Thầy cô linh hoạt các giải pháp ôn thi tốt nghiệp cùng học sinh dân tộc nội trú

19/04/2023 06:39
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường có nhiều giải pháp linh hoạt để hỗ trợ học sinh dân tộc nội trú ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. 

Tranh thủ học mọi lúc mọi nơi

Chính thức đi vào hoạt động và thực hiện công tác tuyển sinh từ năm học 2018-2019, năm nay, Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có 98 em học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Tập - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đa số học sinh của trường là người dân tộc Mông, Dao, Thái, cư trú tại ở các xã, thôn, bản biên giới với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 98 học sinh lớp 12 được chia làm 3 lớp.

Lớp học ngoài trời tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ. Ảnh: Nhà trường cung cấp
  • Lớp học ngoài trời tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ. Ảnh: Nhà trường cung cấp

  • Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra vào ngày 28-29/6 tới đây, có khoảng 70% học sinh có nguyện vọng lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Theo thầy Tập, do điều kiện học tập của học sinh khu vực miền núi còn nhiều hạn chế, học sinh học các môn tự nhiên chưa được tốt, nên chủ yếu chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi năm nay.

    Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ là một trong những trường khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Hiện trường vẫn chưa có lớp học và phòng nội trú riêng, phải dùng chung cơ sở vật chất với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Hỳ. Khi thời gian ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không còn nhiều, các thầy, cô và học trò phải tranh thủ dạy và học mọi lúc mọi nơi.

    Cũng theo thầy tập, công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của trường được tổ chức theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Học đâu chắc đó, vừa học vừa củng cố các kiến thức theo sách giáo khoa. Giai đoạn 2: Ôn tập theo từng môn học, kết hợp luyện đề theo đúng định hướng theo đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Giai đoạn 3: Ôn đề theo các tổ hợp thi và rèn luyện kỹ năng làm bài. Hiện nhà trường đã bước vào giai đoạn 2 của quá trình trên.

    Bên cạnh các lớp học chính khoá diễn ra buổi chiều, trường tổ chức các lớp phụ đạo vào buổi tối để giúp các em học sinh củng cố kiến thức, cũng như bố trí giáo viên theo sát các em trong quá trình tự học. Các lớp học này hoàn toàn miễn phí, thậm chí Hiệu trưởng, Hiệu phó... trực tiếp đứng lớp. Thầy Tập cho biết, khi trời bắt đầu vào hè, thời tiết vùng biên đỡ khắc nghiệt hơn, nhà trường sẽ tranh thủ tăng cường thêm các lớp ôn tập.

    Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tập trực tiếp giảng dạy lớp phụ đạo buổi tối. Ảnh: NVCC
  • Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tập trực tiếp giảng dạy lớp phụ đạo buổi tối. Ảnh: NVCC

  • “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngay từ khoá đầu học sinh đầu tiên tốt nghiệp năm 2021 và năm 2022 vừa qua, trường đều lọt top 5 trường của tỉnh Điện Biên có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất”, thầy Tập chia sẻ.

    Quyên góp cải thiện bữa ăn cho học sinh

    Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về truyền thống tốt đẹp nhiều năm qua của các thế hệ nhà trường: “Mỗi năm, khi sắp đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các thầy, cô giáo, nhân viên và các học sinh khối 10, 11 thường tổ chức quyên góp tiền để cải thiện bữa ăn cho em lớp 12. Ngoài ra, trường cũng huy động xã hội hoá để hỗ trợ thêm cho các em”.

    Cô Thuận cho biết đặc thù của trường phổ thông dân tộc nội trú là học sinh ăn, ngủ tại trường nên có nhiều thuận tiện cho công tác tổ chức ôn tập tốt nghiệp. Học sinh nội trú của trường đang được hưởng chế độ ăn theo học bổng theo quy định Chính phủ, bằng 80% mức lương cơ sở (tương đương 1,192 triệu đồng/tháng), tính ra tiền ăn chỉ xấp xỉ 40 nghìn đồng/ngày 3 bữa ăn. Nhà trường không thu thêm tiền của phụ huynh học sinh mà tiến hành vận động quyên góp để cải thiện thêm bữa ăn cho học sinh lớp 12 khi bước vào giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp.

    Ngoài giờ học, học sinh cũng có giờ tự học (ở các lớp ) từ 19h đến 21h30 tối hàng ngày. Trường cũng tạo điều kiện cho học sinh lớp 12 sử dụng phòng máy, phòng họp có kết nối Internet tốc độ cao để tham gia các khoá học trực tuyến. Trong thời gian này, có nhiều học sinh đã cùng viết đơn gửi ban bảo vệ trường để được sử dụng các phòng học đến tận 11h30 mới về phòng nghỉ ngơi.

    Để đánh giá sơ bộ về chất lượng, học sinh lớp 12 của nhà trường đã tham gia kỳ thi khảo sát do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Sau đó, nhà trường lập danh sách những học sinh có điểm dưới 5 để có kế hoạch ôn tập riêng theo từng môn học. Với những em học lực trung bình, trường sắp xếp các nhóm ôn tập gồm 3-4 em, còn nếu kém hơn, trường sẽ bố trí giáo viên kèm 1 thầy 1 trò.

    Học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Fanpage nhà trường
  • Học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Fanpage nhà trường

  • Năm học 2022 - 2023, khối lớp 12 của trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn có 7 lớp với tổng số 213 em học sinh. Theo cô Thuận, học sinh của trường đa số chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên để dự thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như xét tuyển vào các trường đại học.

    “Năm 2022, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của trường thuộc tốp cao nhất tỉnh Lạng Sơn. Về xét tuyển đại học, chủ yếu các em sử dụng phương thức truyền thống là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp. Tỷ lệ trúng tuyển đại học của trường năm trước là 73.3%”, cô Thuận cho biết.

    Đối với một số học sinh có nguyện vọng tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng của các cơ sở giáo dục đại học, gia đình đều cố gắng sắp xếp để đưa các em xuống Hà Nội thi. Cô Thuận cho biết, do điều kiện nhiều gia đình học sinh vẫn còn khó khăn nên cũng hạn chế khả năng tiếp cận các kỳ thi riêng tại các cơ sở giáo dục đại học của các em.

    Trịnh Trang