Những ngày vừa qua, sự việc cô T.P.H., giáo viên chủ nhiệm giáo lớp 4/3, Trường tiểu học Chương Dương, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xin hỗ trợ tiền của phụ huynh trong lớp để mua laptop cho cá nhân đã gặp phải nhiều phản ứng của dư luận xã hội.
Phải nói thẳng, đây là sự việc rất đáng buồn, đáng trách vì nó đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy đang đứng trên bục giảng. Việc nhà trường tạm thời ngưng không bố trí lớp cho cô T.P.H., giảng dạy trong thời gian đang giải quyết vụ việc là việc làm cần thiết đối với giáo viên này.
Bởi, hàng triệu nhà giáo đang công tác ở các nhà trường trên cả nước, nhiều thầy cô đang công tác ở những vùng khó khăn cũng chẳng ai có “đủ can đảm” đi xin phụ huynh góp tiền để laptop cho riêng mình như cô giáo T.P.H., – một giáo viên đang công tác tại Quận 1- Thành phố Hồ Chí Minh.
Cô giáo T.P.H., đã sai ngay từ đầu…
Dù không phải là giáo viên công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã đọc được thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có hướng dẫn tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên (nêu rõ các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục khác theo quy định).
Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa hội phụ huynh để thu tiền ngoài quy định
Vậy mà một giáo viên đang làm công tác chủ nhiệm và công tác tại địa bàn Quận 1-Thành phố Hồ Chí Minh, lẽ nào cô giáo T.P.H., lại không biết thông tin này? Hay cô giáo viên mà vẫn cố tình xin phụ huynh hỗ trợ mình?
Từ lâu, vấn đề tiền bạc bao giờ cũng khá nhạy cảm. Những lúc khó khăn, đến cả người thân trong nhà nhiều khi chúng ta cũng còn phải đắn đo mới dám mở lời xin giúp đỡ. Vậy nhưng, cô giáo T.P.H., rất thản nhiên nhắn tin cho phụ huynh lớp mình: “Hôm thứ Bảy cô có xin phụ huynh hỗ trợ cái máy laptop khoảng 5,6 triệu. Và cô đã mua cái máy 11 triệu thì cô bù vào 5 triệu. Và cái laptop này là của cô. Phụ huynh có đồng ý không”.
Đọc những thông tin trên báo chí, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy xấu hổ thay cho cô giáo này. Từ bao giờ, giáo viên có cái quyền đi xin phụ huynh hỗ trợ tiền để mua sắm cho mình vậy? Không biết, khi nhắn những tin này, cô giáo T.P.H., đã suy nghĩ kĩ chưa và những năm học vừa qua cô có làm những điều tương tự?
Điều đáng buồn là những phụ huynh lớp 4/3 do cô T.P.H., chủ nhiệm có phụ huynh đồng ý; có phụ huynh không đồng ý; có người không có ý kiến. Nhưng khi phụ huynh “không đồng ý” trước bình chọn do cô tạo ra thì cô hỏi người không đồng ý “là phụ huynh của bé nào”.
Cô hỏi “là phụ huynh của bé nào” để làm gì? Nếu nhà trường không tạm thời ngưng bố trí lớp cho cô T.P.H., giảng dạy thì liệu cô giáo truy ra phụ huynh kia biết đâu sẽ có những hệ lụy đối với những bé có phụ huynh “không đồng ý”.
Giá như, sau sự việc như vậy, cô giáo phải nhìn ra cái sai của mình. Thế nhưng, cô còn tiếp tục nhắn lên group của lớp: “Tối qua và sáng nay cô đã nhận nhiều tin nhắn và điện thoại của phụ huynh năn nỉ cô nhận phần hỗ trợ của lớp. Cô xin nói rõ quan điểm của cô là cô không nhận nha phụ huynh. Và cô cũng không phải soạn đề cương ôn tập cho các con. Cô thống nhất bài ôn và phụ huynh tự ôn ạ...".
Nói thật, hành động “dỗi” theo kiểu ban phát kiến thức càng khiến dư luận bất bình. Nhà giáo có thể nghèo về vật chất nhưng không thể nghèo lòng tự trọng. Sự việc của cô T.P.H., vừa qua là điều đáng hổ thẹn.
Đánh đổi lòng tự trọng của người thầy
Bản thân người viết bài cũng là một giáo viên đang giảng dạy ở một trường phổ thông tại một địa phương mà điều kiện kinh tế còn một khoảng cách rất lớn mới bằng nơi cô giáo T.P.H., đang công tác. Bởi, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay, ngoài chế độ lương, phụ cấp như các tỉnh, thành khác còn có chế độ chi thu nhập tăng thêm theo quý.
Song, chúng tôi vẫn đang “sống được” bằng đồng lương theo cách của riêng mình và chuyện máy tính, máy in tất nhiên là phải bỏ tiền túi ra mua từ hàng chục năm về trước. Bởi, giáo viên là một viên chức, cũng giống như bao nhiêu những công chức, viên chức khác đang được nhà nước trả lương và làm việc theo hợp đồng lao động.
Những vật dụng, phương tiện cá nhân, phục vụ cho công việc mình thì mình phải tự sắm, chứ không ai đi lợi dụng từ phụ huynh. Vì thế, sự việc cô giáo T.P.H., gây sốc cho nhiều người và đụng vào lòng tự trọng của nhiều thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng.
Sự việc của cô giáo xin hỗ trợ laptop là cá biệt và đây cũng là một bài học đắt giá cho cô giáo này. Bởi, sau khi xin ý kiến của phụ huynh và khóa bình luận thì kết quả đã không nhận được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh.
Vì thế, cô giáo đã nhắn: “Đến hiện tại có 26 người đồng ý - 03 PH (phụ huynh) không đồng ý - Còn 09 PH không ý kiến. Đã có PH không đồng ý thì cô sẽ không nhận nhé PH. Cô tự mua và tự sử dụng. Còn máy in cô cũng tự mua luôn nha PH. Cô không nhận gì của PH cả. Cô chân thành cảm ơn PH”.
Cô không nhận là đúng, hay nói đúng hơn là cô không đáng được nhận bởi vì cô không thuộc đối tượng cần được giúp đỡ, hỗ trợ và cô cũng không có quyền xin hỗ trợ từ phụ huynh học sinh như vậy.
Sự việc cô giáo T.P.H., giáo viên chủ nhiệm giáo lớp 4/3, Trường tiểu học Chương Dương, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đang gây ồn ào đối với dư luận rồi đây cũng sẽ khép lại nhưng nó lại khiến nhiều câu hỏi nảy sinh.
Rốt cuộc, cô giáo T.P.H., cũng không nhận được gì từ phụ huynh nhưng cái mất của cô giáo này sẽ rất nhiều. Toàn bộ khoản tiền cô giáo đã nhận đóng góp từ phụ huynh để mua máy tính cũng phải hoàn trả lại.
Trước mắt, cô đang bị trường tạm thời ngưng bố trí lớp giảng dạy và biết đâu những mức án kỉ luật cô phải nhận sẽ còn cao hơn nữa. Danh dự của một người giáo viên cũng bị mai một trong mắt đồng nghiệp, phụ huynh…Điều quan trọng là hành động của cô giáo T.P.H., đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, đến ngôi trường cô đang công tác.
Tuy nhiên, qua sự việc này dư luận cũng đặt ra những câu hỏi: Liệu cô giáo T.P.H., có phải là cá biệt trong các trường công lập? Và, đây có phải là lần đầu tiên cô T.P.H., xin hỗ trợ từ phụ huynh hay không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.