Thực nghiệm sách giáo khoa lớp 1 chưa rõ thời lượng và quy mô

12/11/2020 05:59
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách chữ nổi Braille và sách giáo khoa Tiếng dân tộc thiểu số theo chương trình mới cũng chậm được ban hành theo quy định.

Trong báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - Giai đoạn 2015-2020 Ủy ban Văn hoa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã đánh giá về nội dung sách giáo khoa.

Theo đó, do không thể triển khai bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88, Chính phủ đã có đề nghị và Quốc hội cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa xã hội hóa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14

Để thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Bộ đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa;

Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; hướng dẫn tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 để triển khai trong năm học 2020-2021.

Trên cơ sở các quy định này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt phát hành 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 thực hiện theo phương thức xã hội hóa, do các nhà xuất bản biên soạn để đưa vào giảng dạy từ năm 2020.

Các tác giả biên soạn sách giáo khoa đều là các nhà khoa học có uy tín, trong đó nhiều tác giả là thành viên Ban Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cả ba nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa đều thuộc ngành giáo dục, trong đó Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Tuy nhiên, việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Nghị quyết 88 quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa để bảo đảm chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong khi phương thức xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa chưa có tiền lệ ở nước ta; đồng thời bảo đảm chất lượng cũng như tránh độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cố gắng trong triển khai thực hiện biên soạn sách giáo khoa nhưng cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa tổ chức, biên soạn được một bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời sách chữ nổi Braille và sách giáo khoa Tiếng dân tộc thiểu số (các môn học tự chọn từ lớp 1 đến lớp 12 ) theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chậm được ban hành theo quy định.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai sách giáo khoa lớp 1 và yêu cầu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 để bảo đảm tiến độ triển khai theo lộ trình quy định, Quốc hội đã thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạnsách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước .

Điều này đòi hỏi phải có chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và phải ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết 88 .

Đến nay các quy định này vẫn chưa được ban hành, ảnh hưởng đến giá sách giáo khoa lớp 1 triển khai cho năm hoạc 2020-2021 .

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm quy định của pháp luật.

Kết quả, đã có 46 sách giáo khoa thuộc 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và đưa vào sử dụng.

Qua giám sát, thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy: Quy định của Bộ chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu sách giáo khoa trước khi nhà xuất bản trình hội đồng quốc gia thẩm định.

Quy định về tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi.

Do vậy, đối với sách giáo khoa lớp 1 (năm học 2020-2021) có những nội dung chưa phù hợp gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội.

Thực tế, sau 2 tháng triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 (năm học 2020-2021), có nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. Chủ yếu tập trung vào sách Tiếng Việt thuộc bộ “Cánh Diều” với các nội dung:

Sách còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục ;

Sách có nhiều từ ngữ mang tính địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1; một số thuật ngữ còn trừu tượng; một số tình huống còn gượng ép .

Bộ Giáo dục và Đào tạo theo trách nhiệm quy định bởi Luật đã chỉ đạo Hội đồng thẩm định rà soát, tiếp thu, kịp thời điều chỉnh những nội dung không phù hợp, bảo đảm chất lượng sách giáo khoa, không ảnh hưởng tới hoạt động dạy học của các cơ sở giáo dục.

Linh Hương