Sự phối hợp giữa cấp ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu còn một số vướng mắc

27/10/2022 06:52
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sự phối hợp giữa cấp ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu bên cạnh những mặt tích cực cũng cho thấy một số vấn đề xuất phát từ thực tiễn cần được quan tâm.

Ngày 26/10, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 10 (mở rộng), khóa III, nhiệm kỳ 2020-2025; hội thảo “Mối quan hệ giữa cấp ủy với hội đồng trường, ban giám hiệu trong nhà trường”; sơ kết công tác xây dựng Đảng 9 tháng năm 2022, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 và sơ kết Đề án số 02-ĐA/ĐUK ngày 2/7/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.

Phát biểu tại hội thảo “Mối quan hệ giữa cấp ủy với Hội đồng trường, Ban giám hiệu trong nhà trường”, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hiện nay, Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội có 69 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó, có 55 tổ chức cơ sở Đảng tại 55 trường đại học, học viện, cao đẳng công lập thuộc 11 bộ, ngành chủ quản khác nhau, 13 tổ chức cơ sở Đảng tại các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và 1 tổ chức cơ sở Đảng tại đơn vị hành chính.

Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Hanoimoi.com.vn

Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Hanoimoi.com.vn

Theo ông Sơn, tự chủ đại học là xu hướng tất yếu, cùng với đó là phải đổi mới mô hình quản trị khi nhà nước trao quyền tự chủ xuất hiện tiết chế hội trường thay mặt nhà nước là đại diện chủ sở hữu các bên. Đến nay, toàn bộ Đảng bộ Khối có 39/55 trường đại học, cao đẳng công lập thành lập hội đồng trường.

Trong quá trình triển khai công việc, sự phối hợp giữa cấp ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, hội đồng trường với chức năng quản trị, ban giám hiệu quản lý và điều hành, bên cạnh những mặt tích cực cũng cho thấy một số vấn đề xuất phát từ thực tiễn cần được quan tâm.

Cụ thể là về mối quan hệ giữa các ban của hội đồng trường với hiệu trưởng và các ban, phòng chức năng thuộc ban giám hiệu nhà trường; cơ chế nào để hội đồng trường thực hiện tốt chức năng quản trị mà không lấn sân hiệu trưởng và ban giám hiệu; cơ chế nào để hội đồng trường thực hiện chức năng giám sát có hiệu quả,…

Tại hội thảo, 7 đại diện trường đại học, cao đẳng đã tham luận tập trung vào các nội dung: Việc tự chủ đại học là tất yếu trong quá trình phát triển giáo dục và cần mô hình quản trị phù hợp; cấp ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu đều chung tầm nhìn, định hướng, vì mục tiêu phát triển nhà trường và quan trọng là có sự đồng thuận; dù tổ chức theo mô hình nào thì vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng vẫn phải thực hiện, khi có hội đồng trường không ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng,…

Phát biểu kết luận, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, các ý kiến tham luận nghiêm túc, chất lượng, sâu sắc, thực sự là kho tàng kinh nghiệm cả về thực tiễn và lý luận để các trường tham khảo nghiên cứu và vận dụng. Đồng chí khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến để xây dựng quy chế đưa nhà trường vào ổn định và phát triển.

Trần Lý