Sự phát triển của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam (1)

11/01/2018 07:44
Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh/Mary Beth Marklein
(GDVN) - Mô hình trường Cao đẳng Cộng đồng của Hoa Kỳ với triết lý kép “phát triển nhân đạo và phát triển kinh tế” đã được ứng dụng trên nhiều khu vực trên thế giới.

LTS: Mô hình trường Cao đẳng Cộng đồng, có xuất xứ ở Hoa Kỳ từ giữa thế kỷ 20, với triết lý kép “phát triển nhân đạo và phát triển kinh tế” đã được ứng dụng và lan tỏa ra nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là các nước vòng cung châu Á-Thái Bình Dương.   

Quá trình tiến hóa với những bước thăng trầm của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu địa phương, các mục đích quốc gia và xu thế toàn cầu đã được mô tả và phân tích thấu đáo trong công trình nghiên cứu của đồng tác giả người Mỹ Mary Betth Maklein, nguyên phóng viên Tờ USA’s Today, nghiên cứu sinh về Quốc tế hóa Giáo dục đại học, Đại học Mason George (Hoa Kỳ) và Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Trọng tâm nghiên cứu nhấn mạnh vào sự thích nghi của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam đáp ứng như thế nào cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong quá trình chuyển đổi, trong khi vẫn phải bảo tồn được bản sắc văn hóa và các giá trị xã hội của Việt Nam.

Sự thích hợp về chiến lược của loại hình cơ sở đào tạo này trong cơ cấu kinh tế đang thay đổi ở Việt Nam có một ý nghĩa quan trọng để "Việt Nam hóa" các yếu tố vay mượn từ các hệ thống giáo dục nước ngoài nhằm duy trì truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.

Rút từ kinh nghiệm cá nhân của một trong hai đồng tác giả, từ các cuộc phỏng vấn những người có liên quan và phân tích tư liệu, các tác giả muốn khai thác và bối cảnh hóa việc các trường Cao đẳng Cộng đồng của Việt Nam đã quản lý những lực tác động toàn cầu hóa như thế nào.

Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu loạt bài nghiên cứu này của hai tác giả Mary Berth Marlein và Mai Văn Tỉnh.

Kỳ 1:

Giới thiệu mô hình trường Cao đẳng Cộng đồng

Mô hình trường Cao đẳng Cộng đồng về truyền thống phục vụ nhu cầu người dân trong cộng đồng địa phương, nhưng trên khắp thế giới, mô hình này ngày càng trở thành những sáng kiến quốc gia cho mục đích hội nhập toàn cầu (Tinh MV, 2016; Marklein, 2009).

Mặc dù không có một định nghĩa đơn nhất nào có thể phản ánh hết tính đa dạng của mô hình Cao đẳng Cộng đồng trong hơn 90 nước mà nó xuất hiện từ giữa thế kỷ 20, hầu hết chúng đều có sứ mệnh chung là thúc đẩy tiếp cận bình đẳng và di chuyển xã hội trong cộng đồng nó phục vụ.

Cùng với triết lý kép “phát triển nhân đạo và phát triển kinh tế”, nó đã kết hợp các dạng đào tạo ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về kỹ thuật viên lành nghề, tiếp cận giáo dục cho nguời lớn, cho tự học suốt đời, và là các đường dẫn học tập, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, nghèo khó, kém phát triển, cho người đã hoàn thành chương trình học tập và muốn tiếp tục lấy văn bằng hàn lâm trong Giáo dục Đại học (Raby, 2009).

Ở Việt Nam, các trường Cao đẳng Cộng đồng đầu tiên xuất hiện vào đầu thập kỷ 1970 khi Chính phủ Hoa Kỳ có dự án hỗ trợ thiết lập 3 trường Cao đẳng Cộng đồng ở miền Nam Việt Nam.

Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội (Ảnh: tradiemthi.net)
Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội (Ảnh: tradiemthi.net)

Các Cao đẳng Cộng đồng này bị hủy bỏ sau khi thống nhất hai miền Bắc và Nam năm 1975, khi cả nước chấp nhận mô hình Giáo dục Đại học Xô Viết.

Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ 6 năm 1986 đã đề ra kế hoạch cải cách kinh tế, gọi là Đổi Mới, định hướng cho đất nước, khi muốn bắt đầu tìm cách theo chủ nghĩa tư bản nhưng vẫn duy trì cam kết của mình với di sản xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cách mạng kính yêu của đất nước.

Năm 1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7 đưa ra khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để phản ánh các giá trị văn hóa như tự tu dưỡng, chịu trách nhiệm về mặt đạo đức và quan tâm tới bình đẳng xã hội.

