Công tác trong ngành giáo dục được hơn 32 năm, vào tháng 1/2023, cô Nguyễn Thị Vân (53 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, huyện Eakly, Đắk Lắk) được về hưu theo diện tinh giản biên chế (nghỉ hưu trước 2 năm).
Trong những năm công tác, cô đều được nhà trường đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Về hưu sớm, cô Vân được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, cô nhận được thêm hơn 2 tháng lương.
Ngoài ra, cô Vân cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả cho cô một khoản tiền là hơn 213 triệu đồng, theo diện cô nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế quy định tại Nghị định 138.
"Tôi đang chờ nhận khoản chi trả hơn 213 triệu đồng trên, với tôi số tiền này là rất to lớn và ý nghĩa để an hưởng tuổi già", cô Vân nói.
Cô Nguyễn Thị Vân chụp hình cùng các học sinh khi còn công tác. (Ảnh: NVCC) |
Nữ giáo viên chia sẻ, trước đây khi cô còn công tác, mức lương của cô là 16 triệu đồng/tháng, do được hưởng các chính sách. Khi về hưu sớm, cô nhận được lương hưu bằng 1/2 lương khi còn công tác. Tuy nhiên, bù lại cô được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già sớm hơn và "dành chỗ" cho lớp thế hệ trẻ.
Hiện nay hằng tháng, cô Vân nhận được hơn 8 triệu đồng tiền lương hưu. Cô cho hay, với số tiền đó đủ để cô trang trải cuộc sống ở quê nhà.
"Các giáo viên trong trường của tôi trước đây, kể cả giáo viên dạy hợp đồng cũng tham gia bảo hiểm xã hội, bởi họ hiểu rõ được tính ưu việt khi tham gia, đặc biệt khi về già", cô Vân nói.
Theo cô Vân, dù cô rất ít khi đến bệnh viện để khám chữa, nhưng mỗi lần đến thì cô đều được bảo hiểm y tế chi trả 95%. Điều này giúp cô và gia đình giảm bớt được gánh nặng về kinh tế.
Khác với cô Vân, cô Nguyễn Thị Thành (74 tuổi, Bình Vọng, Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) là giáo viên đã về hưu được 20 năm (về hưu năm 2003 - phóng viên) nhưng khi cô về hưu không được hưởng nhiều chế độ chính sách đãi ngộ tốt như hiện nay.
"Ngày xưa khi mới nghỉ hưu, mức lương hưu thấp nên tôi vẫn phải cấy hái để bớt tiền đong gạo. Có những hôm tôi đi gặt lúa từ 2 giờ sáng, xong về lại chuẩn bị đồ đạc để lên lớp", cô Thành nhớ lại.
Vất vả là vậy nhưng bản thân cô vẫn thấy bản thân may mắn hơn nhiều người, khi về già cô có lương hưu hằng tháng khoảng 6 triệu đồng. Với mức lương hưu trên, cô phải chi tiêu dè dặt để lo chi phí sinh hoạt cuộc sống, cũng như phòng lúc ốm đau.
Bên cạnh mức lương hưu cố định để phòng lúc ốm đau, cô còn được bảo hiểm xã hội cấp cho tấm thẻ bảo hiểm y tế, nó như "tấm bùa hộ mệnh" giúp cô và gia đình giảm bớt gánh nặng về kinh tế.
Cô Nguyễn Thị Thành chia sẻ về lợi ích của bảo hiểm xã hội mang lại cho bản thân cô khi về hưu. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Tháng 6 vừa qua, cô Thành nằm điều trị bệnh rỗng phế quản, và viêm phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương trong khoảng nửa tháng. May mắn, cô không phải mổ. Trong quãng thời gian đó, tấm thẻ bảo hiểm y tế đã hỗ trợ cho cô và gia đình rất nhiều. Tiền giường nằm, thuốc men...đều được bảo hiểm chi trả
“Tôi chỉ phải chi trả khoảng 20 triệu đồng, nếu không có bảo hiểm thì chi phía khám chữa, điều trị tại viện sẽ rất cao. Khi được ra viện, tôi và gia đình cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải phẫu thuật”, cô Thành chia sẻ.
Hiện nay, hằng tháng cô Thành phải lên lấy thuốc và cô được bảo hiểm y tế chi trả 100%. Điều này khiến cô cảm thấy an tâm, vui vẻ bên con cháu khi bớt được gánh nặng về kinh tế.
Bà "giáo già" nhớ lại khi còn công tác, cô bị "ốm vặt" thì vẫn thường sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Đến khi về hưu, tuổi cao, bản thân cô mắc nhiều bệnh như tiểu đường, hằng tháng cô vẫn đi vào khám sức khỏe định kỳ.
“Tuy nhiên những năm gần đây, tôi không khám ở tuyến huyện do bệnh viện cấp thuốc có những loại là thuốc ngoại không có tại bệnh viện”, cô Thành nói.
Các cô chia sẻ, xung quanh có nhiều người bằng tuổi, lúc còn ở độ tuổi lao động nhiều người nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần và không tham gia tiếp. Đến nay, khi ở độ tuổi về già, hàng tháng không có tiền lương hưu nên khá vất vả. Các cô cảm thấy may mắn vì khi còn công tác đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.