Thủ khoa, thứ hạng các địa phương về điểm thi tốt nghiệp và căng não chọn trường

25/07/2023 06:36
TS Nguyễn Hoàng Chương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với các em 2005, nếu phải buồn, chán, áp lực khi chưa đạt nguyện vọng, hãy nhanh chóng cân bằng trạng thái.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 vào 8 giờ ngày 18/7. Ngay sau đó, các báo có nhiều bài viết, thống kê kết quả điểm thi của 63 tỉnh thành trong cả nước; Kết quả từng môn thi, xếp hạng; Thủ khoa toàn quốc, thủ khoa của tỉnh, thủ khoa của khối (B00, A00, D01, ...); Dự báo điểm chuẩn; Thí sinh duy nhất điểm 10 môn Văn; Thí sinh bị gãy tay được giám thị chép hộ bài thi đạt 47,85 điểm; Cựu chiến binh 51 tuổi đậu tốt nghiệp; Trưởng thôn đã tốt nghiệp... Nhờ vậy, độc giả có cái nhìn toàn cảnh bức tranh thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Trên trang facebook một nhà giáo, thầy đưa biểu đồ điểm môn tiếng Anh cùng với đôi dòng nêu quan điểm cho rằng: sự khác biệt giữa có - học thêm và không - có - học - thêm. Dưới bài viết này có nhiều ý kiến bình luận ý nhị. Kỳ thi với hơn 1 triệu thí sinh tham gia, tính gộp quan hệ bắc cầu, ngót nghét gấp 10 lần. Sự vào cuộc quyết liệt, cẩn trọng của nhà quản lý, sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân, thu hút sự rầm rộ của báo chí là tất yếu!

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Những bài viết hình ảnh khuôn mặt rạng rỡ, kết quả thi cao ngất của các thủ khoa, á khoa, ai cũng chung vui, chúc mừng các em, nhà trường, gia đình. Những học trò giỏi, chăm, ngoan, thành tích học tâp, thi cử cao luôn truyền cảm hứng cho mọi người. Có em khẳng định bản thân bằng tự học làm sáng chân lý: “Việc học cốt là ở tự học”. Muốn có học trò tự học thì phải dạy, giáo dục cách tự học; để dạy học trò tự học thì thầy cô, ba mẹ phải là tấm gương tự học. Chương trình, sách giáo khoa, thi, quản trị giáo dục các cấp làm sao nhất quán, thực sự làm cho giáo viên thích tự học, thấy cần tự học mà rèn chuyên môn - xem ra vẫn là thách thức lớn. Thực tế, năng lực tự học của thầy cô còn ở các mức độ khác nhau. Lấy đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Vật lý năm nay kiểm tra giáo viên đang dạy Vật lý lớp 12 bao nhiêu thầy cô hoàn tất (có kết quả đúng) trong 50 phút làm bài? Bao nhiêu giáo viên đạt 8,5 điểm trở lên cũng trong thời gian đó? Thực trạng đó, cùng với nhiều yếu tố khác, nên phụ huynh và học sinh lớp 12 nếu muốn có kết quả thi tốt để vào các trường top khó có lựa chọn nào khác ngoài đổ xô đi học thêm. Cá nhân tôi e rằng, các môn khác cũng tương tư môn Vật lý.

Các tỉnh thành có thứ hạng rất cao trong bảng xếp hạng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, .... Trong top 10, có hai đại diện của phía Nam là Bình Dương và An Giang, 8 tỉnh thành còn lại thuộc về phía Bắc, miền Trung. Nhóm 5 tỉnh có điểm thi thấp nhất đều thuộc 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ): Đắk Nông, Trà Vinh, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Giang. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành giáo dục có nhiều chính sách phát triển văn hóa, giáo dục tại đây. Song, kết quả thi tốt nghiệp cho thấy, cần tiếp tục đầu tư để giảm bớt khoảng cách, phát triển dân trí, đẩy mạnh khởi nghiệp, phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 khu vực này, cải thiện cuộc sống của bà con các dân tộc... “Đội sổ” điểm thi tốt nghiệp năm nay là Hà Giang, tỉnh này có khó khăn do khách quan. Để cải thiện tình hình, cần thời gian với những biện pháp đúng đắn, sâu sắc, phù hợp và linh hoạt. Gốc rễ vấn đề là động lực và năng lực giảng dạy của giáo viên, sự chăm chỉ của học sinh, sự tác động của ban giám hiệu các trường, cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương, sự phối hợp của phụ huynh. Với giáo dục, “cứng” quá khi triển khai sẽ không mang lại đổi thay mong muốn. Áp lực phi tích cực làm yếu sự hợp tác và thui chột nỗ lực cá nhân. Cần sự tư vấn của ngành giáo dục, đào tạo với địa phương, giúp giáo dục tại đây phát triển nhanh, chắc, thật!

Quan sát, theo dõi các chia sẻ từ các trường, địa phương năm nay, cá nhân người viết nhận thấy, các đơn vị dường như đã “quên” tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Cuộc đua mang sắc mới, nhiều điểm 10, ít điểm liệt, thủ khoa, á khoa, số học sinh vào đại học top cao, …, có mang lại sự thay đổi về dạy, học, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng học thật, thi thật hay không?

Lúc này đây, cần đánh giá khách quan, trung thực ở bình diện vĩ mô để tiếp tục điều chỉnh, cải tiến khâu đánh giá trong chuỗi dạy học, giáo dục. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, chắc hiệu ứng vi mô - góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thời điểm này, thí sinh và gia đình các em căng thẳng chọn nguyện vọng để hiện thực hóa ước mơ vào giảng đường đại học. Hàng loạt trường đại học công bố điểm sàn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bước vào giai đoạn then chốt. Đầu vào khó, rất khó, đòi hỏi quá trình đào tạo thay đổi để đầu ra hài hòa mục tiêu cá nhân và nhu cầu xã hội. Làm sao, căng đầu vào, đầu ra đại học thực sự phải là những nhân lực có chất lượng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Giáo dục nghề nghiệp hãy tận dụng cơ hội, làm tốt công tác tuyển sinh, nâng cấp cơ sở vật chất, rèn tay nghề đội ngũ giảng viên; giảng dạy gắn với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay sẽ tạo niềm tin, thực sự cung cấp “dịch vụ cho khách hàng”. Sau một thời gian học - hành tại trường, người học tự tin vào đời - ngoài tấm bằng - là tay nghề thạo, cùng năng lực và phẩm cách - năng động lập nghiệp. Được vậy, nhiều người theo học nghề, có việc làm, “ nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” - hành trình, đích đến của gia đình, nhà trường, xã hội.

Cuối cùng, với các em 2005, nếu phải buồn, chán, áp lực khi chưa đạt nguyện vọng, hãy nhanh chóng cân bằng trạng thái. Xuất phát điểm, đường trần mỗi người một khác, bệ phóng thấp càng cần sự mạnh mẽ của ý chí, rực lửa của trái tin và cường tráng của cơ thể. Không gì là không thể - như một chân lý - đại học không là cứu cánh duy nhất!

TS Nguyễn Hoàng Chương