Tóm tắt theo niên đại

Sự ra đời các Cao đẳng Cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam đã được nghiên cứu trong những tài liệu (Epperson, 2010; Oliver, 2009; Lãm & Vị, 2009; Khê, 1970, 1992).

Với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, 3 trường Cao đẳng Cộng đồng đầu tiên xuất hiện ở miền Nam vào đầu thập kỷ 1970 trước khi chúng bị xóa bỏ vào thời điểm khép lại cuộc chiến chống Mỹ năm 1975.

Sự phát triển của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam (1) ảnh 2TS. Mai Văn Tỉnh chỉ ra những lợi thế của mô hình Cao đẳng cộng đồng

Một thập kỷ sau, hệ thống Giáo dục Đại học của nước Việt Nam thống nhất theo mô hình Xô Viết đã tổ chức các trường đại học đơn ngành chủ yếu đặt trọng tâm vào đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ theo các lĩnh vực chuyên môn hẹp cụ thể.

Từ đầu những năm 1990, để khai phóng Đổi Mới, các quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu các hệ thống Giáo dục Đại học trên thế giới trước khi xây dựng một lộ trình tổng thể.

Trong khi quan chức Giáo dục Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo không dám nói thẳng ra vào thời điểm đó vì sợ lãnh đạo Đảng bác bỏ, họ lặng lẽ chú ý quan sát một cấu trúc có mô hình theo hệ thống Hoa Kỳ (trao đổi cá nhân với Giáo sư Lâm Quang Thiệp, tháng 4/2014). 

Thoạt đầu, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 5 đại học đa ngành, gồm 2 đại học quốc gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với 3 đại học vùng ở Huế, Đà Nẵng và Thái Nguyên; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất rằng các trường Cao đẳng Cộng đồng phải được thiết lập ở ngoài các trung tâm đô thị lớn nhằm truyền bá cơ hội tiếp cận Giáo dục Đại học trên cả nước.

Báo cáo của Chính phủ năm 1995 đã xác định các mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gần tương tự với mô tả của Raby (2009) nói trên:

Khi Việt Nam chuyển dịch từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng vào thị trường, họ phải đương đầu với các khó khăn về phân bổ nguồn nhân lực trên cả nước và đặc biệt ở những nơi rất lạc hậu về kinh tế.

Vùng núi phía Bắc, Cao nguyên Trung phần, các tỉnh phía Đông Nam Việt Nam và vùng châu thổ sông Cửu Long là những vùng kém phát triển như vậy.

Dự báo rằng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực địa phương cho nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội của các vùng này sẽ tăng.

Mục đích của kế hoạch dự án này là cung cấp nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong tương lai gần.

Trường Cao đẳng Cộng đồng sẽ tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng mới và huy động nguồn lực cung cấp giáo dục cho thanh niên ở vùng sâu” (Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 1995, trang 57).

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ trung ương tỏ ra ủng hộ quan niệm Cao đẳng Cộng đồng.

Năm 1993, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7 tuyên bố Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu (Nghị định 90/CP/1993).

Sự phát triển của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam (1) ảnh 3Bức tranh cải cách giáo dục đại học, chuyên nghiệp ở Việt Nam

Năm 1996, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin phép Thủ tướng Chính phủ cho chính thức thành lập các trường Cao đẳng Cộng đồng (Tờ trình số 8195/ĐH);

Năm 1997 Thủ tướng (Võ Văn Kiệt) và Phó Thủ tướng (Nguyễn Khánh) cho ra Thông báo (số 30/TB của Văn phòng Chính phủ ngày 24/3/1997), tại điểm 4 đã yêu cầu:

Đại học-Cao đẳng Cộng đồng là mô hình trường gắn với địa phương.

Hiện nước ta có 61 tỉnh thành, trình độ kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên, dân cư khác nhau.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng đề án phát triển hệ thống Đại học-Cao đẳng Cộng đồng gắn với mạng lưới trường đại học và cao đẳng cả nước, làm rõ những địa phương nào cần thành lập Đại học-Cao đẳng Cộng đồng, các điều kiện cần thiết tối thiểu về tổ chức và hoạt động của trường, chế độ quản lý đối với các trường này”.

Ba năm sau, các Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tạm thời số 37/2000 mở đường cho thành lập 6 Cao đẳng Cộng đồng thí điểm lần đầu kể từ khi thống nhất đất nước năm 1975.

Một trong các dự án Cao đẳng Cộng đồng có ảnh hưởng nhất ở nước Việt Nam thống nhất được Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội tài trợ.

