Đầu năm so sánh chất xám nông dân và tiến sĩ

01/01/2015 06:45
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Quan chức Quốc hội cho rằng, tiềm năng và trí tuệ của người Việt rất lớn, nhưng chúng ta đang bị chảy máu chất xám.

Bước vào năm mới, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về những thành tựu, mặt hạn chế ở lĩnh vực khoa học – công nghệ trong năm qua.

Trong năm 2014, theo ông, ở lĩnh vực khoa học – công nghệ có những thành tựu đáng chú ý nào?

PGS. TS Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội
PGS. TS Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội

Nhìn vào bức tranh hoạt động khoa học trong năm qua, chúng ta có thể thấy những điểm sáng đáng mừng trên nhiều lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và đặc biệt là một số lĩnh vực khoa học công nghệ ứng dụng trong y tế, điện tử tin học, công nghiệp chế tạo, xây dựng, giao thông, nông nghiệp.

Tôi chỉ xin được điểm qua một vài nét, chắc chắn là không thể đầy đủ về những thành tựu chủ yếu trên một số lĩnh vực.

Lĩnh vực y dược học tiếp tục gặt hái một số thành quả hữu ích với nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh góp phần cứu sống nhiều người bệnh với giá thành rẻ hơn so với điều trị ở nước ngoài mà điển hình là thử nghiệm thành công kỹ thuật ghép đồng thời tụy thận (kỹ thuật ghép đa tạng) từ người chết cho não; việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư; việc ứng dụng kỹ thuật nội soi trong điều trị một số bệnh đã đạt trình độ ngang với các nước tiên tiến.

Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y dược cũng đã tạo ra nhiều loại thuốc,vắc xin góp phần thay thế các sản phẩm cùng loại nhập ngoại với giá thành rẻ hơn mà điển hình là thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư, vắc–xin Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em…

PGS.TS, Bác sỹ Lê Thị Luân chủ nhiệm đề tài vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Rotavin M1. (Ảnh: TTXVN)
PGS.TS, Bác sỹ Lê Thị Luân chủ nhiệm đề tài vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Rotavin M1. (Ảnh: TTXVN)

Những thành tựu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến  đã cho thấy một lĩnh vực khoa học công nghệ có nhiều triển vọng trong việc nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm mà chúng ta có lợi thế phát triển.

Trong lĩnh vực này, một sự kiện nổi bật trong năm là việc IAEA trao tặng 3 giải cho lĩnh vực đột biến tạo giống của Viện di truyền nông nghiệp, các giống này đã được công nhận giống quốc gia và được gieo trồng trên hàng trăm nghìn héc-ta.

Nhiều công nghệ và kỹ thuật cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong thực tiễn như hệ thống tích hợp phục vụ thu phí tự động; mô hình bảo mật hệ thống thông tin tổng thể cũng như các giải pháp bảo mật thông tin trên hệ điều hành mã nguồn mở; hệ thống dịch hai chiều Việt - Anh; hệ thống hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ… Nổi bật trong lĩnh vực này là sản phẩm vi mạch đầu tiên của Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC), Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chế tạo chính thức được thương mại hóa đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều ngành công nghiệp.

Đầu năm so sánh chất xám nông dân và tiến sĩ ảnh 376% tiến sĩ làm việc ở các lĩnh vực ...không thể có sáng chế

(GDVN) - “Không thể vì một vài hiện tượng cá lẻ mà suy rộng ra thành một nền khoa học vô dụng...”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định.

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo có hai sự kiện nổi bật trong năm là việc làm chủ công nghệ trong đóng tàu quân sự 12418 và việc lần đầu tiên Việt Nam hạ thuỷ và xuất khẩu giàn khoan HRD ra nước ngoài, khẳng định công nghệ đóng giàn khoan của Việt Nam và mở ra yêu cầu ngày càng cao trong hợp tác quốc tế.Trong lĩnh vực giao thông, xây dựng cũng có nhiều thành quả trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vật liệu, cơ khí xây dựng, công nghệ xử lý môi trường, làm chủ nhiều công đoạn quan trọng trong xây dựng các công trình hạ tầng giao thông…

Một điểm đáng chú ý trong hoạt động khoa học công nghệ năm 2014 là những nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ liên quan đến biển đảo đã được đẩy mạnh, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Việc một số nhà khoa học Việt Nam được các tổ chức quốc tế và trong nước vinh danh trong năm qua đã phản ánh thế mạnh của các nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học cơ bản. Đó là sự kiện Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (nghiên cứu giảng dạy về ngành tính toán cơ học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh) cùng với hai nhà khoa học nổi tiếng đang sống và làm việc ở Mỹ là Giáo sư vật lý Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago), Giáo sư toán học Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern,  Mỹ) được tổ chức Thomson Reuters (tổ chức theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu) xếp vào danh sách Những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014; Giáo sư hóa học Châu Văn Minh được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Belarus; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân trong lĩnh vực vật lý và Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng nghiên cứu trong lĩnh vực toán được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu - giải thưởng vinh danh các nhà khoa học xuất sắc…

