Theo Nghị định mới, thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ thông báo xét tuyển theo quy định tối đa là 12 tháng (quy định cũ tối đa là 6 tháng), kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 12 tháng không nhận được thông báo xét tuyển theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
Theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP, người học theo chế độ cử tuyển phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo nếu có thời gian làm việc dưới 60 tháng (đối với người học trình độ đại học, cao đẳng) và dưới 36 tháng (đối với người học trình độ trung cấp) theo sự phân công công tác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ảnh minh họa. Thanh Niên |
Quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP. Theo đó, người học theo chế độ cử tuyển phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo nếu có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo.
Bên cạnh đó, Chính vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó có quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Quy định rõ về thời gian, vốn đầu tư, điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, về vốn đầu tư, Nghị định nêu rõ dự án đầu tư thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư xin mở phân hiệu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 60 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).
Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ số lượng người học quy đổi toàn phần thời gian tại thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất.
Dự án đầu tư thành lập trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài; dự án đầu tư xin mở phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 100 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).
Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 100 tỷ đồng.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định trên.
Nghị định cũng nêu rõ điều kiện về cơ sở vật chất như diện tích đất xây dựng, số phòng học, hội trường, phòng làm việc, khu hành chính, thư viện, ký túc xá, trang thiết bị dạy học...
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Nếu đăng ký hoạt động dưới 20 năm không phải xây dựng cơ sở vật chất riêng, nhưng phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận thuê trường, lớp, nhà xưởng, các diện tích phụ phù hợp và ổn định trong thời gian ít nhất là 5 năm.