Hà Lan là nước không có (và chưa hề có vào lúc đó) mô hình Cao đẳng Cộng đồng của riêng họ, nhưng năm 1998 bắt đầu hỗ trợ dự án phát triển ở Việt Nam, giao cho Đại học Amsterdam thực hiện để tiếp tục “triết lý nhân đạo của mô hình Cao đẳng Cộng đồng” (de Geoje, 2012).

Tuy nhiên, sự tham gia của Hà Lan vào dự án này bị kết thúc sớm, khi Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội cắt không tiếp tục tài trợ với lý do giữa hai phía thực hiện dự án không đạt được các thỏa thuận chi tiết về tài chính cho dự án (trao đổi cá nhân với Peter de Geoje, 13/9/2016).

Sáu trường Cao đẳng Cộng đồng này vẫn tiếp tục hoạt động bằng kinh phí nhà nước do ủy ban nhân dân tỉnh của họ cấp.

Sự phát triển của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam (1) ảnh 4Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta?

Năm 2005, số lượng Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam tăng lên gấp đôi – là 12 trường, một năm sau có 15 trường.

Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam (VACC) được thành lập năm 2006 đại diện cho “tiếng nói chung” của những người ủng hộ sứ mệnh Cao đẳng Cộng đồng.

Một trong những mục tiêu chính của nhóm này là muốn nhìn thấy trường Cao đẳng Cộng đồng trở thành chỉnh thể chính thức bên trong hạ tầng cơ sở Giáo dục Đại học Việt Nam.

Nếu thiếu sự chỉ định rõ ràng này, tương lai các trường Cao đẳng Cộng đồng vẫn có nguy cơ bị đe dọa bởi các ý định bất chợt nảy ra của các lãnh đạo Chính phủ.

Thực ra, năm 2007 có 3 Cao đẳng Cộng đồng đã tổ chức lại về mặt pháp lý để nâng cấp thành đại học địa phương 4 năm và hiện đang hoạt động là các trường đại học.

Năm 2012, VACC đã chính thức đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chính phủ hữu quan khác thừa nhận vai trò của các trường Cao đẳng Cộng đồng, vẫn còn ở trạng thái tạm thời, phải nằm bên trong hệ thống Giáo dục Đại học được phân tầng.

Cuối năm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 1666/QĐ-BGDĐT giải thích kế hoạch của Bộ về Giáo dục Đại học gồm các đại học nghiên cứu, các trường đại học ứng dụng và chuyển giao kiến thức và các trường Cao đẳng Cộng đồng (Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07/03/2012).

Vài năm sau, VACC đề xuất một số sáng kiến giúp xác định mục đích và hoạt động của các Cao đẳng Cộng đồng, như tổ chức thi công chức cho nhà giáo, thí điểm thẩm định chương trình đào tạo và kế hoạch liên thông lên đại học, phát triển các khóa đào tạo từ xa.

Năm 2014, Hiệp hội khuyến nghị rằng trường Cao đẳng Cộng đồng phải được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo.

Cuối năm 2014, Ban thường vụ VACC đặt vấn đề này trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện các cơ quan chính phủ hữu quan (VACC, 2016).

Một bước ngoặt quan trọng đã đạt được vào tháng Giêng năm 2015, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên công nhận Cao đẳng Cộng đồng là một phạm trù cơ sở giáo dục riêng, quy định chức năng nhiệm vụ và các đặc trưng đặc biệt của nó, thừa nhận vai trò của mô hình và mạng lưới này trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

(Thông tư số 01/2015/TT-BGDĐT, Chương I, Điều 2, Mục 6 và Điều 5, Mục 4 ký ngày 15/5/2015 ban hành Điều lệ trường Cao đẳng).

Về tổng số, có 17 trường Cao đẳng Cộng đồng đã được thành lập ở Việt Nam, mặc dù chỉ có 14 trường tiếp tục hoạt động theo năng lực của họ (Bảng 1).

Trong khi đó, lĩnh vực còn lại của Giáo dục Đại học Việt Nam đã được mở rộng và đa dạng hóa.

Từ năm 2000 đến 2012, số cơ sở Giáo dục Đại học đã tăng từ 178 lên 419 trường, và số lượng tuyển sinh tăng từ 918.228 lên 2,2 triệu người (Tran and Marginson 2014).

Bức tranh toàn cảnh Giáo dục Đại học ngày nay ở Việt Nam gồm các trường công lập, bán công, tư thục và trường có đầu tư nước ngoài, kể cả các trường chuyên ngành và học viện.

