Ngày 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các kết quả đã đạt được và ghi nhận các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đề án. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt 93,1%, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí cho người dân. Rất thiết thực”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ |
Trong khuôn khổ hội nghị, báo cáo tham luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày nêu rõ: Trong đề án 06, ngành giáo dục có hai nhiệm vụ trọng tâm. Đó là kết nối dữ liệu cơ bản hoàn thành, đạt khoảng 80%; hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký dự thi cùng với xét tuyển trực tuyến đối với thí sinh lớp 12.
Năm 2022, hệ thống này hướng tới giúp toàn bộ việc khai báo thông tin của thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học (nộp các hồ sơ, minh chứng, giấy tờ) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Thông tin của 1 triệu thí sinh phải kết nối với cơ sở dữ liệu ngành để thí sinh không phải khai lại thông tin cá nhân đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu ngành và chỉ bổ sung thông tin cần thiết của kỳ thi.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân (học sinh và phụ huynh học sinh), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nâng cấp và mở rộng nền tảng đăng ký xét tuyển cũng như xử lý nguyện vọng trực tuyến cho trên 900 nghìn thí sinh có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Nền tảng này có trên 900 nghìn thí sinh tương tác, trên 300 trường đại học, cao đẳng tham gia; với 20 phương thức xét tuyển khác nhau năm 2022; trên 400 nghìn lượt mã ngành.
Thông thường, trung bình 1 thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng, thì hệ thống đảm nhiệm xử lý gần 4 triệu nguyện vọng.
"Hệ thống đăng ký xét tuyển phải xử lý làm sao đảm bảo công bằng, quyền lợi cao nhất cho thí sinh; loại bỏ được lượng thí sinh ảo tại các trường”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.
Ngoài ra, hệ thống có nhiệm vụ kết nối dữ liệu học tập của học sinh ở phổ thông, dữ liệu học bạ cùng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để phục vụ xét tuyển. Cùng với đó là nhiệm vụ thanh toán lệ phí trực tuyến bằng các phương thức khác nhau, trên các nền tảng khác nhau.
Quá trình xây dựng hệ thống không tránh khỏi những khó khăn khi số lượng thí sinh lớn. Thời gian thực hiện triển khai nhiệm vụ này rất ngắn, chỉ có 4 tháng từ tháng 1 đến tháng 5 phải đưa vào sử dụng, trong khi nguồn lực hạn hẹp, hạ tầng công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn yếu. Ngoài ra còn có những khó khăn khác như tâm lý sợ rủi ro, khả năng tiếp cận mạng không đồng đều giữa các địa phương, hình thức thanh toán trực tuyến và việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư đều mới mẻ,…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Cho đến nay, toàn bộ hệ thống phần mềm đã hoàn thành. Hệ thống hạ tầng công nghệ cũng đã được nâng cấp, chức năng an toàn bảo mật đảm bảo kết nối và thực hiện. Hạ tầng đường truyền được xử lý đầu tư nâng cấp.
Theo thống kê, trên 93% thí sinh đã đăng ký trực tuyến. Hệ thống hoạt động hoàn toàn trơn tru, hiệu quả trên Cổng thông tin dịch vụ công của Bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Có thời điểm cao nhất khoảng 140.000 truy nhập, hệ thống vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.
Đến thời điểm này, trong việc đăng ký xét tuyển, trên 50% thí sinh, tương ứng với khoảng 450.000 thí sinh cùng 2 triệu nguyện vọng đã được đăng ký với tất cả các phương thức xét tuyển khác nhau.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ phổ thông lên đại học đã được kết nối liên thông, kết quả nhất quán theo mã định danh điện tử ở tất cả các cấp học. Cơ sở dữ liệu về điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học bạ và các dữ liệu khác đã sẵn sàng để phục vụ cho các trường xét tuyển.
Phần mềm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nền tảng thanh toán lệ phí sơ tuyển qua 15 kênh khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh xét tuyển bằng các phương thức khác nhau ở từng vùng khác nhau.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Bên cạnh thuận tiện, giảm công sức và chi phí, giảm sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, còn là sự thay đổi nhận thức và tạo ra niềm tin, từng bước nâng cao năng lực số cho học sinh, giáo viên”.
Để đạt được những kết quả trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề cập đến 4 bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất là chọn việc: chọn việc trọng tâm, trọng điểm, có tác động lớn, hiệu quả cao.
Thứ hai là công tác lãnh đạo: chỉ đạo, chọn người, chọn đơn vị có đủ năng lực để triển khai quyết liệt, thường xuyên sâu sát, thay đổi nhận thức.
Thứ ba là tổ chức thực hiện: nỗ lực cao, có kịch bản chi tiết, luôn luôn đứng về phía người sử dụng.
Thứ tư là truyền thông và tập huấn: nhằm thuyết phục, hướng dẫn sử dụng phần mềm tránh sai sót.
Căn cứ những vướng mắc chính trong quá trình thực hiện, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đưa ra một số đề xuất. Trong đó, Ban chỉ đạo đề án chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch nhiệm vụ chính, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để có kế hoạch rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như xây dựng dự toán kinh phí, bố trí nguồn lực để thực hiện.