Trước nhiều ý kiến xoay quanh Dự thảo Quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), bản thân thầy cô giáo – những người trực tiếp tham gia vào quá trình đánh giá còn nhiều băn khoăn, lo lắng.
Lớp 1 thì ổn nhưng càng lên cao càng khó
Sau một năm áp dụng không cho điểm và tăng cường nhận xét với học sinh lớp 1, cách đánh giá học sinh lớp 1 được thầy cô ghi nhận điểm tích cực, tuy nhiên vẫn còn đó những bất cập.
Theo cô Phạm Thị Yến – Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho biết: “Cách đánh giá mới sau một năm áp dụng với học sinh lớp 1 ổn, việc học trở nên nhẹ nhàng đi. Nhẹ nhàng đối với học sinh, không tạo áp lực cho học sinh về điểm số, cha mẹ cũng không còn quá nặng nề về điểm số”.
Đối với học sinh lớp 1, sau một năm áp dụng cách đánh giá mới, việc học trở nên nhẹ nhàng hơn |
Cũng theo cô Yến, với cách đánh giá này, cha mẹ phải luôn theo sát con mình, làm bệ đỡ cho con, luôn theo sát chứ không phải vì không đánh giá để rồi mà lơ là, dẫn đến chủ quan. Cha mẹ luôn luôn động viên con cái mình, nâng đỡ để học tập chứ không phải tạo áp lực cho con. Bởi vì chỉ có theo sát mới biết con mình đang học ở mức độ nào. Còn về phía giáo viên, đòi hỏi người giáo viên phải mất nhiều thời gian hơn, lời nhận xét phải thiết thực hơn.
Cô Yến cũng đánh giá cách đánh giá mới với học sinh lớp 1 đã tạo tâm lý hứng thú học tập cho các em.
Về phía giáo viên, cô Hải Yến - giáo viên một trường tiểu học dân lập ở quận Bắc Từ Liêm cho rằng: “Đối với trường, luôn chú trọng cho học sinh phát triển tự nhiên, phát triển kỹ năng. Trường cũng có các chuyên gia nước ngoài về dạy cho các em, giúp các em phát huy bản thân nhiều hơn. Bản thân phụ huynh cho con học ở trường cũng có định hướng khác nhau, có phụ huynh chỉ muốn con phát triển tự nhiên, có phụ huynh lại định hướng cho con đi du học, cũng có người muốn con học trường chuyên...
Tuy nhiên, quan điểm từ trước đến nay, phụ huynh vẫn dựa vào điểm số để đánh giá kết quả học lực của con, còn với học sinh thì coi điểm số là một hình thức để phấn đấu. Nếu bỏ không chấm điểm học sinh tiểu học sẽ không tạo áp lực cho các em nhưng bất lợi là điều sẽ xảy ra”.
Cô Hải Yến cũng cho biết thêm, chẳng hạn với nhiều phụ huynh và học sinh, họ có áp lực thi vào cấp 2 nên cần việc đánh giá cho điểm để định hướng việc học và thi.
Về phía cô Hải Yến, cô vẫn còn băn khoăn với cách đánh giá mới này. Cô cho rằng có thể không cho điểm thì các em học yếu sẽ không bị tự ái với bạn bè, tuy nhiên với chỉ nhận xét của giáo viên sẽ là chung chung, học sinh không biết mình đang ở mức độ nào để sửa chữa, khi mà các em làm tốt mà chỉ khen thôi thì thiếu đi tâm lý phấn khởi như vẫn có. Đối với lớp 1 thì được, càng lên lớp trên mà đánh giá bằng nhận xét không ổn, có nhiều trường hợp học sinh về nhà có thể nói dối phụ huynh.
