Thứ trưởng Bộ GDĐT nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm ngành giáo dục TP.HCM cần đẩy mạnh

24/08/2023 08:59
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thứ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học mới của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 23/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm học 2022 – 2023, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023 – 2024.

Đến tham dự hội nghị này có ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, toàn thành phố đưa vào sử dụng 51 dự án, với 874 phòng học mới, tổng mức đầu tư là hơn 2.200 tỷ đồng.

Trong năm học vừa qua cũng là năm học đầu tiên, Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên áp dụng việc đăng ký, nhập học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Cha mẹ học sinh kiểm tra lại thông, xác nhận nhập học trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh đầu cấp. Hồ sơ, giấy tờ chỉ nộp tại trường sau khi đã xác nhận nhập học.

Ngoài ra, đây cũng là năm đầu tiên thành phố thí điểm áp dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong tuyển sinh đầu cấp tại 3 quận là 8, Tân Bình và Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức.

Học sinh sẽ được học trường ở gần nơi cư trú, không phân biệt địa giới hành chính phường.

Về kết quả dạy học, nhất là với môn tiếng Anh thì tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 mới đây, học sinh Thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa lại có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước.

Đây là vị trí mà thành phố đã duy trì trong suốt 7 năm nay gần đây.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngân sách của thành phố dành chi cho giáo dục luôn được xem xét tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách dành cho đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn của ngành giáo dục và đào tạo thành phố.

Đó là: Tiến độ xây dựng trường lớp dù được quan tâm, song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển hiện nay, do tình hình tăng dân số cơ học ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, đặc biệt là tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Cùng lúc, ở nhiều nơi thì đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu số lượng, cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018,

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, từ nhiều năm nay, thành phố luôn coi phát triển giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng và khả năng sáng tạo của học sinh, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã ghi nhận, biểu dương những thành tích đáng khích lệ của ngành giáo dục thành phố đã đạt được trong năm học 2022 – 2023.

Ngoài những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đề nghị thành phố quan tâm, khắc phục một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn trung bình chung của cả nước, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa được như mong đợi, tỷ lệ học sinh/trường cao so với trung bình chung của cả nước, nhiều địa phương thiếu quỹ đất xây trường, một số cơ sở giáo dục mầm non tư thục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Trong năm học mới sắp đến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh đến 5 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh. Đó là:

Các tập thể lao động xuất sắc được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng giấy khen (ảnh: V.D)

Các tập thể lao động xuất sắc được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng giấy khen (ảnh: V.D)

Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền, quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch, tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở.

Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.

Thực hiện linh hoạt bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các điều kiện đảm bảo về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Đến tham dự và phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ngành giáo dục của thành phố cần tập trung vào ba mục tiêu quan trọng, gồm:

Thứ nhất: Xây dựng môi trường giáo dục tử tế, phát triển mô hình trường học hạnh phúc.

Thứ hai: Có giải pháp hài hòa giữa việc xây dựng trường học chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế nhưng vẫn đảm bảo công bằng, kéo giảm khoảng cách về chất lượng giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo, đảm bảo con em thành phố đều được cung cấp môi trường và dịch vụ học tập tốt nhất.

Thứ ba: Phát triển giáo dục theo hướng thực chất, thông qua việc kiểm định chất lượng giáo dục và kết quả các kỳ thi của học sinh.

Được biết, trong năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra 14 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Tăng cường phân cấp, phần quyền trong quản lý.

Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Tăng cường công tác chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên.

Xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể dục thể thao, y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai và dịch bệnh.

Hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong ngành.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018,

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong ngành.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Việt Dũng