Thêm vào số các đại học công lập quốc gia, đại học vùng và cao đẳng cộng đồng, Việt Nam đã sinh sôi nảy nở nhiều trường cao đẳng khác có chương trình đào tạo 3 năm cấp bằng cử nhân cao đẳng theo chuyên ngành, chủ yếu đào tạo các ngành nghề như kế toán, xây dựng dân dụng, nông nghiệp v.v..

Giống như Cao đẳng Cộng đồng, các trường cao đẳng khác cũng có chương trình liên thông đại học.

Và các trường cao đẳng chủ yếu tuyển những thí sinh có điểm số thi tuyển sinh đại học quá thấp không vào được đại học.

Bảng 1: Bảng thống kê thành lập các trường Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam

Tên trường

Ngày/năm

Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

hiện trạng

1

Cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng

30/8/2000

No. 3634/QD-BGDDT

Đang hoạt động

2

Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp

31/8/2000

No.3633/QD-BGDDT

Đang hoạt động

3

Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang

01/4/2002

No. 1368/QD-BGDDT

Đang hoạt động

4

Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội

19/12/2005

Đang hoạt động

5

Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây

03/10/2003

No. 5345/QD-BGDDT

Đang hoạt động

6

Cao đẳng Cộng đồng Bà Rịa-Vũng Tàu

/2000

Đang hoạt động

7

Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long

01/4/2002

No. 1369/QD-BGDDT

Đang hoạt động

8

Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang

01/8/2005

No. 4128/QD-BGDDT

Đang hoạt động

9

Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng

08/06/2006

No. 2917/QD-BGDDT

Đang hoạt động

10

Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận

13/12/2000

No.3519/QD-BGDDT

Exists

11

Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau

20/9/2007

No. 5986/QD-BGDDT

Đang hoạt động

12

Cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh

2000

2006 trở thành Đại học địa phương 4 năm

13

Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi

2000

2007 trở thành đại học địa phương 4 năm

14

Cao đẳng Cộng đồng Tiền Giang

2000

2005 trở thành đại học địa phương 4 năm

15

Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu

2008

Đang hoạt động

16

Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai

2011

Đang hoạt động

17

Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn

2010

Đang hoạt động

Nguồn: Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam (VACC)

Một lựa chọn khác được đưa ra năm 1998 là loại trường cao đẳng nghề chủ yếu đào tạo thực hành các lao động có kỹ năng về cơ khí, sửa chữa ô tô v.v...

Những trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật - nghề này do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý cùng với giám sát 693 trường trung học nghề và 997 trung tâm đào tạo nghề.

Cuối cùng, cộng thêm một tầng nấc quản lý khác vừa quan liêu vừa chồng chéo là các trường trực thuộc các Bộ chuyên ngành khác như Xây dựng, Văn hóa-Thể thao và Du lịch v.v… cũng có các cơ sở đào tạo theo lĩnh vực riêng của họ.  

Năm 2016, thêm vào số 14 Cao đẳng Cộng đồng, các cơ sở Giáo dục Đại học của Việt Nam có 209 trường đại học và 217 trường cao đẳng (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành tương thích) và 190 trường cao đẳng nghề (do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý) (Báo cáo của Hiệp hội các Đại học, Cao đẳng Việt Nam, 2016);

VACC cũng có 67 thành viên là các trường và cá nhân, 59 thành viên trong nước Việt Nam và 8 thành viên là cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Sự phát triển của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam (1) ảnh 5Bức tranh về giáo dục khai phóng dưới góc nhìn của Giáo sư Lâm Quang Thiệp

Ngoài số trường đã xác định tên gọi Cao đẳng Cộng đồng, các thành viên của Hiệp hội này gồm 3 trường đại học khởi thủy vốn là Cao đẳng Cộng đồng.

Các thành viên khác là một số cao đẳng và trường nghề có quan tâm tới nguyên tắc và triết lý Cao đẳng Cộng đồng.

VACC cũng tích cực khuyến nghị liên kết liên thông mạnh hơn giữa các trường đào tạo kỹ thuật - nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý với các Cao đẳng Cộng đồng, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, khi chú ý tới tác động tiềm năng mất cân đối về biến đổi khí hậu và thiên tai ở nông thôn, VACC cũng thể hiện quan tâm xây dựng một dự án nghiên cứu bảo vệ môi trường với trọng tâm là những vấn đề liên quan.

