. Theo đó, có 11 giảng viên chức danh phó giáo sư; 5 giảng viên có trình độ đào tạo thạc sĩ; 51 giảng viên trình độ đào tạo tiến sĩ.

Đặc biệt, Khoa không có giảng viên toàn thời gian có chức danh giáo sư.

Thống kê đề án tuyển sinh năm 2023, Khoa có 56 giảng viên cơ hữu của các chương trình đào tạo, trong đó gồm có 44 giảng viên trình độ đào tạo tiến sĩ; 12 giảng viên có trình độ đào tạo thạc sĩ và 5 giảng viên có chức danh phó giáo sư.

Khi được hỏi về việc không có giảng viên toàn thời gian có chức danh giáo sư sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác đào tạo, thầy Hiệu trả lời rằng: “Tính tới thời điểm hiện tại, Khoa có gần 70 cán bộ, giảng viên, trong đó, 01 giáo sư và 05 phó giáo sư, hơn 73% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Cụ thể, trên 50% giảng viên viên trình độ tiến sĩ có ít nhất 1 bậc học tu nghiệp tại nước ngoài.

Với quy mô đào tạo là 1.388 sinh viên, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT - PV), mức quy đổi sinh viên/giảng viên là 25/1, còn mức quy đổi sinh viên/giảng viên của Khoa là 11/1. Thực tế, đội ngũ giảng viên hiện nay luôn đảm bảo được chất lượng giảng dạy".

Giảng viên thỉnh giảng của Khoa là 73 người, trong đó giảng viên có trình độ đào tạo tiến sĩ là 50 người, chiếm 68,49%; giảng viên thỉnh giảng có trình độ đào tạo thạc sĩ là 15 người, chiếm 20,54%; giảng viên thỉnh giảng có chức danh phó giáo sư là 6 người và 2 giảng viên thỉnh giảng có chức danh giáo sư.

Do Khoa Các khoa học liên ngành mở đào tạo các ngành này bắt đầu từ năm 2021 nên trong đề án tuyển sinh chưa có số liệu về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Thảo Ly