Thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ thúc đẩy GVMN cống hiến, yêu nghề hơn

20/08/2023 06:37
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đưa GVMN vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với đối tượng lao động này, thúc đẩy cho các cô cống hiến, yêu nghề hơn.

So với những bậc học khác, giáo viên mầm non là nghề còn nhiều khó khăn, bất cập, hơn nữa do đặc thù công việc như phải chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy trẻ múa hát, vận động, những giáo viên lớn tuổi khó có thể đáp ứng được công việc.

Do đó, nhiều lãnh đạo trường mầm non, phòng giáo dục và đào tạo mong việc đưa nghề giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại sớm được phê duyệt để nhóm lao động này có thể nghỉ hưu sớm hơn so với quy định.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Châu Ngọc Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang (Quảng Nam) bày tỏ sự đồng tình nếu việc đưa nghề giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại được triển khai.

Học sinh Trường Mẫu giáo Trà Giác (Quảng Nam) trong ngày "Bé vui Hội trăng rằm" năm học 2022-2023 (Ảnh: Website nhà trường).

Học sinh Trường Mẫu giáo Trà Giác (Quảng Nam) trong ngày "Bé vui Hội trăng rằm" năm học 2022-2023 (Ảnh: Website nhà trường).

Theo ông Vĩnh, giáo viên mầm non là nghề rất vất vả, không những phải dành thời gian giảng dạy trên lớp, khi về nhà, các cô cũng phải dành thời gian buổi tối để chuẩn bị đồ dùng học tập, đồ chơi cho các em.

Bên cạnh đó, khó khăn của giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Nam Giang hiện nay cũng như các huyện khác thuộc tỉnh Quảng Nam là đang thiếu giáo viên theo quy định.

Tuy nhiên, khi địa phương tổ chức thi tuyển lại không có nguồn để tuyển, bởi thực tế hiện nay, nhu cầu học sư phạm mầm non cũng rất thấp. Hơn nữa, từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực yêu cầu giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, do đó, bên cạnh một số giáo viên đang đi học nâng cao trình độ, một số khác lại không muốn học lên cao nữa.

Vậy nên, việc thiếu giáo viên mầm non trong tương lai đang là thách thức khiến nhiều địa phương phải đối mặt vì vấn đề này sẽ gây ra khó khăn trong việc chăm sóc trẻ khi lớp học 25-30 em nhưng chỉ có một cô đứng lớp.

Đặc biệt, đối với những cô giáo đã lớn tuổi thì sự vất vả này càng nhiều hơn, bởi lớp học đông, trẻ mầm non lại đang ở độ tuổi hiếu động.

Chính vì vậy, ông Vĩnh cho rằng, việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại giúp các cô được nghỉ hưu sớm hơn nếu có nhu cầu.

Bởi, theo Luật lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035; Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm nghề nặng nhọc, độc hại thì giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm quy định tối đa 5 năm. Điều này sẽ giúp đảm bảo được quyền lợi lao động cho các giáo viên mầm non cũng như thể hiện sự công bằng trong giáo dục.

Bên cạnh đó, theo ông Vĩnh, khi thuộc nhóm nghề nặng nhọc, giáo viên mầm non sẽ được chú trọng hơn về vấn đề kiểm tra sức khỏe. Đây là việc làm rất cần thiết trong công tác giáo dục trẻ mầm non, bởi ở bậc học này, các cô không chỉ dạy học mà còn phải chăm sóc, nuôi dưỡng cho các em.

Vậy nên, nếu các cô giáo có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi việc kiểm tra sức khỏe được chú trọng, tất yếu sẽ chăm sóc tốt hơn cho trẻ cũng như ngăn ngừa được việc lây nhiễm các bệnh nguy hiểm.

Bên cạnh việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, ông Vĩnh cũng mong rằng, thay vì mức ưu đãi nghề hiện hành đối với giáo viên mầm non là từ 35 - 50% tùy địa bàn công tác, nên nâng lên thành 70% để hỗ trợ, đảm bảo thu nhập cho các cô.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Giác (Quảng Nam) cho rằng, việc đưa nghề giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại là điều rất thiết thực.

Bởi, so với các bậc học khác, bậc học mầm non còn nhiều vướng mắc, vất vả, và mỗi khu vực lại có những khó khăn khác nhau.

Đối với những trường ở khu vực miền núi, xã vùng cao như Trường Mẫu giáo Trà Giác, hầu hết người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, khó có thể vận động công tác xã hội hóa để hỗ trợ giáo dục mầm non.

Hơn nữa, khác với cơ sở ở khu vực đồng bằng, ở vùng miền núi, một trường lại có nhiều điểm trường lẻ, các điểm trường lẻ này đều cách rất xa điểm trường chính và nhà ở của các giáo viên mầm non.

Vậy nên, các cô khi dạy điểm trường lẻ phải dạy hết tuần học mới có thể về nhà. Đáng nói, hầu như giáo viên mầm non đều là nữ và nhiều người đang ở độ tuổi có con nhỏ, do đó, việc phải đi dạy xa, dành thời gian trên trường lớp nhiều hơn ở nhà khiến các cô khó khăn trong việc chăm sóc gia đình.

Do đó, nếu việc đưa nghề giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại được phê duyệt sẽ thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với giáo viên mầm non do sẽ có những chế độ chính sách phù hợp hơn. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy cho các cô yêu nghề, cố gắng cống hiến cho nghề nhiều hơn, góp phần vào sự phát triển cho những mầm non tương lai của đất nước.

Tường San