Con đường dẫn đến trạng thái được chính thức công nhận 

Vaira (2004) mô tả quá trình các cơ sở Giáo dục Đại học thích nghi với toàn cầu hóa khi có quá nhiều xung đột, kháng nghị và bất đồng ý kiến, cũng như khi có yêu cầu hòa giải, thích ứng, chuyển dịch và sáng tạo.

Cái quá trình mà các Cao đẳng Cộng đồng trở thành một phần của hạ tầng cơ sở Giáo dục Đại học Việt Nam – về thực chất, phản ứng của chúng đối với Toàn cầu hóa – phản ánh một loạt các quan tâm, cân nhắc, xem xét bối cảnh kinh tế, chính trị và văn hóa.

Phần dưới đây sẽ tóm tắt các nhân tố trong nước có thể đã làm chậm con đường tiến tới trạng thái chính thức mà nhiều trường Cao đẳng Cộng đồng muốn có. 

Di sản kế thừa về văn hóa

Trong khi lãnh đạo cao cấp của Đảng và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn thấy Cao đẳng Cộng đồng là nhu cầu cấp bách về kinh tế của đất nước để lôi kéo giới chủ sử dụng trả lương cao cho lao động lành nghề, thì các lãnh đạo chính quyền địa phương lại thiếu nhiệt tình, thờ ơ và không như người dân của họ ở địa phương.

Sự phát triển của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam (1) ảnh 6Giáo dục đại học và kinh nghiệm phân tầng ở Việt Nam

Danh tiếng là nhân tố quan trọng: giới lãnh đạo cấp tỉnh chỉ muốn có riêng trường đại học của tỉnh mình mà dường như có uy tín hơn là trường cao đẳng (Epperson, 2010).

Giáo dục đại học/bậc ba nằm trong dòng chảy như vậy ở Việt Nam nên các số liệu tuyển sinh khó mà có thể so sánh.

Nhưng xu thế chung, căn cứ theo kỳ thi tuyển sinh quốc gia đại học, cao đẳng năm 2016, cho thấy rằng cả cao đẳng cộng đồng và các cao đẳng khác tiếp tục đương đầu với những thách thức về tuyển sinh (Anh & Huyen, 2016) trong khi chỉ có một số ít sinh viên đã nộp đơn đăng ký vào học đại học mới được chấp nhận.  

Chẳng hạn, năm 1994 có một đề án xây dựng thí điểm trường Cao đẳng Cộng đồng ở Hải Phòng, thành phố cảng cách Hà Nội 100 km về phía Đông, đã bị bỏ rơi bởi vì quan chức chính quyền địa phương muốn có một đại học quốc gia như ở Hà Nội.

(Nhiều tỉnh cũng có khuyến khích tài chính để nâng cấp Cao đẳng Cộng đồng thành trường đại học mà kinh phí dựa vào phần tuyển sinh để thu học phí, và trường đại học dường như có thể lôi kéo được nhiều sinh viên vào học hơn). 

Chính trị và quyền lực

Sự nghi ngờ, không tin vào Mỹ còn tiếp tục dai dẳng kéo dài thậm chí cả khi hai nước hướng tới chuẩn bị bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995.

Một số đảng viên quan chức đã chống lại nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn nghiên cứu mô hình Cao đẳng Cộng đồng bởi vì họ cho rằng mô hình này có xuất xứ ra đời ở Mỹ.

Năm 1994, Chính phủ Mỹ đề xuất một dự án 4 triệu USD để thành lập một Cao đẳng Cộng đồng thí điểm ở Việt Nam với điều kiện phải hoàn thành giải ngân trước thời điểm hai nước công bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

Lúc đó, quan chức thành phố Hải Phòng từ chối, còn tỉnh Hòa Bình – nơi có công trình thủy điện sông Đà do Liên Xô xây dựng – đã hy vọng khai thác khả năng thực hiện dự án này.

Nhưng khi chuyên gia cố vấn Hoa Kỳ muốn được xem bản đồ mặt bằng tổng thể thành phố, các quan chức cao cấp ở một vài Bộ đã không cho phép với lý do đó là tài liệu bí mật quốc gia.

Khuyến nghị của một chuyên viên cấp Bộ (là đồng tác giả bài viết này), người đã trực tiếp đi nghiên cứu mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Canada và Hoa Kỳ, đã đề xuất nên chấp thuận mô hình quản trị Giáo dục Đại học công lập Bắc Mỹ nhưng đã bị từ chối, vì cấp trên cứ khăng khăng muốn Đảng phải tiếp tục giữ độc quyền quyết định về công tác học thuật trong các trường đại học và cao đẳng công lập.

(Còn nữa)

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh/Mary Beth Marklein