Là một giáo viên của trường tiểu học song ngữ ở quận Ba Đình, cô Thanh Huyền cho rằng: “Cách đánh giá này rất hay nhưng nếu muốn áp dụng cách đánh giá mới này cần phải có một quy chuẩn đánh giá, giống như thang điểm 10,9... để xếp loại học lực của học sinh. Chẳng hạn với bài tập đọc của học sinh, giáo viên có thể nhận xét cách đọc của em nhưng vẫn phải kết luận đạt hay chưa đạt, nhưng thế nào là đạt, thế nào là chưa đạt?...”.
Cân nhắc yếu tố môn học, vùng miền
Cô Thúy Ngân – giáo viên trường tiểu học ở Hà Nội cho biết: “Theo như dự thảo từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá bằng nhận xét để học sinh không bị áp lực về việc học, nhưng với giáo viên có rất nhiều khó khăn. Ví dụ như toán, chỉ đúng hoặc sai, nếu là nhận xét thì cũng rất khó nhận xét với môn toán, không lẽ nhận xét làm sai vì con chưa học thuộc bảng cộng trừ nhân chia”.
Cô Thúy Ngân cho rằng việc không đánh giá cho điểm thường xuyên thì phụ huynh và học sinh càng lơ mơ hơn về việc học của con, chỉ biết sai thôi còn không rõ là sai ở mức độ đó thì lực học của con đến đâu. Đến cuối năm đánh giá điểm, cả phụ huynh và học sinh đều sẽ “sốc” nếu con họ điểm quá kém.
Có nhiều băn khoăn về việc triển khai cách đánh giá mới này, thầy Anh Thế– giáo viên một trường tiểu học ở Thái Bình cho rằng: “Việc đánh giá làm sao phản ánh đúng chất lượng học sinh, tuy nhiên chỉ nhận xét bằng lời nói thì việc đánh giá không thể chính xác được”.
Thầy Thế cho rằng nên giữ nguyên cách đánh giá trước, vừa cho điểm có kèm lời phê nhận xét, đánh giá bằng điểm tương đối chính xác. Điểm số là để khuyến khích học sinh học, còn phụ huynh biết được con đang ở mức độ nào, chứ dùng từ ngữ để phụ huynh hiểu hết được con như thế nào cũng khó. Trong khi ở quê, toàn con nhà nông, phụ huynh trình độ không cao không biết con ở mức nào thì sao kèm được.
Còn với cô Vũ Ngoan, một giáo viên trường miền núi thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ chia sẻ rằng: “Học sinh trường chủ yếu là con em dân tộc Mường, chiếm 80 – 88%, đối tượng thuộc hộ nghèo cũng đông, như lớp cô đang chủ nhiệm có 15/25 em thuộc hộ nghèo, chỉ có 2 em người dân tộc Kinh. Có những khi vào ngày mùa, các em lớp 3, lớp 4, lớp 5 phải ở nhà giúp bố mẹ đi làm hoặc trông em. Các cô giáo phải vào tận nhà để động viên đi học. Phụ huynh cũng không có điều kiện theo dõi sát sao con cái như học sinh dưới xuôi, gặp và trao đổi với giáo viên đâu phải dễ, rồi thi ngôn ngữ, không phải phụ huynh nào cũng hiểu hết Tiếng Việt.”.
Vì thế, cô Ngoan cũng chia sẻ thêm rằng, về nhà học sinh cũng chỉ thông báo điểm số với bố mẹ, bố mẹ cũng chỉ hỏi “hôm nay con được mấy điểm”, “con có điểm nào không”... Học sinh không vui bằng khi được điểm, thể hiện ra mặt.
Tuy nhiên, cô Ngoan vẫn ủng hộ cách làm này của Bộ GD&ĐT “bước đầu chuyển đổi cách làm mới này có thể gặp khó khăn, học sinh và phụ huynh chưa quen, nhưng sắp tới thực hiện từ lớp 1 đến lớp 5 cũng có nhiều cái hay. Những em còn yếu không bị điểm kém, không bị các bạn chê cười, không xấu hổ”.
Cái khó của giáo viên, tư duy điểm số đã hình thành từ bao nhiêu năm, điều kiện gia đình ... liệu nói thay đổi là thay đổi được luôn?