Năm 2014 cũng là năm có nhiều chuyển biến trong các hoạt động quản lý khoa học - công nghệ (KH&CN) nhằm triển khai thực hiện Luật KH&CN (sửa đổi ) và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Trung ương về KH&CN, triển khai Chiến lược KH&CN. Nhiều hoạt động khoa học - công nghệ diễn ra nhân Ngày khoa học và Công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trên phạm vi cả nước cũng là một dấu ấn trong năm 2014.

Bên cạnh đó, hẳn vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Ông có thể điểm qua một số tồn tại của ngành trong năm 2014?

Bên cạnh một số thành tựu nêu trên, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng khoa học và công nghệ nước ta còn khá nhiều hạn chế. Đó là năng lực khoa học công nghệ nội sinh của chúng ta còn ở mức rất thấp, việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong sản xuất, việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các hoạt động R&D trong các doanh nghiệp còn yếu.

Nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu còn dàn trải, chưa gắn với thực tế, đầu tư và hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ thấp. Khoa học và công nghệ chưa trở thành yếu tố quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng tính hành chính, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thiếu tính tự chủ, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chưa tương xứng với định hướng và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.

Năm 2014 cũng là năm người Việt chứng kiến nhiều thành tựu khoa học từ chính những nông dân, doanh nhân chứ không phải các nhà khoa học, các chuyên gia. Chẳng hạn, dự án tàu ngầm mini Trường Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình hay việc cha con ông Trần Quốc Hải chế xe bọc thép cho Campuchia… Theo ông, những ví dụ điển hình như trên nói lên điều gì?

Những hiện tượng nêu trên minh chứng một điều là tiềm năng và trí tuệ của người Việt Nam là rất lớn, nếu chúng ta có cơ chế, chính sách phù hợp, tiềm năng đó sẽ trở thành nguồn lực và động lực phát triển. Chúng ta có tình trạng chảy máu chất xám, nhưng không phải chỉ từ những hiện tượng đơn lẻ như trên.

Ông từng nói nguồn tiền đầu tư xã hội và doanh nghiệp ngoài Nhà nước, thậm chí khoản đầu tư từ ngân sách cho lĩnh vực này còn hạn chế. Điều đó gây ảnh hưởng thế nào tới tương lai, sự phát triển của khoa học – công nghệ trong thời gian tới thưa ông?

Đầu năm so sánh chất xám nông dân và tiến sĩ ảnh 4Từ tháng 12/2014, giảng viên nghiên cứu khoa học được hỗ trợ gì?

(GDVN) - Theo đó, từ ngày 15/12/2014 Nghị định quy định về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học – công nghệ sẽ có hiệu lực.

Chúng ta vẫn nói đầu tư cho khoa học và công nghệ là đầu tư phát triển, và phải nhấn mạnh thêm là đây là lĩnh vực đầu tư dài hạn, đầu tư mạo hiểm. Chưa nói đến hiệu quả sử dụng, chỉ nói về lượng thôi thì khi chưa đạt một mức nhất định thì sẽ rất lãng phí.

Vì vậy, chúng ta phải giải quyết song song hai vấn đề vừa phải tăng mức đầu tư cho KH&CN, vừa phải sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư này. Giải pháp ở đây là có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng tính chủ chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ, chuyển mạnh đầu tư từ ngân sách thông qua các quỹ khoa học và công nghệ, gắn các tổ chức và hoạt động khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp.

Trong năm 2015 sắp tới, theo ông ở lĩnh vực này sẽ có những điểm sáng nào?

Năm 2015 là năm một số cơ chế, chính sách mới ban hành có hiệu lực và là năm nhiều chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, chương trình quốc gia về nghiên cứu ứng dụng hoàn thành, tôi hy vọng sẽ có nhiều kết quả cụ thể hơn những năm qua.

Làm thế nào để các đề tài khoa học đang được “cất trong tủ”, gây lãng phí xã hội sớm được ứng dụng vào thực tế sản xuất, đời sống thưa ông?

Nếu những đề tài cất trong tủ không có giá trị khoa học nào thì chúng ta không có cách nào ứng dụng được. Còn đối với những đề tài thực sự có ý nghĩa thực tế thì cần được tiếp tục hỗ trợ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) đã có các quy định nhằm ràng buộc việc thực hiện hoạt động nghiên cứu với triển khai, ứng dụng trong thực tế ngay từ khi xác đinh nhiệm vụ nghiên cứu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN