Thanh tra Sở GD Hòa Bình yêu cầu THPT Mai Châu kiểm điểm về các tồn tại, hạn chế

27/01/2024 08:17
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Kết luận thanh tra, nội dung biên bản họp cha mẹ học sinh đầu năm còn chung chung, chưa ghi rõ nội dung và số tiền các khoản thu.

Cổng thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã đăng tải Kết luận về việc thanh tra hành chính trường Trung học phổ thông Mai Châu (từ ngày 30/11/2023 đến ngày 2/12/2023) của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình.

Dạy quá 8 tiết/ngày/lớp

Về ưu điểm trong thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học; thực hiện quy chế chuyên môn, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đánh giá, nhà trường đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ và Sở.

Nhà trường đã thiết lập hệ thống hồ sơ, sổ sách quản lý đảm bảo theo Điều lệ trường phổ thông được quy định tại Thông tư 32. Việc đánh giá, xếp loại học sinh đảm bảo quy định tại Thông tư 58, Thông tư 26 và Thông tư 22 của Bộ.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn có hạn chế khi bố trí dạy quá 8 tiết/ngày/lớp. Điều này là chưa đúng hướng dẫn tại Công văn số 2213/SGD&ĐT-TrH ngày 23/11/2010 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học.

Trường THPT Mai Châu (Ảnh: FB nhà trường)

Trường THPT Mai Châu (Ảnh: FB nhà trường)

Năm học 2021-2022, việc bố trí dạy Thể dục vào tiết 1 buổi chiều là chưa hợp lý; Môn Tiếng Anh thực hiện đảo chương trình chưa phù hợp; Môn Lịch sử dạy thiếu 2 tiết ở lớp 11C, 2 tiết ở lớp 11D (Đã lập Biên bản, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giáo dục đối với trường hợp giáo viên môn Lịch sử dạy thiếu 4 tiết so với phân phối chương trình); Một số tiết dạy tự chọn bám sát chưa thực hiện cùng tiến độ với tiết học chính khóa. Năm học 2022-2023, câu lạc bộ Tiếng Anh của nhà trường hoạt động chưa thường xuyên;

Năm học 2021-2022, 2022-2023, một số tiết giáo dục hướng nghiệp chưa thực hiện chủ đề tháng nào dạy tháng đó. Năm học 2023-2024, đến thời điểm thanh tra, nhà trường còn 5 lớp 12 chưa tổ chức dạy hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

"Việc ghi chép, cập nhật thông tin tại một số hồ sơ quản lý chuyên môn còn sửa chữa, tẩy xóa, chưa đầy đủ các thông tin theo quy định. Thiết lập nhiều sổ ghi đầu bài gây khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra. Việc đánh giá, xếp loại học sinh một số lớp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế", trích Kết luận.

Hạn chế trong công tác tài chính

Về ưu điểm trong công tác quản lí tài chính, Kết luận nêu, năm 2021 nhà trường đã tiết kiệm được 52.000.000 đồng để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giáo viên nhà trường (mức chi 1.000.000 đồng/người).

Nhà trường đã tổ chức họp Hội đồng trường, Chi bộ, Ban giám hiệu, Hội đồng Sư phạm, Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, trường để trao đổi thông qua nghị quyết về việc huy động các khoản đóng góp từ cha mẹ học sinh, lập báo cáo gửi Sở và đã được Sở phê duyệt mức thu, các khoản thu, thiết lập chứng từ thu chi, mở sổ quỹ theo dõi các khoản thu, lập các biểu mẫu báo cáo theo quy định.

Công tác triển khai, thu thập hồ sơ và tiến hành xét miễn, giảm học phí cho học sinh đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn hạn chế như, một số chứng từ kế toán thiết lập chưa chặt chẽ chứng thu, chi chưa có chữ ký của người nộp, nhận tiền, thiếu giấy đề nghị cho mua hàng, thanh toán, giao nhận hàng đến người sử dụng, danh sách người nộp tiền, một số giấy tờ thiếu ngày tháng, chữ ký của hiệu trưởng, kế toán, người nộp tiền, biên bản kiểm tra cơ sở vật chất, giấy đề nghị thanh toán, thanh lý hợp đồng chưa ghi ngày tháng thanh lý...

