Thiết kế CT môn Lịch sử trong GDPT mới có phù hợp tinh thần Nghị quyết 29 không?

29/05/2022 09:59
Linh Hương (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các tác giả thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới phân chia rõ ràng các môn bắt buộc và lựa chọn như vậy là hợp lý với Luật Giáo dục 2019, Nghị quyết 29.

Việc Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 đang trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Xung quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chuyên gia về Phát triển chương trình, hiện đang là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Vừa qua, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông trong Chương trình phổ thông mới thay vì là môn lựa chọn như đã thiết kế. Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thấy đề nghị như vậy có hợp lý không, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Về câu hỏi này, trước hết tôi chưa bàn đến chuyện hợp lý hay chưa nhưng nếu chuyển môn Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc thì 2 khả năng có thể xảy ra.

Khả năng thứ nhất: Giữ nguyên chương trình giáo dục phổ thông mới (bao gồm cả chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học) đã ban hành, chỉ có điều chỉnh môn Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc ở bậc trung học phổ thông.

Khả năng thứ hai: Phải cấu trúc lại toàn bộ từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như chương trình của môn Lịch sử.

Phóng viên: Vậy giả định theo khả năng thứ nhất tức là giữ nguyên toàn bộ chương trình đã ban hành, chỉ điều chỉnh môn Lịch sử, vậy khi đó sẽ có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo lý thuyết về phát triển chương trình ở tất cả các bậc học thì nội dung của môn học có thể được cấu trúc theo 2 phương thức: tiếp nối và đồng tâm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

Ví dụ, đối với cấu trúc tiếp nối ở môn Lịch sử được thể hiện ở bậc tiểu học, trung học cơ sở tập trung vào lịch sử cổ đại, trung đại còn bậc trung học phổ thông thì dạy về lịch sử cận đại và hiện đại.

Còn cấu trúc đồng tâm thể hiện thông qua việc bậc tiểu học, trung học cơ sở dạy toàn bộ lịch sử từ cổ đại đến hiện đại còn bậc trung học phổ thông cũng dạy những nội dung đó nhưng ở mức nâng cao và có mở rộng hơn.

Thông thường, đối với bậc học nền tảng thì kiến thức môn học được cấu trúc theo kiểu tiếp nối, còn ở các giai đoạn nâng cao thì sẽ được thiết kế theo cấu trúc đồng tâm. Đối với cấu trúc kiểu tiếp nối thì các môn học đó phải là môn bắt buộc, còn thiết kế theo kiểu đồng tâm thì môn học đó không nhất thiết phải là môn học bắt buộc cho mọi học sinh thuộc cấp học.

Đối chiếu với chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy, chương trình được phân làm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản kết thúc ở lớp 9 và giáo dục hướng nghiệp bắt đầu từ lớp 10.

Trong số đó, Lịch sử là môn bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng trở thành môn lựa chọn ở giai đoạn hướng nghiệp và được thiết kế theo kiểu đồng tâm. Khi đã là nội dung được thiết kế theo kiểu đồng tâm thì không thể xem đó là nội dung bắt buộc với tất cả học sinh được. Và nếu trở thành môn bắt buộc thì sẽ gây ra tình trạng quá tải với số lượng lớn học sinh trung học phổ thông khi đã có định hướng phân hóa.

Tôi cho rằng, các tác giả thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới phân chia rõ ràng các môn bắt buộc và lựa chọn như vậy là hợp lý với Luật Giáo dục 2019 và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương. Cụ thể:

Điểm b, Khoản 2, Điều 30, Luật Giáo dục 2019 đã nêu rõ: “Giáo dục trung học cơ sở củng cố, phát triển nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc…”

Nghị quyết 29 nêu: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.”

Vậy theo giả định thứ hai thì sao, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Nếu chuyển Lịch sử từ môn lựa chọn mà sang bắt buộc thì chỉ có thể là chuyển một phần của chương trình Lịch sử bậc trung học cơ sở sang chương trình Lịch sử bậc trung học phổ thông để đảm bảo theo cấu trúc tiếp nối. Bởi vì chương trình ở trung học cơ sở hiện nay đều bao gồm toàn bộ kiến thức từ cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại chứ không thể lấy các nội dung thiết kế đang có cho bậc trung học phổ thông để chuyển thể thành nội dung bắt buộc.

Khi đó thì phải thay đổi lại cấu trúc toàn bộ của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nội dung và thời lượng của môn Lịch sử và các môn khác. Điều này dù có thật sự cần thiết thì cũng không thể xóa đi làm lại mà hoàn thành trong thời gian 3 tháng để bước vào năm học mới 2022-2023.

Chưa kể, những kiến thức được thiết kế trong chương trình trung học phổ thông là kiến thức nâng cao, ví như các nền văn minh thế giới thời kỳ cổ-trung đại, các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới, văn minh Đông Nam Á, lịch sử văn hóa-tư tưởng-tôn giáo, di sản văn hóa, làng xã Việt Nam….thì những nội dung này không chỉ dạy ở bậc trung học phổ thông mà thường có trong chương trình giáo dục đại cương ở bậc đại học dưới dạng lựa chọn.

Do đó, nếu lấy nội dung kiến thức thuộc về giáo dục đại học dạy cho bậc học thấp hơn (trung học phổ thông-PV) thì chỉ có thể lấy một ít và đưa vào dưới dạng môn tự chọn chứ không thể là môn bắt buộc.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến.

Linh Hương (thực hiện)