"Giấy rút dự toán RDT số 0100 ngày 07/9/2023, thanh toán tiền hỗ trợ Hội đồng tuyển sinh vào lớp 10, chưa có đủ Quyết định thành lập Ban tuyển sinh, kế hoạch làm việc, bảng chấm công của Hội đồng tuyển sinh.

Nội dung biên bản họp cha mẹ học sinh đầu năm còn chung chung, chưa ghi rõ nội dung và số tiền các khoản thu, chưa thể hiện việc báo cáo quyết toán các nguồn thu khác với cha mẹ học sinh tại cuộc họp;

Nhà trường không triển khai thực hiện thu tiền dịch vụ photo hỗ trợ kiểm tra đánh giá, mà để cho giáo viên chủ nhiệm các lớp tự triển khai thu, quản lý, sử dụng tại các lớp. Chưa hạch toán các khoản thu thỏa thuận, thu hộ, tài trợ trên Báo cáo tài chính của đơn vị", trích văn bản.

Nhà trường còn thiếu thiết bị dạy học

Thời điểm kiểm tra, giá để thiết bị chưa có biển chỉ dẫn và thiếu nhiều hóa chất, thiết bị trong các phòng bộ môn. Nhà trường chưa được cấp kinh phí mua thiết bị dạy học theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Số lượng thiết bị dạy học nhà trường hiện có đã cũ, hỏng, thiếu so với yêu cầu về thiết bị dạy học tối thiểu theo Thông tư số 39/2021/TT- BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ, đặc biệt là các thiết bị dùng trong thí nghiệm, thực hành.

"Một số giáo viên còn ít sử dụng thiết bị dạy học do bị xuống cấp, bị hỏng, thiếu độ chính xác hoặc không đồng bộ", trích văn bản.

Đối với công tác dạy thêm học thêm của nhà trường, Kết luận cũng chỉ rõ một số tồn tại như một số học sinh viết đơn xin học thêm chưa kịp thời so với kế hoạch dạy thêm học thêm của nhà trường; Chương trình dạy thêm, học thêm một số môn học văn học 2021-2022, 2022-2023 kèm theo kế hoạch dạy thêm, học thêm chưa có phê duyệt của Sở.

Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2022, năm 2021 chưa cụ thể, chi tiết số tiền chi cho công tác quản lý đối với các đối tượng cụ thể tham gia quản lý dạy thêm.

Nhà trường tổ chức kiểm điểm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng khi để xảy ra tồn tại

Thanh tra Sở đánh giá, việc để xảy ra tồn tại, hạn chế nêu trên trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, các giáo viên, nhân viên có liên quan.

"Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, nhân viên để xảy ra các tồn tại, hạn chế nêu trên. Thực hiện xử lý trách nhiệm đối với 1 giáo viên trong lĩnh vực giáo dục (theo Quyết định số 74/QĐ ngày 4/12/2023 của Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình)", trích văn bản.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở yêu cầu, nhà trường rà soát, báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung đủ biên chế người làm việc để đảm bảo nguồn nhân lực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tổ chức thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học, thực hiện quy chế chuyên môn đảm bảo theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông; không bố trí số tiết/ buổi/ngày vượt quá quy định.

Tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học, thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên nhằm phát hiện, ngăn chặn những sai sót, khắc phục kịp thời những tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

"Khắc phục ngay các tồn tại hạn chế trong công tác quản lý, bảo quản thiết bị dạy học. Đề xuất với cấp có thẩm quyền cấp kinh phí mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo đủ theo quy định tại Thông tư số 30/201TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Trung học phổ thông...", trích văn bản.

Mạnh Đoàn